08:30 25/11/2022

Tôi đã làm gì khi con đánh bạn?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Nguyễn Ngọc Anh

Cách đây ít lâu, một hôm đi đón con như mọi ngày, tôi được cô giáo nhắn nhủ nhẹ nhàng: “Hôm nay, Quân đánh bạn Kỳ”. Hỏi ra mới biết, bạn không làm gì cũng bị con đánh. Bạn đang ngồi chơi, tự nhiên con chạy ra “uýnh” vào đầu bạn.

Về nhà, tôi có hỏi con tại sao lại đánh bạn nhưng con không trả lời. Vài ngày sau, tôi tiếp tục bị cô giáo của con than phiền khi con tranh ghế đánh bạn, đánh luôn cả bạn có chú là thầy giáo đang dạy trong lớp. Đặc biệt, khi về nhà, con còn có hành vi giơ tay đánh bố mẹ khi không được đáp ứng yêu cầu.

Lúc này, tôi rất hoang mang vì ngày nào cũng bị cô giáo của con “mắng vốn”, rồi phụ huynh xem camera trong lớp thấy con bị đánh không lý do thì họ cũng khó chịu. Hỏi thì con không trả lời mẹ. May là tôi cũng kịp thời bình tĩnh, bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân và cùng con vượt qua hành vi tâm lý này.

1. Vậy tại sao con lại có hành vi đánh người khác

Sau khi tìm hiểu, tôi biết được hành vi này hầu hết bé nào cũng có, vì đây là một phần trong quá trình phát triển của con. Và thường đến từ các nguyên nhân như:

  • Con đang trong giai đoạn khám phá cơ thể, khám phá sức mạnh của đôi tay. Con muốn thử xem khi con đập tay vào một thứ gì đó thì sẽ có hiện tượng gì.
  • Con chưa biết cách kiểm soát cảm xúc, hành vi của mình. Con chưa thể gọi tên các cảm xúc như buồn, giận, bực bội... Vì vậy, con không nói ra được tâm trạng của mình như thế nào, không giải tỏa được nên con sẽ thể hiện bằng hành động như la hét, khóc lóc, ném đồ và đánh người.
  • Con đang thử nghiệm các ranh giới của ba mẹ. Con muốn thử xem khi con làm như vậy thì ba mẹ có đáp ứng yêu cầu của con hay không.
  • Con đang trong giai đoạn nhạy cảm về hành vi. Con sẽ bắt chước những hành động của người lớn hay những gì mà con thấy xung quanh.

2. Tôi đã giúp con vượt qua giai đoạn này như thế nào?

Việc đầu tiên, tôi ôm con vào lòng, nói những lời yêu thương với con. Để cho con biết mẹ rất yêu, rất quan tâm tới con. Mẹ muốn chia sẻ mọi điều với con, muốn biết chuyện gì đã xảy ra với con, chứ không phải là mẹ muốn trách mắng con. Có như vậy thì con mới mở lòng với mẹ.

Tôi đã làm gì kh
Khi con có hành động đánh bạn, mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu (Ảnh: Internet).

Rồi tôi sẽ nhẹ nhàng hỏi: "Hôm nay, mẹ nghe cô giáo nói ở trường con và bạn Kỳ đã xảy ra xung đột hả? Tại sao 2 con lại đánh nhau vậy?". Tôi tránh hỏi: "Tại sao con lại đánh bạn?". Vì như vậy giống như mẹ đang quy chụp lỗi sai cho con, là do con đánh bạn.

Trong khi mẹ không ở đó chứng kiến sự việc, không biết thực hư ra sao. Dù mẹ có hỏi cô giáo thì cũng chưa chắc là lúc sự việc xảy ra cô đã nhìn thấy từ đầu đến cuối, có thể cô chỉ nhìn thấy lúc con đang đánh bạn thì sao. Vậy nên tôi không hỏi theo hướng một chiều hay thiên về lời kể của cô giáo.

Đối với bé chưa có khả năng kể lại sự việc cho mẹ nghe thì mẹ có thể đặt những câu hỏi gợi ý: "Hai con tranh đồ chơi với nhau à?", "Bạn không chơi với con nên con giận con đánh bạn à?".....

Con có thể trả lời mẹ hoặc im lặng.

Nếu con trả lời thì mẹ dựa vào câu trả lời của con mà giải thích cho con hiểu. Dù con đúng hay sai thì hành vi đánh bạn là không tốt, con đánh bạn, bạn sẽ đau sẽ giận con đấy. Nếu người khác đánh con đau, con có chịu không (có thể con sẽ trả lời hoặc không).

“Con sẽ không muốn bị đau đúng không? Vậy thì con cũng đừng làm người khác đau nhé. Con của mẹ là em bé biết yêu thương mọi người, con sẽ không làm người khác đau đâu”, đó là điều tôi nói. Và dạy con nói lời "xin lỗi" nếu con có sơ ý làm người khác bị đau.

Nếu con im lặng, không trả lời, tôi sẽ nói: “Bây giờ, con không muốn nói cho mẹ biết cũng không sao. Khi nào con muốn thì hãy nói với mẹ nhé", "Vì con không nói nên mẹ kohông biết chuyện gì đã xảy ra nhưng mẹ biết lúc đó có thể con đang khó chịu, đang tức giận hay đang bực bội điều gì đó. Dù con cảm thấy như thế nào thì con cũng không nên đánh bạn". Tôi sẽ gọi tên cảm xúc của con và giải thích cho con đúng - sai.

3. Cuối cùng, tôi sẽ dạy cho con cách xử lý, tùy vào mỗi tình huống xảy ra

▪︎ Bạn tranh đồ chơi của con: Con sẽ thương lượng với bạn về việc chia sẻ đồ chơi cho nhau.

▪︎ Bạn đánh con: Con sẽ nói: "Bạn không được đánh mình" (tôi diễn tả lại lời nói cũng như tông giọng cho con thấy. Mục đích là dạy con biết tự giải quyết vấn đề của mình). Nếu vẫn không được, tôi dạy con hãy chạy đi nói với cô giáo. Dạy con tránh đi, đừng để bạn đánh và cũng không nên đánh lại bạn.

▪︎Dạy con cách giải tỏa cảm xúc bằng cách: Đánh vào gối, dặm chân xuống đất....

Đặc biệt, mỗi ngày, tôi sẽ nói với con: "Con là em bé biết yêu thương mọi người. Con sẽ không làm đau người khác. Con luôn hòa đồng vui vẻ với mọi người nên con được mọi người yêu mến". Nhất là vào lúc con vừa mới ngủ hay sắp ngủ dậy, tôi sẽ luôn thủ thỉ với con những điều tốt đẹp, tích cực. Thực hiện liên tục 21 ngày, nó sẽ thành thói quen và con sẽ là em bé tuyệt vời mà mẹ đã “cài đặt” cho con.

Tôi kiên trì làm như vậy, sau 2 tuần thì thấy con không còn đánh bố mẹ ở nhà nữa. Đến trường hỏi cô, cô cũng bảo: “Dạo này Quân hết đánh bạn rồi”. Thực sự tôi rất vui mừng vì đã giúp con vượt qua giai đoạn tâm lý này một cách nhanh như vậy. Bài viết hy vọng sẽ giúp được các mẹ đang hoang mang như tôi đã từng.

Ghi theo chia sẻ của độc giả Lâm Bình Khanh
(30 tuổi, sống tại Long An).

Tôi nói là chuyên mục mới trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Chuyên mục là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận