Hai đội Việt Nam dự hội nghị về trẻ em lớn nhất thế giới năm 2022
Các bạn nhỏ Việt Nam trình bày dự án quanh chủ đề trồng cây, bảo vệ môi trường tại hội nghị Trẻ em thế giới 2022 của Phong trào Design For Change (DFC) diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Hội nghị trẻ em lớn nhất thế giới thuộc Phong trào Design For Change 2022 diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia kéo dài từ ngày 18/11 đến 21/11.
Năm nay, đoàn Việt Nam có hai dự án xuất sắc nhất, được chọn ra từ hơn 40 dự án của các bạn nhỏ từ 7 - 15 tuổi trong cả nước gửi đến Malaysia.
Dự án "Pony Trees" của 3 bạn nhỏ ở Hà Nội đưa ra ý tưởng nâng cao ý thức bảo vệ rừng và tăng sự hiểu biết về cây thông qua trò chơi Pony Trees bằng cách mô tả đặc tính của từng loài cây qua từng thẻ bài sẽ giúp các bạn nhỏ hiểu cách trồng cây hiệu quả hơn.
Dự án "Our pencil are Our Trees" của các em nhỏ ở TPHCM đưa đến câu chuyện về những chiếc bút chì một trong những vật dụng được các bạn học sinh sử dụng hằng ngày. Dự án tập trung vào việc kêu gọi mọi người sử dụng bút chì hiệu quả và thu gom những cây bút chì mà mọi người không sử dụng nữa. Với 5 cây bút chì, một cây xanh sẽ được trồng và cứu sống.
Trong đó, dự án "Pony Trees" được chọn trình bày tại hội nghị. Ngoài ra, trong buổi gặp gỡ đoàn Việt Nam diễn tiết mục múa "Bánh trôi nước" để giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Design For Change (được dịch là "Kiến tạo để thay đổi") là phong trào trẻ lớn nhất thế giới do nhà giáo dục Kiran Bir Sethi người Ấn Độ sáng lập hiện có mặt tại 100 quốc gia, tác động đến hơn 2,5 triệu trẻ em và hơn 50.000 trường học.
Ở đó, trẻ em tham gia đóng góp sáng kiến và thực hiện các dự án có ích cho cộng đồng bằng phương pháp tư duy kiến tạo với 4 bước đồng cảm, hình dung, thực hiện, chia sẻ. Qua đó, hàng triệu trẻ em trên toàn cầu đã thiết kế các giải pháp chạm đến những vấn đề diễn ra hàng ngày trong cộng đồng cho đến những thách thức lớn nhất của thế giới như bảo vệ môi trường, giúp đỡ những cộng đồng yếu thế, nạn tảo hôn, mù chữ…
Quá trình thực hiện dự án giúp các em thực hành tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, trở thành những công dân tự tin, trách nhiệm.
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, đại diện Design For Change tại Việt Nam chia sẻ lý do đưa phong trào này đến Việt Nam vì bà từng có nhiều trải nghiệm về sự "vô cảm" trước các vấn đề của thế giới, xã hội của trẻ em Việt Nam.
Trước các câu hỏi về sự bận tâm, trăn trở gì đến vấn đề của thế giới, trẻ em các nước nói ra vấn đề đó rất tự nhiên. Nhưng với trẻ em Việt Nam, hầu hết các em trả lời "Con không biết", "Con không trăn trở gì hết", "Con lo lắng việc học, mong được nhiều điểm 10"... Có em ước được chơi điện thoại, Ipad thật nhiều.
Đặc biệt, trẻ em Việt Nam thường rất hay lo lắng, tự ti, không tin rằng người lớn giành thời gian, tâm trí để lắng nghe mình.
Theo ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, hội nghị không chỉ là cơ hội để các bạn nhỏ cất lên tiếng nói của bản thân, thể hiện ước mơ, dám mạnh dạn bắt tay thực hiện các dự án thay đổi cộng đồng xung quanh mình. Đây còn là dịp để phụ huynh lắng nghe những tiếng nói của các con, để hiểu thêm về những ước mơ, những điều các con ấp ủ.
Từ đó, mạnh dạn trao niềm tin và tiếp sức cho các con trên hành trình trở thành những con người tự lập, biết chung tay góp sức cho những vấn đề chung của cộng đồng.
"Mọi trẻ em đều có thể làm được với điều kiện người lớn chúng ta dám mạnh dạn trao cho các em niềm tin, sự tôn trọng, sự trợ lực và dẫn dắt cần thiết trong cách giáo dục cách nuôi dạy của mình", bà Uyên Phương nhấn mạnh.
Theo Dân trí
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất