17:18 12/09/2022

Đầu năm học, lại nóng chuyện bạo lực học đường

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An (t/h)

Gần đây, liên tiếp các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường xảy ra gây bức xúc trong dư luận. Các em học sinh là nạn nhân không chỉ bị ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe mà nhiều em còn phải nhập viện vì bị bạn hành hung.

Ngày 12/9, Công an thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đang phối hợp với các trường học trên địa bàn thành phố điều tra làm rõ vụ 2 học sinh của trường THCS-THPT Tây Sơn bị học sinh một số trường đánh hội đồng phải nhập viện cấp cứu.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài 4 phút 50 giây, ghi lại hình ảnh 2 học sinh L.N.Đ.K và N.Q.Kh (lớp 7A7, trường THCS-THPT Tây Sơn) bị các nhóm thanh thiếu niên đánh đập, đạp vào đầu…

hoc-duong-1
Anh: N.Q.Kh bị đánh hội đồng. Ảnh cắt từ clip

Trong đoạn đầu của clip, N.Q.Kh bị một số thanh thiếu niên đánh đập, trong đó có những học sinh mặc đồng phục của trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng, Trường THCS-THPT Tây Sơn… Còn ở đoạn cuối clip, L.N.Đ.K bị một thanh niên dùng chân đạp, đá vào đầu.

Trước đó, tại Hà Tĩnh xảy ra vụ một nữ sinh lớp 8 trên địa bàn bị đánh hội đồng, lột quần áo. Nạn nhân trong vụ việc được xác định là N.T.T.T. (trú thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà).

Theo Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, sáng 4/9, nhóm nữ sinh trường THCS Phan Huy Chú, đến nhà T. và chở nữ sinh đi. Lúc đến khu vực vắng người, nhóm khoảng 3 nữ sinh lao vào đánh đập, lột quần áo T. Bị đánh, cô gái nhiều lần xin tha, nhưng nhóm nữ sinh không dừng lại. 

Bạo lực học đường có thể dẫn đến tai nạn thương tích

Theo ông Nguyễn Trọng An - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ trên Sức khỏe và Đời sống, bạo lực học đường có thể dẫn đến tai nạn thương tích. Với những học sinh có thần kinh yếu hoặc những em có vấn đề tâm lý, tinh thần không bình thường thì có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề hơn như tự tử, bỏ học, vi phạm pháp luật, sa vào nghiện hút, đâm chém nhau, gây rối loạn xã hội.

Ông An cho rằng, nguyên nhân của bạo lực học đường là do việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục các em mới chỉ là khẩu hiệu chứ vẫn rất lỏng lẻo. Để ngăn chặn bạo lực học đường, bên cạnh sự quan tâm của nhà trường, giải pháp căn cơ vẫn xuất phát từ phía gia đình. Mỗi một gia đình cần có một nền tảng giáo dục con cái nhất định.

"Giáo dục gia đình là quan trọng. Các bậc cha mẹ cần có kiến thức để bảo vệ con cái, hỗ trợ, giúp con giải tỏa trong mọi vấn đề, từ đó giảm sự bùng phát, tức giận trong con trẻ để không dẫn đến bạo lực.

Về phía nhà trường, cần giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng, tránh bạo lực xâm hại và các vấn đề liên quan đến đời sống. Không nên chỉ tập trung vào việc nhồi nhét kiến thức, chạy theo thành tích, điểm số. Hệ thống giáo dục, hệ thống nhà trường cần có giáo viên về tâm lý, tâm lý về xã hội, tâm lý học đường để tư vấn, trao đổi với học sinh về những khúc mắc, từ đó có thể ngăn chặn nguy cơ bạo lực học đường", ông Nguyễn Trọng An nêu quan điểm.

Chia sẻ trên Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia phương pháp học Nguyễn Đình Sơn - Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết: Trên hành trình tuổi teen có bốn giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn từ 9 tuổi đến 23 tuổi. Đây là học sinh cuối tiểu học và THCS, các em khi chia xa tuổi thơ coi gia đình thứ hai chính là bạn bè cùng trang lứa. Tâm lý thích nổi trội để khẳng định bản thân nên tình trạng bạo lực thể hiện dưới 5 hình thức: trêu chọc, cô lập, lan tin đồn, bắt nạt và băng nhóm. Đối tượng bắt nạt thường tìm đến những bạn bị cô lập và tỏ ra nhút nhát, hoặc có sự mâu thuẫn về sự phát triển khác biệt như các em thường nói: “Nhìn bạn ngứa mắt” chẳng hạn. Hơn thế những hành vi bắt nạt hay bạo lực thường xuất phát từ những nguyên nhân khác như các em có thể trêu ghẹo hay nói xấu nhau.

Hành vi xung đột là khó tránh được ở độ tuổi này và để kiểm soát tình trạng trên, trước tiên cha mẹ trong cả một hành trình cùng con nên người cần tìm cách dịch chuyển theo sự phát triển của con và chia sẻ giúp con hiểu về cách tương tác với bạn bè để tránh xung đột. Cha mẹ cũng cần quan sát những biểu hiện và dấu hiệu bị bắt nạt để giúp con gỡ rối.

Theo ông Sơn, về phía nhà trường, cần giáo dục học sinh ở độ tuổi này về tránh xung đột qua các bài tập tình huống đầu năm học như những buổi thảo luận mở dưới dạng trò chơi về 5 hình thức bạo lực thường dễ xảy ra để giúp các em nhận thức hành vi của mình chính là bạo lực với bạn. Từ những buổi thảo luận các con sẽ xây dựng được các chuẩn mực trong cách ứng xử với bạn bè của mình để phòng tránh hiệu quả.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận