11:24 26/09/2022

Bảo vệ trẻ an toàn khi tham gia giao thông

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tuệ Minh

Mong sao lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để trẻ tránh được nguy hiểm tiềm ẩn khi tham gia giao thông.

Nguy hiểm cho trẻ khi đi học

Tại Hà Nội, chuyện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh không còn là chuyện mới, tình trạng này đã tiếp diễn nhiều năm qua. Song để xử lý triệt để nạn lấn chiếm vỉa hè dường như không hề đơn giản. Điều này tăng áp lực giao thông khi mật độ người và phương tiện tham gia lưu thông ngày một tăng cao.

Đáng nói, tình trạng lấn chiếm này đã xuất hiện nhiều gần các cơ sở giáo dục trên địa bàn thủ đô. Như trong ngõ 538 đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) có hai trường là trường THCS Láng Hạ và trường THPT Bắc Hà.

Theo anh Nguyễn Tiến Dũng, ở tổ 11 phường Láng Hạ, quận Đống Đa, hàng ngày anh vẫn chở con đi học nhưng cứ giờ cao điểm thì giao thông ở đây trở nên ùn ứ khá lâu. Đường ngõ đã nhỏ nhưng phần vỉa hè và một phần lòng đường đã bị chiếm dụng làm điểm trông giữ xe máy, xe đạp cho học sinh theo học tại hai ngôi trường trên (chủ yếu là trường THPT Bắc Hà).

Ông Dũng chia sẻ thêm, việc xuất hiện các điểm trông giữ xe tự phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông giao thông của người dân, đặc biệt là việc đi lại của các em học sinh đang theo học tại hai trường trên.

Đồng quan điểm, chị Bùi Thu Hằng, ở tổ 17 phường Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cũng cho biết: Ngay ngõ 622 Minh Khai và các lối nhỏ đi sang khu đô thị Times City, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của một số quán café, cửa hàng gây áp lực giao thông lên khu vực. Trong khi quanh khu vực này có nhiều trường, cơ sở giáo dục tiểu học, mầm non, dẫn đến tình trạng cứ giờ cao điểm trở thành điểm ùn tắc cục bộ, các phương tiện tham gia giao thông chỉ nhích từng bước.

3
Tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cho trẻ trên đường đi học (ngõ 622 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Qua tìm hiểu của phóng viên, từ đầu ngõ 622 Minh Khai đi vào, dọc 2 bên là nơi kinh doanh, buôn bán, cạnh Trường tiểu học Times School, Trường mầm non Hoa Phượng và cạnh bãi đậu xe chạy dài theo toà nhà Amber. Rẽ lối đi vào khu đô thị Times City thì hai bên đều là quán café với lượng phương tiện dừng đỗ ngay dưới lòng đường, thậm chí có quán cafe còn để nhiều chậu cây to lớn, tượng người “chình ình” giữa vỉa hè, chiếm gần như toàn bộ lối đi vỉa hè của người dân.

Chị Thu Hằng cho biết, con chị học ngay trường mầm non Hoa Phượng nên thỉnh thoảng chị nhờ ông bà đẩy xe đón hộ. Vậy nhưng mỗi lần ông bà đi qua khu vực này đều không thể đi trên vỉa hè mà phải đẩy xe xuống lòng đường, tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông cho cả ông bà và trẻ nhỏ.

“Tôi không hiểu sao vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm như vậy một thời gian khá dài rồi mà chưa thấy lực lượng chức năng nhắc nhở cũng như có biện pháp xử lý đối với các chậu cây, tượng lấn chiếm vỉa hè”, chị Thu Hằng chia sẻ thêm.

Kiên quyết lấy lại vỉa hè

Thực tế, dù biết việc kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè, lòng đường là sai quy định nhưng một số tiểu thương, người buôn bán vẫn cố tình vi phạm, bởi:

Thứ nhất, là do sự quá tải về cơ sở hạ tầng, thiếu quy hoạch tổng thể, kết nối không đồng bộ giữa đường giao thông.

Thứ hai, việc buôn bán, kinh doanh ở vỉa hè, lòng đường, …. dường như đã trở thành hình ảnh quen thuộc và việc mua bán ở lòng, lề đường cũng dần trở thành một thói quen ăn sâu vào nếp sống sinh hoạt của người dân.

Thứ ba, chế tài pháp luật vẫn chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng một số người kinh doanh có biểu hiện “nhờn luật”.

4
Nhiều chậu cây lớn, hình tượng được để ngang nhiên trên vỉa hè, chiếm dụng lối đi của người đi bộ phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Không chỉ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, việc chiếm dụng, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường còn là một trong những nguyên nhân gây nên sự xuống cấp của đường giao thông, vỉa hè của người đi bộ, gây ảnh hưởng đến hệ thống cấp thoát nước, sụp lún vỉa hè, …. Điều này gây nhiều lãng phí cho Ngân sách Nhà nước trong việc sửa chữa, khắc phục những hư hỏng về hạ tầng giao thông.

Trước thực trạng này, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch 218/KH-UBND triển khai Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND thành phố đã giao Công an TP, UBND các quận, huyện thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm xử lý trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị, địa phương kiên quyết xử lý phương tiện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, dừng, đỗ xe sai quy định, các điểm trông giữ phương tiện tự phát...; mạnh tay xử lý những đơn vị, cá nhân vi phạm, tránh để tình trạng vỉa hè nhếch nhác, bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị.

Luật sư Ngọc Tú, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng, chúng ta cũng cần nghiên cứu việc cho phép kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè nhưng được quy hoạch theo từng khu vực, hài hoà lợi ích giữa người dân, cảnh quan đô thị, chủ nhà và người đi bộ. Đồng nghĩa với việc có thể áp dụng, quy định mức phí sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán nhưng vẫn phải đảm bảo lối đi cho người đi bộ.

“Điều này không chỉ giúp tăng ngân sách Nhà nước mà còn nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan đô thị của người kinh doanh và người dân. Tình trạng các hộ kinh doanh chấp hành kiểu đối phó khi có cơ quan chức năng đi kiểm tra, rồi sau đó lại tiếp tục vi phạm sẽ không còn tái diễn nữa”, luật sư Tú chia sẻ thêm.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận