13:26 12/09/2022

Hơ lửa quanh mặt 'đốt vía' cho trẻ sơ sinh: Vừa nguy hiểm vừa tiềm ẩn nhiều hệ lụy!

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Theo các bác sĩ, “đốt vía” cho trẻ sơ sinh có thể khiến trẻ dễ bị bỏng hoặc hít phải khói độc từ lửa đốt ảnh hưởng đến đường hô hấp của trẻ…

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một clip về việc người phụ nữ dùng lửa hơ quanh mặt một bé sơ sinh để "đốt vía" cho bé đỡ quấy khóc ngay trong bệnh viện. Hành động này đã vấp phải sự phản đối của nhiều cư dân mạng.

Cụ thể, theo nội dung người đăng tải clip cho biết, một người phụ nữ áo trắng vào trông cháu ngoại mới được 2 tháng trong Bệnh viện Thanh Nhàn, tuy nhiên, có thể do bé bị thiếu hơi sữa của mẹ nên khóc ngặt nghẹo từ đêm hôm truớc đến tận chiều hôm sau.

z3710767571460-652c7846b6371fadbf8bd1fe2e35dee7-1662789549262143367593
Người phụ nữ hơ lửa "đốt vía" cho trẻ đỡ quấy khóc. Ảnh cắt từ clip

Thấy vậy, người phụ nữ này cho rằng trong phòng có người nặng vía nên lấy giấy báo đi "đốt vía" cho cháu. Khi có người góp ý về việc làm trên thì người này tỏ thái độ hung hăng cùng những lời lẽ thô tục.

Ngay sau khi đăng tải, bài viết đã thu hút nhiều ý kiến bình luận của cư dân mạng. Đa phần đều cho rằng, hành động "đốt vía" hơ lửa gần sát mặt trẻ rất nguy hiểm và thái độ của "bà cô áo trắng" này là không thể chấp nhận được.

Hiện bài đăng vẫn đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Liên quan đến sự việc này, đại diện Bệnh viện Thanh Nhàn - nơi được cho là xảy ra sự việc - cho biết, đơn vị đang tiến hành xác minh sự việc trên.

Tại sao trẻ sơ sinh hay quấy khóc?

Các bác sĩ cho biết, quấy khóc (thường vào ban đêm) là một hiện tượng phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi. Theo thống kê, cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ gặp hiện tượng khóc đêm.

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ quấy khóc như: Trẻ bị đói; tã, bỉm chật, bẩn; trẻ quá lạnh hoặc quá nóng; trẻ muốn được nâng niu; trẻ bị kích thích bởi tiếng ồn, ánh sáng…

Bên cạnh đó, trẻ quấy khóc cũng có thể do gặp các vấn đề về hệ tiêu hóa, trẻ bị đầy hơi, chướng bụng; trẻ bị viêm nhiễm, mẩn ngứa; trẻ bị quá tải hoạt động; trẻ nhức đầu…

Hoặc có nhiều trường hợp trẻ quấy khóc không rõ nguyên nhân, khóc liên tục không nín mà dân gian hay gọi là khóc "dạ đề". Theo BS Nguyễn Thị Ân, nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh, khóc dạ đề là hiện tượng quấy khóc nhiều giờ ở trẻ sơ sinh, trong giai đoạn từ 2-3 tuần đến 3 tháng tuổi, thường xuất hiện vào các buổi chiều, tối hoặc ban đêm.

Đến nay các chuyên gia vẫn chưa giải thích được nguyên nhân chính xác cũng như chưa có biện pháp điều trị hiệu quả nào cho tình trạng khóc dạ đề ở trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ khóc nhiều có thể là tín hiệu trẻ báo cho bố mẹ về tình trạng sức khoẻ, tinh thần khiến trẻ không thoải mái cần được lưu ý.

Thận trọng với việc "đốt vía" cho trẻ sơ sinh

dot-via
Ảnh minh họa

Khi một đứa trẻ đang khỏe mạnh bỗng thay đổi tâm tính, quấy khóc liên tục, nhiều người cho rằng, khi đó trẻ bị "phải vía" hay gặp phải "vía dữ". Đây là một quan niệm dân gian có từ xa xưa.

Dân gian cũng cho rằng khi bị "phải vía" cần phải "đốt vía" để xua đuổi hồn vía dữ đi thì đứa trẻ mới hết quấy khóc. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, "đốt vía" để trẻ em bớt quấy khóc là việc làm theo tâm linh, không có sở khoa học nào chứng minh tác dụng của việc làm này.

Trong khi đó, việc dùng lửa "đốt vía" cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe của trẻ như bị bỏng lửa do da trẻ sơ sinh quá non nớt hoặc trẻ có thể hít phải khói độc từ lửa đốt ảnh hưởng đến đường hô hấp của trẻ…

Do đó, khi trẻ em quấy khóc quá nhiều bố mẹ không nên quy ngay là trẻ gặp người có "vía dữ" rồi vội vàng đi "đốt vía" mà có thể trẻ đang gặp vấn đề khác về sức khỏe.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi trẻ quấy khóc, bố mẹ nên cho trẻ nghe nhạc nhẹ hoặc có thể gãi lưng, xoa bụng để vỗ về trẻ; không rung lắc mạnh hay quát tháo để trẻ sợ mà nín. Việc làm này càng khiến trẻ hoảng và khóc nhiều hơn. Bố mẹ nên giữ không gian của trẻ thoáng mát, yên tĩnh, tránh tiếng ồn.

Cùng với đó, có thể kết hợp thay đổi chế độ ăn hoặc cho trẻ dùng men vi sinh hay một số loại thảo dược an toàn cho trẻ.

Trường hợp trẻ khóc liên tục nên theo dõi sát tình trạng của trẻ hoặc có thể đưa bé đến các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, xác định nguyên nhân chính xác.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận