Hà Nội: Số ca mắc thủy đậu ở trẻ em tăng mạnh
Theo nhận định của CDC Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, bệnh nhân ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.
Bài viết này thuộc chuyên đề Các bệnh thường gặp ở trẻ em
Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu, các hệ thống trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện như ở người lớn. Khi chuyển mùa, nhiệt độ đột ngột thay đổi, độ ẩm trong không khí tăng cao, môi trường bụi bẩn, độc hại tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm đến ngày 21/3, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 548 ca mắc thủy đậu, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2022 có 4 ca).
Trước đó cũng theo CDC Hà Nội, trong tuần (từ ngày 10 - 17/3), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 70 trường hợp mắc thủy đậu, số ca mắc được ghi nhận giảm nhẹ so với tuần trước đó (112 ca). Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, số ca mắc thủy đậu cao nhất nằm ở trẻ em nhóm tuổi tiểu học (38%) và mầm non (36,5%).
Bệnh nhân mắc thủy đậu được ghi nhận tại 18/30 quận, huyện. Trong đó dẫn đầu là huyện Chương Mỹ (230 ca), tiếp đến là huyện Mê Linh (69 ca), huyện Ba Vì (60 ca), quận Nam Từ Liêm (56 ca), huyện Mỹ Đức (42 ca),...
Riêng trên địa bàn huyện Chương Mỹ, tính từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 5 ổ bệnh thủy đậu tại các trường học: Trường Mầm non xã Đồng Lạc (29 ca), trường Mầm non xã Tốt Động (24 ca), trường Mầm non xã Trung Hòa (17 ca), trường Tiểu học Văn Võ (12 ca), trường Mầm non Phú Nghĩa (6 ca).
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
- Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng chia sẻ trên website Vinmec.com, mặc dù là bệnh lành tính, tuy nhiên cha mẹ không nên chủ quan với bệnh thủy đậu ở trẻ em vì bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng, nguy hiểm nhất có thể ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ.
Đối với trẻ em gặp phải biến chứng của thủy đậu cần được điều trị nội trú theo đúng liệu trình của các y bác sĩ. Trong quá trình điều trị, để bệnh nhanh chóng thuyên giảm, bác sĩ Cẩm khuyên cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
Điều trị tại nhà
- Nên cho trẻ mặc đồ rộng, vải mềm và dễ thấm hút mồ hôi để tránh làm vỡ các nốt mụn nước, cần tránh cho bé ra gió nhiều.
- Không cho trẻ gãi vào các nốt mụn nước thủy đậu, tránh để lây lan ra nhiều hơn.
- Giữ gìn vệ sinh cơ thể cho trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn, sử dụng nước ấm để tắm rửa nhẹ nhàng, không dùng nước lạnh hoặc nước quá nóng.
- Khi có dấu hiệu của những biến chứng do thủy đậu gây ra, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện uy tín để khám chữa kịp thời.
- Cần chủ động cách ly trẻ tránh gây lây truyền bệnh sang cho cộng đồng.
Điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em bằng thuốc
- Với các nốt mụn nước trên cơ thể, cha mẹ có thể dùng thuốc tím để bôi lên nốt mụn nước nhằm kháng viêm và ngăn ngừa sẹo hình thành.
- Khi mụn nước bị vỡ ra, cha mẹ có thể sử dụng dung dịch xanh Methylen bôi lên nốt mụn nước đã vỡ cho bé. Tuyệt đối không được dùng thuốc bôi mỡ Tetaxilin và mỡ Penixilin hay thuốc đỏ cho con.
- Tuyệt đối không dùng kem trị ngứa có chứa Phenol ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ mang thai.
Tổng hợp
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất