10:08 22/03/2023

Bệnh thủy đậu ở trẻ em liệu có nguy hiểm?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tuệ Anh

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước, tuy nhiên lại rất dễ gây nhiễm trùng da tại những nơi mọc mụn nước, dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não,...

Bài viết này thuộc chuyên đề Các bệnh thường gặp ở trẻ em

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu, các hệ thống trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện như ở người lớn. Khi chuyển mùa, nhiệt độ đột ngột thay đổi, độ ẩm trong không khí tăng cao, môi trường bụi bẩn, độc hại tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus

Xem thêm

NỘI DUNG:

  • Nhiều biến chứng nguy hiểm 

  • Hướng dẫn chăm sóc trẻ em bị bệnh thủy đậu

  • Những lưu ý khi điều trị thủy đậu cho trẻ 

Nhiều biến chứng nguy hiểm 

Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng chia sẻ trên website Vinmec.com, mặc dù là bệnh lành tính, tuy nhiên cha mẹ không nên chủ quan với bệnh thủy đậu ở trẻ em vì bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng, nguy hiểm nhất có thể ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ. Trong đó, một số biến chứng điển hình như:

Bệnh zona thần kinh: Virus thủy đậu vẫn tồn tại ở rễ dây thần kinh của trẻ sau khi khỏi bệnh. Virus sẽ tái hoạt động và gây bệnh zona thần kinh vào thời điểm hệ thần kinh của trẻ suy yếu.

Nhiễm trùng, bội nhiễm thứ phát: Các nốt mụn nước bị xuất huyết bên trong khi mụn nước bị vỡ, trầy nước, bong tróc sẽ dẫn tới nhiễm trùng, bội nhiễm thứ phát, tạo mủ, lở loét. Đây là biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ do không kiêng giữ được như dùng tay để gãi ngứa. Tình trạng này sẽ để lại sẹo sâu khó trị khỏi sau khi trẻ khỏi bệnh.

tri-seo-thuy-dau-tai-nha
Trẻ dùng tay gãi ngứa gây nhiễm trùng sẽ dẫn tới nhiễm trùng, bội nhiễm thứ phát, tạo mủ, lở loét có thể để lại sẹo sâu khó trị khỏi sau khi trẻ khỏi bệnh (Ảnh: Internet).

Viêm não, viêm màng não (xuất hiện sau 1 tuần mọc mụn nước): là biến chứng có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ và người lớn, tuy nhiên người lớn dễ gặp phải biến chứng này hơn. Các triệu chứng đi kèm gồm sốt cao, hôn mê, co giật, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu. Nếu không được thăm khám, chữa trị kịp thời, biến chứng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. 

Viêm phổi thủy đậu: Biến chứng này thường xảy ra ở người trưởng thành, vào ngày thứ 3 - 5 sau khi phát bệnh. Biểu hiện như ho nhiều, ho ra máu, khó thở và tức ngực.

Viêm thận, cầu thận cấp: Bệnh thủy đậu ở trẻ em nếu diễn biến nặng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thận như bệnh viêm thận, viêm cầu thận cấp,...

Viêm tai ngoài, tai giữa: Trường hợp mụn nước mọc ở trong tai có thể gây biến chứng viêm tai ngoài, viêm tai giữa ở trẻ em.

Ngoài ra, một số biến chứng khác mà trẻ có thể gặp khi bị thủy đậu, cha mẹ cần hết sức lưu ý như viêm thanh quản, viêm võng mạc, hội chứng liệt Landry,...

Hướng dẫn chăm sóc trẻ em bị bệnh thủy đậu

Trong gia đình có trẻ em bị bệnh thủy đậu, để tránh lây lan cho những người khác, cha mẹ cần biết cách chăm sóc và cách ly trẻ. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, nên cho trẻ nằm trong phòng riêng thoáng khí, có ánh sáng tự nhiên. Có thể chuẩn bị vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng cho trẻ như khăn mặt, chén, đĩa, thìa, đũa, cốc uống nước,...

Vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thay quần áo và vệ sinh cơ thể cho trẻ bằng nước ấm mỗi ngày. Cha mẹ nên cắt móng tay cho trẻ gọn gàng, tránh để trẻ gãi vào nốt mụn nước thủy đậu gây nhiễm trùng, lan rộng ra các vị trí khác. 

Theo khuyến cáo của các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, cha mẹ có thể dùng dung dịch xanh Methylene bôi lên các nốt phỏng nước đã vỡ. Đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, theo dõi nếu thấy trẻ có những biểu hiện sức khỏe bất thường như sốt cao, khó chịu, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ. 

Ngoài ra, cha mẹ nên nấu các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu cho trẻ ăn và nhắc nhở trẻ uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả. 

Những lưu ý khi điều trị thủy đậu cho trẻ 

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh thủy đậu ở trẻ em, các loại thuốc và phương pháp chỉ có thể hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh. Trong trường hợp nghi ngờ trẻ mắc thủy đậu, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất. Tại đó, chuyên gia sẽ thăm khám và chẩn đoán xác định tình trạng thủy đậu ở trẻ. 

Trong trường hợp bệnh nặng, có nguy cơ biến chứng, trẻ sẽ được chuyên gia chỉ định nhập viện điều trị. Còn nếu thủy đậu nhẹ, trẻ sẽ được chuyên gia chỉ định điều trị tại nhà, dưới sự chăm sóc của bố mẹ.

20220514_thuy-dau-co-ngua-khong-2
Việc trẻ gãi có thể sẽ làm vỡ các nốt mụn nước làm lây lan nốt mụn qua các vùng da lành khác (Ảnh: Internet).

Theo bác sĩ Lê Thanh Cẩm chia sẻ trên website Vinmec.com, bệnh thủy đậu ở trẻ em là bệnh lành tính, do vậy cha mẹ có thể điều trị cho trẻ tại nhà hiệu quả theo chỉ định của bác sĩ. 

Đối với trẻ em gặp phải biến chứng của thủy đậu cần được điều trị nội trú theo đúng liệu trình của các y bác sĩ. Trong quá trình điều trị, để bệnh nhanh chóng thuyên giảm, bác sĩ Cẩm khuyên cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

Điều trị tại nhà

  • Nên cho trẻ mặc đồ rộng, vải mềm và dễ thấm hút mồ hôi để tránh làm vỡ các nốt mụn nước, cần tránh cho bé ra gió nhiều.
  • Không cho trẻ gãi vào các nốt mụn nước thủy đậu, tránh để lây lan ra nhiều hơn.
  • Giữ gìn vệ sinh cơ thể cho trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn, sử dụng nước ấm để tắm rửa nhẹ nhàng, không dùng nước lạnh hoặc nước quá nóng.
  • Khi có dấu hiệu của những biến chứng do thủy đậu gây ra, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện uy tín để khám chữa kịp thời.
  • Cần chủ động cách ly trẻ tránh gây lây truyền bệnh sang cho cộng đồng.

Điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em bằng thuốc

  • Với các nốt mụn nước trên cơ thể, cha mẹ có thể dùng thuốc tím để bôi lên nốt mụn nước nhằm kháng viêm và ngăn ngừa sẹo hình thành.
  • Khi mụn nước bị vỡ ra, cha mẹ có thể sử dụng dung dịch xanh Methylen bôi lên nốt mụn nước đã vỡ cho bé. Tuyệt đối không được dùng thuốc bôi mỡ Tetaxilin và mỡ Penixilin hay thuốc đỏ cho con.
  • Tuyệt đối không dùng kem trị ngứa có chứa Phenol ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ mang thai.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

1.Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

2.Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

3.Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

4.Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5.Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận