Giáo dục kĩ năng sống, phòng chống bạo lực cho trẻ khuyết tật
Mong muốn trẻ khuyết tật hòa nhập, không mặc cảm với số phận, giáo viên giáo dục các em kĩ năng sống, cách phòng chống bạo lực...
Giúp trẻ khuyết tật tự tin, mạnh dạn
Rèn luyện kỹ năng, đạo đức lối sống cho trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách sau này của các em. Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ cần được trang bị kỹ năng sống để định hướng phát triển cá nhân một cách tốt nhất. Đặc biệt là với trẻ chậm phát triển trí tuệ - tự kỉ thì việc giáo dục lại càng quan trọng, cần thiết. Cũng vì thế việc dạy dỗ, giáo dục lại khó khăn hơn so với những trẻ bình thường. Nếu các em được quan tâm, hỗ trợ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn để tự lập, hòa nhập xã hội.
Cô Mai Thị Dung, Hiệu trưởng điểm trường Trung Tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Kon Tum - Trường Tiểu học Quang Trung cho biết, năm học 2022-2023 có 50 trẻ khuyết tật theo học. Học sinh nơi đây chủ yếu bị đa khuyết tật, như: khuyết tật vận động, trí tuệ…
Theo cô Dung, với những đứa trẻ “đặc biệt” ở đây, thầy cô không chỉ dạy kiến thức còn hỗ trợ, giúp đỡ để các em có thể hòa nhập với xã hội. Do đó, đan xen với kiến thức dạy trên trường giáo viên còn giới thiệu cho các em biết về Thế giới bên ngoài. Những năm qua, nhà trường cũng phối hợp, tổ chức cho các em đi tham quan, mua sắm... nhằm mở mang kiến thức và phát triển năng lực của bản thân.
"Khi được tham quan, mua sắm học sinh rất vui và thích thú. Giáo viên còn hướng dẫn học sinh cách chi tiêu, mua sắm những vật dụng thiết yếu cho bản thân. Từ đó giáo dục học sinh cách tính toán, sử dụng đồng tiền một cách hợp lý", cô Dung nói.
Cũng theo cô Dung, bước vào năm học mới này cô dự định sẽ tổ chức cho học sinh khuyết tật đến tìm hiểu về cơ quan hành chính, nhà nước và tham quan di tích lịch sử. Qua đó, cho học sinh biết mỗi cơ quan hành chính có một nhiệm vụ khác nhau, như: liên quan đến vấn đề an ninh trật tự - xã hội và quản lý nhân thân thì đến Công an….Bên cạnh đó, các em biết được quyền lợi của mình như thế nào, khi bị xâm hại… sẽ phải liên hệ cho ai, cơ quan nào để được hướng dẫn, xử lý.
Quyền lợi công dân của người khuyết tật
Cô Dung cũng dự định, cận kề ngày 22/12 nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh tham quan di tích văn hóa, cầu treo KonKlor, ngục Kon Tum… Từ những hoạt động này thầy, cô muốn học sinh tự tin, mạnh dạn và biết được quyền lợi của mình khi ra ngoài xã hội.
“Tôi muốn cho học sinh tìm hiểu, khám phá Thế giới xung quanh chứ không chỉ gói gọn trong trường học. Hiện tại nhà trường, giáo viên có thể hỗ trợ các em nhiều thứ. Tuy nhiên, về lâu về dài thầy cô không thể đồng hành, giúp đỡ học sinh được nên muốn hướng dẫn, giáo dục để các em chủ động trong mọi việc. Đến khi ra đời các em sẽ có những kĩ năng nhất định và không trở thành gánh nặng của xã hội. Đặc biệt người khuyết tật cũng có các quyền lợi của công dân”, cô Dung tâm sự.
Không chỉ vậy, trong quá trình dạy kiến thức trên trường lớp, giáo viên còn giáo dục học sinh cách tự phục vụ bản thân, như: tự vệ sinh cá nhân, tắm, giặt, đi dép đúng bên, sắp xếp sách vở, đánh răng, rửa mặt… Thế nhưng, vấn đề này tuy đơn giản nhưng lại khá khó khăn với những đứa trẻ khiếm khuyết.
Theo cô Trần Thị Quyên, giáo viên Trung Tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Kon Tum tâm sự, trẻ khuyết tật cũng có quyền học tập, vui chơi như bao trẻ em khác. Nhưng việc học của trẻ khiếm khuyết lại có sự khác biệt so với trẻ em bình thường. Do bị hạn chế về trí tuệ nên trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp, ứng xử xã hội và khả năng tự phục vụ bản thân.
Nhiều trẻ không thể tự phục vụ bản thân mình mà nhờ người khác giúp đỡ, hỗ trợ. Đa số trẻ khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong việc học các môn vì khả năng ghi nhớ kém, mau quên. Do đó, trẻ khuyết tật luôn được học tập theo chương trình phù hợp với trình độ cũng như đặc điểm tâm sinh lý của trẻ và phát triển theo chiều hướng khác so với trẻ bình thường.
Cô Quyên bộc bạch, hàng ngày và hàng tuần giáo viên đều nhắc nhở học sinh những kiến thức cơ bản và kĩ năng sống - giao tiếp, ứng xử. Thế nhưng chỉ được ít hôm các em lại quên.
“Với những đứa trẻ bình thường thì việc hướng dẫn cách tự phục vụ bản thân sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn. Thế những với trẻ khuyết tật thì việc này khá khó khăn và đòi hỏi kéo dài trong nhiều ngày. Do đó, cần sự kiên trì, nhẫn nại và yêu trẻ của giáo viên”, cô Quyên tâm sự.
Theo Giáo dục và Thời đại
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất