Giúp trẻ em phát triển toàn diện
Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, bảo đảm quyền của trẻ em, dành những điều kiện tốt nhất cho trẻ em phát triển toàn diện là những điều mà các Hội, Chi hội làm công tác bảo vệ quyền trẻ em ở các tỉnh, thành luôn chú trọng với nhiều mô hình, sáng kiến hay.
Cơ quan Thường trực phía Nam - Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
Bảo vệ trẻ em có nguy cơ bỏ học: Chương trình này với mục tiêu hạn chế trẻ bỏ học, nhất là ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long – nơi có tỷ lệ trẻ em bỏ học cao. Chương trình không chỉ hỗ trợ học bổng mà còn phối hợp với chính quyền, nhà trường, các ban ngành, đoàn thể địa phương theo dõi, giúp đỡ việc học tập cho các em, giúp đỡ gia đình xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền nâng cao kiến thức cho gia đình về quyền trẻ em.
Chương trình chăm sóc sức khỏe: Mua thẻ bảo hiểm y tế, xây dựng giếng nước để cung cấp nước sạch.
Chương trình bảo vệ trẻ em bị xâm hại, bạo lực: Xây dựng mạng lưới luật sư, luật gia thường xuyên tham gia tư vấn, truyền thông nhóm cho người dân, tổ chức các phiên tòa giả định, xây dựng tiểu phẩm để tuyên truyền. Ngoài ra, còn tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí như tham gia tố tụng bảo vệ bị hại trước phiên tòa, tham gia giám hộ và giúp đỡ các trẻ em bị xâm hại tình dục, có ý kiến với các cơ quan chức năng trong các vụ án xâm hại bạo lực với trẻ em, và những vi phạm về quyền trẻ em khác.
Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng
Hội có 953 Chi hội, Câu lạc bộ Từ thiện và Bảo vệ Quyền trẻ em tại trường học, khu dân cư, nhà chùa…. với hàng loạt mô hình, sang kiến được thực hiện nhằm bảo vệ quyền trẻ em như: Phong trào thi đua “Giúp đỡ hộ nghèo vượt khó và chung tay bảo vệ quyền trẻ em” do Thành hội phát động.
Các chương trình: “Vì ngày mai tươi sáng” hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình nghèo, khó khăn có trẻ em và hỗ trợ học bổng cho học sinh con hộ gia đình được hỗ trợ sinh kế; “Học bổng Phát triển Giáo dục và Kỹ năng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”; “Phòng chống mua bán và xâm hại tình dục trẻ em”.
Khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà miễn phí cho các người nghèo và trẻ em; “Ngày hội Tuổi thơ” do Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố tổ chức định kỳ 2 năm 01 lần; “Vòng tay nhân ái”, “Viết tiếp ước mơ”; Nuôi dưỡng những trẻ em mồ côi, học sinh, sinh viên nghèo tại Trung tâm từ thiện và các Mái ấm gia đình của Hội; Mô hình “Địa chỉ từ thiện” được thực hiện năm 2022.
Tháng 4/2022 thành phố Đà Nẵng công bố website Bảo vệ trẻ em, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội “Baove-treemdanang.vn” và Ứng dụng di động dành cho trẻ em và thanh, thiếu niên tại Đà Nẵng “Tre em DaNang”.
Hoạt động này nhằm giúp trẻ em và thanh, thiếu niên thành phố tiếp cận được các kênh hỗ trợ thân thiện về phòng chống bạo lực trẻ em, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội, đồng thời thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và thanh, thiếu niên tại Đà Nẵng trên nền tảng công nghệ số.
Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bến Tre
Hội thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em trực tiếp cho đối tượng là phụ huynh đang nuôi dưỡng trẻ em thông qua sự vận động tham gia của Hội phụ nữ cơ sở.
Truyền thông trực tiếp cho trẻ em là học sinh tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên phụ trách đội tại các trường học thông qua các buổi tập huấn, tọa đàm, diễn đàn, tại các sự kiện trao học bổng, trao quà cho học sinh.
Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em Tây Ninh
Mô hình vận động cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp tham gia nuôi heo đất gây quỹ trao học bổng, thực hiện các hình thức tiết kiệm và vận động các mạnh thường quân trong và ngoài địa phương.
Hằng năm, trao tặng gần 2.500 suất quà nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, hơn 600 suất quà cho các em nữ sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn, hơn 4.200 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học nhằm động viên tinh thần các em nỗ lực vươn lên trong học tập, với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng.
Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thái Bình
Tỉnh hội đã tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước cho trẻ em là học sinh học tại các trường tiểu học và THCS ở một số địa phương trong tỉnh và phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, lồng ghép các chương trình tặng quà, kết hợp tuyên truyền về quyền trẻ em, phổ biến phòng chống xâm hại trẻ em tại địa phương có hiệu quả và lấy đó làm mô hình để triển khai diện rộng trong thời gian tới.
Ảnh: Các Hội cung cấp
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất