Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị xử lý nghiêm minh vụ bạo hành trẻ ở Quảng Nam
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở mầm non, đặc biệt là phòng ngừa nguy cơ trẻ có thể bị bạo hành.
Liên quan đến vụ việc cháu bé 20 tháng tuổi bị bạo hành xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn (Quảng Nam), ngày 12/4, trao đổi với phóng viên Tạp chí Trẻ em Việt Nam, ông Hà Đình Bốn – Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, qua phương tiện thông tin đại chúng Hội đã có thông tin về sự việc.
Ông Hà Đình Bốn cho biết: “Qua phương tiện thông tin đại chúng Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đánh giá cao sự vào cuộc của cơ quan chức năng của huyện Quế Sơn và tỉnh Quảng Nam. Có thể nói, đây là sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra tại một số cơ sở mầm non. Đây không phải lần đầu tiên có trẻ em bị bạo hành bởi một số ít bảo mẫu, giáo viên không có đủ năng lực sư phạm, trên phương tiện thông tin đại chúng cũng đã đưa rất nhiều vụ việc đau lòng, cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ việc nhưng vẫn tiếp tục xảy ra.
Qua sự việc, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Quế Sơn cần làm rõ hành vi, kiểm tra sức khỏe cháu bé. Làm rõ từng hành vi và xử lý đúng người đúng tội, đúng pháp luật.
Quaa sự việc có thể thấy, dù các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều tuyên truyền về pháp luật chống bạo hành trẻ em nhưng trẻ em vẫn không được bảo vệ kịp thời. Do đó, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở mầm non, đảm bảo hoạt động đúng quy định… Cần có sự vào cuộc, tiến hành sớm các biện pháp phòng ngừa sự việc để đảm bảo trẻ em không bị những hành vi bạo hành như vậy”.

Trước đó, tối 11/4, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip ghi cảnh bảo mẫu đánh trẻ mầm non một cách dã man. Nội dung clip cho thấy sự việc xảy ra vào thời điểm hơn 11 giờ 55 phút ngày 11/4.
Trong clip, các cháu bé đang nằm ngủ trưa thì một người được cho là nữ bảo mẫu đi tới tủ đựng đồ dùng, lấy một dụng cụ giống cây thước. Sau đó, người này tiến lại cầm 1 chân của một cháu bé xốc ngược lên, rồi liên tục lấy dụng cụ giống cây thước đánh mạnh vào cháu bé.
Clip thu hút sự quan tâm của hàng trăm ngàn lượt xem, hàng ngàn lượt người vào bình luận, chia sẻ. Nhiều người bày tỏ phẫn nộ trước hành vi đánh trẻ dã man của nữ bảo mẫu.
Ông Phan Quốc Mạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, công an đang vào cuộc điều tra, làm rõ sự việc bảo mẫu xách ngược chân trẻ 20 tháng tuổi đánh tới tấp.
Theo ông Mạnh, vụ việc xảy ra tại cơ sở mầm non tư thục Con Cưng, (thuộc thôn Phước Chánh, xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn). “Cơ sở này được cấp phép hoạt động từ năm 2020, chủ cơ sở là N.T.U.L. Tại đây chỉ có một giáo viên làm việc, chăm sóc trẻ. Liên quan hành vi đánh trẻ, hiện công an đang vào cuộc điều tra làm rõ. Trong sáng nay địa phương đang đến thăm hỏi gia đình có trẻ bị đánh” – ông Mạnh cho hay.
Ông Đinh Nguyên Vũ - Bí thư Huyện ủy Quế Sơn cho biết đã chỉ đạo cho dừng ngay hoạt động của cơ sở này. Địa phương cũng đã xuống thăm hỏi, động viên người nhà của trẻ bị đánh đập. Hiện, công an đang củng cố hồ sơ để điều tra, xử lý nghiêm đối với hành vi này. Theo giấy phép thì cơ sở này chỉ được cấp phép giữ 7 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, tuy nhiên qua kiểm tra thì phát hiện số trẻ trong cơ sở tư thục này lại tăng cao hơn số lượng được cấp phép.
Vụ việc bạo hành trẻ em tại huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) một lần nữa đặt ra vấn đề đảm bảo sự an toàn cho trẻ nhỏ với các gia đình khi gửi tại các cơ sở mầm non.
Nói về vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ ở các cơ sở giáo dục mầm non, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nêu cảnh báo với các gia đình, hãy lựa chọn những địa chỉ đáng tin cậy, được cấp phép hoạt động có tính pháp lý rõ ràng và được trang bị đầy đủ các thiết bị giám sát, cung cấp cho phụ huynh.
Cha mẹ cần quan tâm sát sao tới tâm lý và thân thể của trẻ mỗi ngày, quan sát và có sự so sánh, tìm hiểu kỹ lưỡng ngay khi có bất kỳ một dấu hiệu nào không ổn về tâm lý cũng như những dấu vết khác lạ trên cơ thể của trẻ.
Đối với những trẻ từ 2 tuổi trở lên đã biết nói, hãy trò chuyện và khơi gợi để con kể chuyện ở lớp, từ đó phụ huynh có những thông tin về môi trường học tập hàng ngày của con. Không chỉ là những vấn đề bạo hành, xâm phạm thân thể, mà trẻ cũng có thể bạo hành tinh thần, bị lạm dụng tình dục...
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu tâm lý giáo dục, cần phải nâng mức xử lý đối với các hành vi bạo hành trẻ em đủ sức răn đe thì mới có thể hạn chế được tình trạng đau lòng này.
Theo số liệu công bố từ Cục Trẻ em, mỗi ngày, tổng đài 111 được sự quản lý của Cục Trẻ em trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại, kiểm tra thông tin tố giác ban đầu. Trong 20 năm hoạt động (giai đoạn 2004 - 2024), tổng đài đã nhận gần 6 triệu cuộc gọi đến trong đó tư vấn và hỗ trợ 496.183 ca, can thiệp hơn 10.900 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán...
Kết quả thống kê cho thấy, số cuộc gọi về xâm hại, bạo lực trẻ em có xu hướng tăng đột biến những năm gần đây. Từ năm 2019 đến nay, các cuộc gọi về vấn đề này trung bình chiếm trên dưới 50%. Đặc biệt, trong các ca can thiệp của Tổng đài, tỉ lệ các ca xâm hại, bạo lực chiếm tỉ lệ cao, với 45,28% là ca bạo lực và 24,31% là ca xâm hại tình dục.
Theo báo cáo của Bộ Công an, 8 tháng đầu năm 2024, trên toàn quốc đã điều tra, khởi tố 1.198 vụ với 1.419 bị can liên quan đến các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em, đồng thời xử lý hành chính 48 vụ, 125 đối tượng. Trong đó, có 188 vụ dùng mạng xã hội để làm quen với trẻ em để xâm hại. Ngoài ra, tình trạng bạo lực học đường cũng thường xuyên diễn ra.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất