Học sinh TPHCM nói về sách giáo khoa mới
Nhiều ý kiến, suy nghĩ và đề xuất của các bạn đội viên, học sinh TPHCM về sách giáo khoa mới đã được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 10 Hội đồng trẻ em TPHCM năm 2022 và chương trình 'Điều em muốn nói'.
Kỳ họp do Thành Đoàn - Hội đồng Đội TPHCM tổ chức, diễn ra ngày 25/9 với chủ đề “Sách giáo khoa qua lăng kính học sinh”
55 đại biểu Hội đồng trẻ em TPHCM và đại diện các sở, ban ngành thành phố đã lắng nghe và trao đổi về những vấn đề nổi cộm liên quan đến sách giáo khoa mới, thông qua 4 bài thuyết trình của học sinh đến từ các trường THCS trên địa bàn thành phố.
Về khía cạnh tích cực, những ý kiến của các bạn đội viên, học sinh trên địa bàn TPHCM đều cho rằng màu sắc, chất liệu giấy của sách giáo khoa mới rất cuốn hút.
Sách cũng được tích hợp công nghệ tra cứu trực tuyến thông qua những đường link đính kèm. Điều này giúp học sinh có thể tra cứu kiến thức nhanh chóng và việc tự học cũng trở nên thuận tiện hơn.
Bên cạnh đó, những bất cập cũng được nhiều học sinh đưa ra. Các học sinh có mặt tại buổi họp đều nhận xét kiến thức trong sách giáo khoa mới khá nặng so với độ tuổi và cấp học của các bạn. Điều này khiến các thầy, cô phải dạy nhanh hơn để kịp với tiến độ bài học, làm cho nhiều học sinh không theo kịp bài.
Ngoài ra, nhiều nội dung trong sách mang tính địa phương khiến việc tiếp cận của học sinh gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, việc thay đổi về màu và chất liệu giấy khiến giá thành sách tăng lên, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc mua sách của những học sinh có điều kiện khó khăn.
Học sinh đến từ nhiều trường trên địa bàn TPHCM nêu nhiều ý kiến về bộ sách giáo khoa mới. Ảnh: Như Việt
Nêu ý kiến với các cô chú lãnh đạo, em Nguyễn Hồng Minh mong muốn lượng kiến thức và bài tập trong sách giáo khoa mới sẽ được giảm tải. Hồng Minh cũng cho rằng nhà trường nên có những quỹ khuyến học, hỗ trợ việc mua sách và đưa sách giáo khoa mới vào thư viện của nhà trường để tất cả các học sinh đều có thể dễ dàng tiếp cận.
“Mong muốn của chúng em là có thể học một quyển sách giáo khoa vừa hiệu quả, đồng thời cũng vừa tiết kiệm. Em cũng hy vọng sách giáo khoa mới sẽ có những kiến thức mang tính thực hành nhiều hơn vì điều đó giúp chúng em dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn so với những tiết học lý thuyết”, Hồng Minh chia sẻ thêm.
Ông Lê Hoàng trao đổi với các bạn nhỏ.
Giải đáp cho học sinh và phụ huynh tại kỳ họp, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng chương trình giáo dục THPT tổng thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2018 là sự đổi mới rất lớn, rất cụ thể từ chủ đề, môn học và lớp học. Việc học trong trường có thầy, cô và sách giáo khoa chỉ là phần cứng.
Theo ông Lê Hoàng, chủ trương được đề ra là đổi mới việc dạy và học, khuyến khích học sinh là trung tâm. Học sinh có thể tham khảo các nguồn tài nguyên thông tin trước giờ học, không chỉ sử dụng mỗi sách giáo khoa. Thầy cô sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn để học sinh thảo luận.
Ông Lê Hoàng cũng mong muốn đội ngũ giáo viên cần chủ động tìm kiếm tư liệu để làm giàu vốn kiến thức của mình chứ không chỉ trông chờ vào sách giáo khoa. Như vậy thì bài giảng mới sinh động và dễ hiểu.
“Về vai trò của các nhà xuất bản, bên cạnh các bộ sách giáo khoa, tôi sẽ kiến nghị thêm một danh mục sách theo chủ đề môn học và lớp học. Đồng thời, sẽ hướng dẫn cho cán bộ thư viện và thầy, cô cách sắp xếp sách theo chủ đề môn học và lớp học. Điều này giúp học trò và đội ngũ giáo viên dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn thông tin, làm cho lượng kiến thức mà học sinh tiếp nhận sẽ nhẹ nhàng và thú vị hơn”, ông Lê Hoàng cam kết.
Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TPHCM Trần Thu Hà cho biết những ý kiến sẽ được ghi nhận và nghiên cứu triển khai. Ảnh: Như Việt
Sau buổi họp, các ý kiến của đại biểu và học sinh đều được ghi nhận, chuyển đến các cơ quan chức năng, bộ phận chuyên môn có liên quan để tiếp thu và nghiên cứu triển khai thực hiện trong điều kiện thích hợp.
Theo Tiền Phong
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất