06:29 26/02/2024

Hoan nghênh Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo kịp thời đảm bảo công bằng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Trần Phương

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cần được đánh giá một cách công bằng, các trường không nên "thần thánh hóa" chứng chỉ ngoại ngữ, vi phạm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Như Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã đưa, ngày 23/2/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 715/BGDĐT-GDTrH về thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 gửi UBND các tỉnh, trung ương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 có thêm một số nội dung không đúng quy định về việc tuyển thẳng, chế độ ưu tiên (như giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ).

Đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo đúng Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và THPT số 03/VBHN-BGDĐT ngày 03/5/2019.

Với các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên thì phải điều chỉnh và thông báo công khai đến các đối tượng liên quan. 

Ngoài ra, các tỉnh đồng thời cần chủ động tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn.

Công văn cũng nêu rõ, trong năm 2024, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh lớp 10 tại một số địa phương.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản chấn chỉnh tình trạng sử dụng tiêu chí ngoại ngữ để tuyển sinh lớp 10, nhiều giáo viên và phụ huynh chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với chỉ đạo nêu trên.

Để học và thi chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó phổ biến là thi IELTS, ngoài công sức thí sinh, gia đình các em cũng cần đầu tư không ít tiền bạc. Thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng việc sử dụng IELTS là một tiêu chí tuyển thẳng các lớp đầu cấp THPT ở một số địa phương đang tạo ra xu hướng “Thần thánh hóa IELTS”, “tuyệt đối hóa IELTS”.

Nhiều ý kiến cho rằng, quan điểm tuyển sinh của mỗi cơ sở giáo dục có thể khác nhau, song cần hướng đến sự phát triển toàn diện của người học; cần tránh nhầm lẫn mục đích của 2 kỳ thi, đánh giá năng lực ngôn ngữ và tuyển sinh.

tuyensinhlop10
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đảm bảo tuyển sinh lớp 10 thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh THCS và THPT số 03/VBHN-BGDĐT ngày 03/5/2019. Ảnh minh họa: VNE

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu các địa phương quá ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ thì sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường. Không loại trừ khả năng, để được có được chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng tiêu chuẩn tuyển thẳng, học sinh buộc phải tập trung học, luyện thi từ rất sớm, thậm chí từ năm học lớp 3, lớp 4.

Trong khi đó, ở bậc phổ thông, nhất là với bậc Tiểu học, THCS, còn có nhiều nội dung kiến thức, nhiều kỹ năng quan trọng khác mà học sinh cần biết, cần học.

Vì vậy, không nên chỉ dựa vào riêng chứng chỉ IELTS để chứng minh tất cả năng lực, kỹ năng cần thiết trong một kỳ tuyển sinh đầu cấp. Nói cách khác, dùng IELTS làm tiêu chí để tuyển thẳng học sinh đầu cấp THCS, THPT là không hợp lý.

Bên cạnh đó, mỗi kỳ thi được thiết kế ra nhằm một mục đích riêng và chỉ nên được sử dụng cho mục đích đó. Kỳ thi IELTS được tạo ra nhằm đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh để nhập cư hoặc để học đại học, cao học ở một nước nói tiếng Anh.

Điều này hoàn toàn khác với mục đích xét tuyển học sinh vào các lớp học đầu cấp THCS, THPT. Việc nhầm lẫn mục đích của 2 kỳ thi này sẽ đưa đến những hệ lụy tiêu cực đối với người học.

3ac1098b-97c1-41f2-be25-a8ff385738e1-e1602213343164[1]
Chứng chỉ IELS là tốt, song không phải là tất cả để ưu tiên một thí sinh vào đầu cấp. Ảnh minh họa: CL

Cần phải thừa nhận rằng, cùng với sự phát triển của xã hội và xu thế hội nhập quốc tế, giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh sẽ đưa đến nhiều cơ hội cho mọi người. Đây cũng là một lợi thế lớn đối với các em học sinh ở các cấp học. Song, không vì thế mà chúng ta tuyệt đối hóa tiếng Anh, quá coi trọng chứng chỉ ngoại ngữ và bỏ quên những môn học nền tảng khác.

Đặc biệt, tuyển sinh đầu cấp học là nội dung quan trọng, đòi hỏi phải có cách làm khoa học, phù hợp; phải đánh giá kiến thức của học sinh một cách toàn diện, bao gồm cả kiến thức ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội,…

Các địa phương lạm dụng chứng chỉ ngoại ngữ dẫn đến những hệ lụy như: Tạo sự bất bình đẳng; có thể đánh giá sai năng lực của học sinh, gây lãng phí cho xã hội".

Để đem lại sự công bằng trong học tập cho học sinh trên mọi miền đất nước, có nhiều việc mà cả xã hội, các ngành phải lo, nhưng có những việc là trách nhiệm trực tiếp của ngành giáo dục. Không thể vì chứng chỉ của một môn học để đánh giá toàn bộ tư duy của học sinh.

Vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy chế tuyển sinh THPT của Bộ là toàn toàn hợp lý và kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật đồng thời không để xảy ra bất bình đẳng trong giáo dục.

Theo quy chế tuyển sinh THCS, THPT, thí sinh được tuyển thẳng lớp 10 công lập nếu thuộc một trong bốn nhóm: học trường phổ thông dân tộc nội trú; là người dân tộc rất ít người; là người khuyết tật; đạt giải quốc gia, quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật.

Nếu là con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học, anh hùng lao động, lực lượng vũ trang, đang sống và học tập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thí sinh được cộng điểm khuyến khích, mức điểm do địa phương quy định.

Nhóm thí sinh có giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố hay có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không được hưởng bất kỳ ưu tiên nào. Tuy nhiên, gần 5 năm qua, nhiều địa phương cộng 1-2 điểm ưu tiên, miễn thi, tuyển thẳng thí sinh có 4.0 IELTS trở lên hoặc đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Theo lý giải của một số địa phương, quy định này nhằm tạo động lực, phong trào học ngoại ngữ, cũng như giảm áp lực thi cử với những học sinh đã có học lực tốt

 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận