11:17 11/10/2022

Hơn 400 công viên ở TP.HCM, trẻ em vẫn 'khát' sân chơi

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Số lượng công viên lớn, nhiều khu vui chơi diện tích rộng, nhưng như vậy có lẽ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ em TP.HCM. Nhiều đứa trẻ vẫn phải lựa chọn chơi ở đường, ở hẻm.

the_thao_ngoai_troi_zing

Cậu bé 8 tuổi tên Khánh rời khỏi nhà trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12, TP.HCM), đi vào hẻm nhỏ cách nhà vài mét. Con hẻm cụt trong một khu trọ của người lao động là nơi mấy đứa trẻ quanh đây vui chơi mỗi buổi chiều.

Trong bán kính khoảng 500 m đến 2km từ nhà Khánh, có công viên An Sương, công viên Cây Sộp rộng lớn cùng vài công viên nội khu của các chung cư, song bố mẹ Khánh không thể để con tự đi vì nguy hiểm. Bởi vậy, cậu bé 8 tuổi chỉ có thể chơi ở hẻm gần nhà.

TP.HCM hiện có 405 công viên, gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu dân cư. Mỗi quận, huyện đều có ít nhất một công viên mảng xanh lớn và không ít sân chơi cho trẻ em, nhưng những không gian này dường như chưa đủ với người dân thành phố.

Nhiều công viên bị thu hẹp

Hơn 20 năm trước, chị Yến Thanh (31 tuổi, nhà ở đường Hoàng Sa, quận 3) thường được phụ huynh đưa đi chơi ở công viên Lê Văn Tám (quận 1), cách nhà chưa đầy 2 km. Nay chị lại đưa con đến đây chơi.

“Đây là công viên gần nhà nhất. Quanh nơi tôi ở chỉ còn vỉa hè dọc bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có thể dạo chơi, còn lại nhà cửa và hàng quán dần dần mọc lên san sát, không có khoảng trống để vui chơi", theo lời chị Thanh.

Vừa chia sẻ, người mẹ trẻ vừa ngồi bệt ở rìa hố cát và đưa mắt quan sát con đang chơi. Vì khu vực này quá đông đúc nên nhiều phụ huynh như chị Thanh không có chỗ ngồi trên ghế để trông con.

"Trước đây vui chơi ở địa điểm này không phải chen chúc, chờ đợi. Sau bao nhiêu năm, sân chơi vẫn giữ nguyên diện tích nhỏ bé trong công viên, vẫn chỉ có 2 ghế xích đu, vài con thú nhún lò xo, trong khi số lượng người tăng lên rất nhiều nên các bé đều thiếu trò chơi và không gian chơi”, chị Yến Thanh nói.

Từng sinh sống ở quận 1, 3 và Bình Thạnh, anh Minh Trí (29 tuổi) ngoài giờ đến trường thường lựa chọn vui chơi ở công viên trung tâm (Tao Đàn, 23 Tháng 9) và Nhà thiếu nhi TP.HCM.

“Công viên Tao Đàn trước năm 2002 chưa có đường Trương Định xuyên qua, khuôn viên rộng lớn và có nhiều trò chơi vòng quay ngựa gỗ lớn, xe lửa điện... Đó là nơi mà trước đây tôi rất thích”, anh Trí nhớ lại.

Nhưng từ tháng 11/2003, đường Trương Định được thông xe xuyên công viên Tao Đàn. Khu vui chơi năm xưa sát vị trí đường này giờ đã không còn nữa. Thay vào đó, sân chơi trẻ em được quây vào một góc nhỏ với vài trò chơi đơn giản.

Nam thanh niên chia sẻ rất ít đến những điểm vui chơi như sở thú hoặc công viên nước vì nơi đây thường thu phí và rất đông người. Vì lẽ đó, nhiều gia đình chưa có điều kiện ở TP.HCM cũng không thường xuyên đưa con đến những điểm này để giải trí.

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh, TP.HCM có các công viên lâu đời như Thảo Cầm Viên, Tao Đàn, Lê Văn Tám, Gia Định, Lê Thị Riêng… đều có không gian vui chơi cho thiếu nhi, song trải qua thời gian, các điểm này không được cải thiện, mở rộng, thậm chí diện tích bị thu hẹp để "nhường" cho các dự án, công trình khác.

1
Sân chơi trẻ em ở công viên Lê Văn Tám (quận 1) rộng hơn 60 m2. Ở đây chỉ có 4 ghế xích đu, trẻ em phải chờ lượt, thay phiên nhau chơi. Ảnh: Tâm Linh.

Nên tổ chức sân chơi nhỏ đan xen trong khu phố

TS Tâm lý - Giáo dục Nguyễn Hồng Phan, giảng viên khoa Giáo dục ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng hoạt động vui chơi hợp lý cho trẻ cần cân bằng về mặt không gian giữa trong nhà với ngoài trời; cân bằng giữa các trò chơi tĩnh và động, vận động trí tuệ và cơ bắp.

Trong bối cảnh "đất chật người đông" như hiện nay, vị chuyên gia cho rằng không nhất thiết phải tổ chức các khu vui chơi với không gian rộng lớn.

"Quỹ đất của TP.HCM đang thiếu, chúng ta khó xây dựng công trình bề thế, thay vào đó nên tổ chức theo mô hình các sân chơi nho nhỏ xen trong từng khu phố, để cả phụ huynh lẫn con trẻ dễ dàng tiếp cận đồng đều", chuyên gia nêu quan điểm.

"Quỹ đất của TP.HCM đang thiếu, rất khó xây dựng công trình bề thế. Thay vào đó, nên tổ chức theo mô hình các sân chơi nho nhỏ xen trong từng khu phố"

TS Nguyễn Hồng Phan

Cùng chung góc nhìn này, chị Lê Quỳnh Huệ (46 tuổi, ở TP Thủ Đức) với kinh nghiệm từng đi nhiều quốc gia, cho rằng xu hướng ở các nước là không gian xanh và nơi vui chơi công cộng có ở khắp nơi và đan xen hài hòa với giao thông, khu dân cư trong đô thị.

Theo ghi nhận của Zing, tại các khu đô thị lớn ở TP.HCM như Thảo Điền, Phú Mỹ Hưng, Vinhomes... có khá nhiều không gian thân thiện với trẻ em được tư nhân đầu tư, bên cạnh công viên công cộng của mỗi địa phương.

Nhiều lớp học sáng tạo, quán cà phê, nông trại, sân vườn... của các cá nhân mở ra cũng đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và hấp dẫn con trẻ. Song, với chi phí phải trả, những nơi này không dành cho đại trà người dân TP.HCM.

Tại chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi năm 2022" diễn ra hồi đầu tháng 6 ở TP.HCM, nhiều đề xuất về việc xây dựng thêm nhiều công viên, khuôn viên xanh… cho trẻ em TP.HCM vui chơi đã được đề cập.

Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cũng nhận định chăm lo cho trẻ em cũng chính là sự chuẩn bị cho tương lai của thành phố và đất nước. Bà đề nghị các cấp, ngành cùng các đơn vị tiếp tục tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất để mở rộng các sân chơi cho trẻ em, đặc biệt là các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh cho thiếu nhi.

Nếu yêu cầu đó được hiện thực hóa, cậu bé Khánh cũng như nhiều trẻ em khác ở TP.HCM, có lẽ không phải vui chơi ở đường, ở hẻm, mà sẽ được thỏa sức nô đùa trong một khuôn viên dành riêng cho tuổi thơ.

Theo Zing

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận