07:59 05/02/2024

TS. Nguyễn Văn Hoà: “Không có học sinh nào yếu kém”

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Học tập chỉ là một trong những năng lực của con người, không có học sinh nào yếu kém. Đặt ra mục tiêu giáo dục sẽ vì sự tiến bộ phát triển của học trò thay vì đạt được điểm số và thành tích cao là giá trị cốt lõi của “trường học hạnh phúc”.

Đó là những chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm trong cuộc trò chuyện với Tạp chí Trẻ em Việt Nam về con đường xây dựng phương hướng quản lý, phong cách để kiến tạo trường học hạnh phúc xuyên suốt gắn liền theo năm tháng. 

PV: Thưa TS. Nguyễn Văn Hoà, từ khi nào thầy nhận ra và lựa chọn con đường giáo dục mình theo đuổi – xây dựng trường học hạnh phúc?

TS. Nguyễn Văn Hòa: Tìm ra con đường "trường học hạnh phúc" là một quá trình lâu dài. Cách đây 30 năm, khi xây dựng hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi luôn phải giải quyết các cuộc ẩu đả của học sinh quậy phá, không chịu học hành hay khiếu nại của phụ huynh. 

Nhiều gia đình còn kéo đến trường mắng chửi, đe dọa ban giám hiệu vì cho rằng thầy cô quá khắt khe, giáo viên thì bị học sinh gây rối xúc phạm, không chịu được áp lực rồi xin nghỉ việc. Trong khi đó, nhiều học sinh chia sẻ vào trường vì trượt cấp ba công lập, mong thầy cô đừng nhìn các em với con mắt phân loại bằng điểm số.

Hồi đó, tôi luôn nghĩ, trường học chân chính là nơi đào tạo ra học trò giỏi. Thành công của giáo dục là đào tạo nên những học sinh xuất chúng, những nhân tài và khi đã phải đối mặt với những áp lực này. Nhưng sau đó tôi nhận ra đấy là suy nghĩ sai lầm.

Từ đó, tôi quyết định thay đổi nhà trường và thay đổi chính mình với mục tiêu: phải “cởi trói” cho học trò bằng cách giảm bớt những quy chế, quy định trong nhà trường. Tôi rút ra kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, việc nhà trường đưa ra càng nhiều quy định, học sinh càng tìm cách phá vỡ vì các em đang trong tuổi dậy thì, vô cùng hiếu động, nghịch ngợm.

Với sự chuẩn bị lâu dài thì đến năm 2016, nhận thấy đây là thời điểm chín muồi, tôi bắt đầu phát triển ý tưởng xây dựng "trường học hạnh phúc" một cách bài bản. Trường học hạnh phúc được xây dựng một cách tổng thể, nhiều nội dung khác nhau, bắt đầu từ việc thay đổi cho mỗi cá nhân học sinh.

Để có thể “cởi trói” cho học sinh, tôi bắt đầu từ việc “cởi trói” giáo viên bằng cách thuyết phục các thầy cô và thuyết phục chính mình phải yêu thương học trò. Việc đặt ra mục tiêu, quy định là cần thiết, song không nên tạo áp lực bằng cách áp dụng những kỷ luật hà khắc hay mắng mỏ khi học sinh làm sai hoặc bị điểm kém, giải phóng cho học sinh khỏi sự áp lực, tạo sự hứng thú trong học tập - là những mục tiêu tôi ưu tiên thực hiện trước tiên khi xây dựng con đường Trường học hạnh phúc.

Khi học sinh không còn bị áp lực bởi điểm số hay thành tích, tôi nhận thấy học sinh có thái độ tích cực hơn. Các em được học cái mình thích, từ đó tự phấn đấu để theo đuổi mục tiêu của mình. Giáo viên cũng thoải mái và nhiều năng lượng trong giảng dạy hơn.

thay-Nguyen-Van-Hoa-1860-1574040922
“Tôi không chỉ xây dựng Trường học hạnh phúc bằng sự thông cảm, tôn trọng và yêu thương với học sinh mà còn với các thầy, cô giáo”, TS. Nguyễn Văn Hòa chia sẻ (Ảnh: Vnexpress).

PV: Có một quan điểm đã thể hiện khá hình tượng về đối tượng của giáo dục, đó là “Mỗi đứa trẻ đều là một hòn đá chứa ngọc”. Quan điểm của thầy về vấn đề này như thế nào?

TS. Nguyễn Văn Hòa: Từ xa xưa, với kinh nghiệm dạy người, ông cha ta đã có quan niệm rất hiện đại “Ngọc có mài mới sáng”. Cách nhìn này rất nhân văn và đặt đứa trẻ vào trung tâm của hoạt động giáo dục. Trẻ em đến trường không phải chỉ để học chữ, mà để sống, hạnh phúc, làm cho bản thân mình trở nên người hơn. Đứa trẻ nào sinh ra cũng có những phẩm chất tốt và việc của nhà giáo dục là tìm ra những phẩm chất tốt đó, phát triển chúng để giúp trẻ nên người. 

Học tập chỉ là một trong nhiều năng lực của con người, và không phải ai trong số hơn 22 triệu học sinh cũng là những người có tài năng học tập. Các em có thể giỏi thể thao, mỹ thuật, âm nhạc hay giao tiếp,... nên không thể dùng một thước đo chung về năng lực học tập để xếp thứ tự học sinh. 

Theo tôi, các em có thể học kém, nhưng không có đứa trẻ yếu kém. Sau nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, tôi nhận thấy, nhiều bạn học sinh có năng lực và tài năng, có những “mỏ vàng” chưa được khám phá. Nhiệm vụ, sứ mệnh của nhà giáo là làm nó phát lộ và phát huy để trở thành điểm sáng, khiến cho trò nào cũng tiến bộ, trò nào cũng hạnh phúc.

PV: Giáo viên là người giảng dạy trực tiếp để truyền cảm hứng, tạo nên những giờ học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc. Vậy để hình thành trường học hạnh phúc, giáo viên có vai trò như thế nào trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và tình cảm của các em học sinh, thưa thầy? 

TS. Nguyễn Văn Hòa: Vai trò, sứ mệnh và bản chất đích thực của nhà giáo là trở thành nhà giáo dục, đồng thời là nhà tâm lý. Là những người truyền cảm hứng cho các em học sinh, thầy cô cần nâng cao hiểu biết về tâm lý học để có thể hiểu, yêu chính mình và sống hài hòa. Đến lúc đó, thầy, cô, học trò, phụ huynh hạnh phúc thì xã hội sẽ hạnh phúc.

Sự sáng tạo, bản sắc riêng biệt của học sinh chỉ được thể hiện tuyệt vời nhất trong một môi trường không tồn tại áp lực hay sự sợ hãi. Do đó, thầy cô giáo cần nhận thức đúng những mục tiêu giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như không chạy theo thành tích, điểm số, giáo dục vì sự phát triển của con người, thầm nhuần và vận dụng nó vào trong học đường, công tác của mình, tạo ra bầu không khí vui vẻ, nóng ấm bên trong lớp học. Trên cơ sở không chạy theo thành tích, mục tiêu là “dạy học sinh nên người” và “quan tâm đến từng học sinh, giúp cho mỗi trò đều tiến bộ”.

Ngoài ra, để xây dựng trường học hạnh phúc, thầy, cô giáo phải tự định vị được bản thân, thấu hiểu bản thân để nhận ra điểm mạnh và yếu của chính mình. Từ đó, biết bản thân mình là ai và làm thế nào để có thể tiếp tục phát triển, dần học hỏi, rèn luyện những phẩm chất theo hướng tích cực. Điều này cho họ nhìn nhận rõ ràng hơn về đích đến, lộ trình, hướng đi của con đường Trường học hạnh phúc, nhờ đó mà họ có thể giảm căng thẳng trước những áp lực nặng nề trước đây. Chỉ khi thầy cô thay đổi thì thầy cô mới hạnh phúc và lan tỏa sự hạnh phúc đó tới các em học sinh.

Từ trước tới nay, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn coi việc đào tạo thầy cô giáo trở thành nhà tâm lý, nhà giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu, yêu thương và hiểu tâm lý học trò là 2 yếu tố bậc nhất để giáo dục học sinh nên người thành công. Giáo viên không chỉ được trang bị các nhóm năng lực theo yêu cầu dạy học mà phải có sự lắng nghe, thấu cảm, kết nối với phụ huynh, với học sinh để có biện pháp hiệu quả.

Người thầy phải thường xuyên rèn luyện các kỹ năng về công tác tâm lý trong quá trình truyền lửa tới học trò của mình như kỹ năng giao tiếp, ứng xử, cách thiết kế và tổ chức chương trình dạy học sao cho phù hợp với trò - không giỏi, chưa giỏi, những trò có nhiều khó khăn, theo phương châm “chăm lo tới từng trò, giúp cho mỗi trò đều tiến bộ”. 

Có một giáo viên sau khi học khoá giá trị sống của trường tôi tổ chức đã nêu ra một ví dụ mà tôi thấy vô cùng chính xác. Đó là các nhà giáo được ví như người nông dân vun đắp cây xanh từ lúc gieo hạt. Nhiệm vụ của những người nông dân là làm cho mọi hạt giống nảy mầm, chăm sóc để nó tốt tươi, phát triển và đến cuối mùa vụ sẽ sinh hoa, kết trái. Điều này có ý nghĩa giống với sứ mệnh trồng người của nhà giáo, thầy cô phải giúp đỡ học sinh nhận ra khả năng của mình, động viên học trò phát huy điểm mạnh để trở thành một viên ngọc sáng, tiếp tục phát huy tiềm năng của học trò, từ đó học sinh hạnh phúc, sáng tạo, chăm chỉ học tập.

Thay-Nguyen-Van-Hoa-2-2110-1573641267
Theo thầy Nguyễn Văn Hoà, thầy cô hạnh phúc sẽ lan tỏa hạnh phúc đến mỗi học sinh (Ảnh: Vnexpress).

PV: Đâu là những bất cập trong việc thực hiện Trường học hạnh phúc và nguyên nhân các vấn đề này vẫn còn tồn đọng, thưa thầy? Các cơ sở giáo dục cần có những giải pháp nào để khắc phục những tình trạng bất cập còn tồn tại?

TS. Nguyễn Văn Hòa: Trường học hạnh phúc là nơi coi trọng quyền của trẻ em, coi trọng quyền con người, làm cho trẻ em hạnh phúc, phát triển bản thân. Tuy nhiên, hiện nay những bất cập còn tồn đọng rất nhiều. Có thể kể đến đầu tiên là một bộ phận thầy cô giáo trong xã hội chưa thay đổi, chưa nhận thức được mục tiêu của giáo dục phải vì sự tiến bộ của học sinh và phát triển con người. Họ vẫn giữ lối suy nghĩ và phương pháp giảng dạy xưa cũ, chạy theo điểm số, đặt nặng thành tích. Việc thay đổi hệ tư tưởng này là một quá trình lâu dài, cần có sự quyết tâm của mỗi cá nhân mới làm được.

Vấn đề thứ hai là các trường học chưa tìm được phương pháp giáo dục tích cực, giảm áp lực cho học trò một phần do hiểu chưa đúng mục tiêu đích thực của giáo dục vì sự phát triển con người, vì con người. Trường học hạnh phúc là bầu không khí nóng ấm trong mối quan hệ giữa con người và con người. Con đường, cách vận hành một trường học hạnh phúc dựa trên tiêu chí của Trường học hạnh phúc, thực hành chương trình của Bộ GD&ĐT sao cho không áp lực mà vẫn có kết quả, đổi mới phương pháp giảng dạy, dạy học là truyền cảm hứng, phát huy được sức mạnh và phát triển của mỗi học sinh. 

Đó là một trong những nền tảng quan trọng để xây dựng nhà trường hạnh phúc mà ở đó luôn tràn ngập yêu thương, chấp nhận sự đa dạng, tôn trọng tính cá nhân, hòa nhập, nuôi dưỡng sức khỏe thể chất, tâm thần, phát huy trí tuệ mỗi nhà trường và thầy - trò.

Cuối cùng là, khi đã xác định được mục tiêu, chuẩn bị những tiêu chí tới thời điểm chín muồi kết hợp với nâng cấp cơ sở vật chất thì xây dựng Trường học hạnh phúc mới hiệu quả. Xây dựng trường học hạnh phúc dù đòi hỏi cơ sở vật chất phải đạt tiêu chuẩn nhưng điều này không có nghĩa trường học ở vùng sâu vùng xa không thể thay đổi để trở thành Trường học hạnh phúc. Mỗi ngôi trường hãy cứ có gì làm nấy, phát triển, kiến tạo môi trường học đường xanh, sạch, trong lành, tốt cho sức khỏe, tạo ra các bữa ăn học đường bổ dưỡng và an toàn. 

Hạnh phúc vốn phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người nên không có chuẩn mực nhất định cho trường học hạnh phúc. Mỗi trường có xuất phát điểm khác nhau, đặc điểm khác nhau thì sẽ có những cách riêng phù hợp để phát triển Trường học hạnh phúc.

Trân trọng cảm ơn TS. Nguyễn Văn Hoà!

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận