07:04 07/09/2022

Giải bài toán “khát” sân chơi cho trẻ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Minh Đức (t/h)

Vui chơi - giải trí - khám phá tự nhiên là các hoạt động yêu thích của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, tại các đô thị, nơi kiến trúc nhân tạo với mật độ dân số dày đặc đã thu hẹp không gian sống, làm hạn chế sự tiếp xúc của trẻ với môi trường. Tình trạng thiếu sân chơi, khu vui chơi cho trẻ luôn là vấn đề khiến các gia đình phải đau đầu.

Vẫn còn nhiều bất cập

Theo Điều 17 Luật Trẻ em 2016: “Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí, được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi”. Đây là nhu cầu thiết yếu, cần thiết cho sự phát triển cả trí tuệ cũng như thể chất, tâm hồn và tính cách của trẻ.

Khi một nhu cầu thiết yếu không được đáp ứng, ắt hẳn sẽ có những phương án khác để giải quyết nhu cầu đó. Đó là nguyên nhân nhiều trẻ em hiện nay tự phải tìm sân chơi cho mình, có thể là vỉa hè, ban công ở những tòa nhà chung cư, hay lòng đường đông đúc xe cộ.

Theo số liệu được đưa ra tại hội thảo "Vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư ở Hà Nội" do Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam tổ chức ngày 6/5/2022: Trong nội thành Hà Nội có 21 công viên và 32 vườn hoa với diện tích 320ha, chiếm 1,9% diện tích đất tự nhiên, tương đương mỗi người dân chỉ có 2,08m2 vườn hoa, sân chơi. Tỷ lệ đất vườn hoa, sân chơi ở quận Hai Bà Trưng cao nhất cũng chỉ chiếm 12,83% diện tích đất tự nhiên.

hn3-1656599052772
Nhiều sân chơi cho trẻ ở Hà Nội còn thiếu các thiết bị vui chơi. Ảnh: nhandan

Thực tế, tại các khu vui chơi công cộng hay sân chơi trong khu dân cư, các trang thiết bị thường nghèo nàn, kém hấp dẫn, thậm chí hư hỏng mà chưa được thay mới. Nhiều sân chơi cho trẻ tại khu tập thể cũ như Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), Phương Mai (quận Đống Đa), Ngọc Khánh (quận Ba Đình), Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm)..., bị lấn chiếm để làm nơi trông giữ xe, bán hàng quán...

Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương tại Hà Nội cùng với người dân tìm cách để có thêm nhiều sân chơi ngoài trời cho trẻ em, bắt đầu từ việc nhỏ nhất như thay mới, lắp đặt trang thiết bị vui chơi.

Điển hình như tại quận Thanh Xuân, hiện có 62 công trình công viên, vườn hoa, sân chơi trẻ em. Có nhiều sân chơi được hình thành kết hợp với xây dựng mới nhà hội họp khu dân cư đã góp phần nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa...

Tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), chỉ tính riêng khu B và khu C đã có tới 5 sân chơi cho trẻ nhỏ. Hầu hết hệ thống thiết bị vui chơi được cấp mới hoặc tái sử dụng các vật liệu như lốp ôtô, chai nhựa, ván gỗ cũ...

Hay như quận Đống Đa, mặc dù rất khó khăn về quỹ đất nhưng những năm gần đây, mỗi năm quận đã đầu tư, cải tạo khoảng 20 sân chơi. Tuy vậy, thiết kế của nhiều sân chơi hiện không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhóm trẻ. Số lượng sân chơi vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế.

Nguyên nhân do đâu?

Theo bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý chương trình và quan hệ đối tác, Tổ chức Plan International Việt Nam, khẳng định trên Hà Nội Mới: Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương tại Hà Nội đã cùng với người dân nỗ lực tìm cách để có thêm nhiều sân chơi ngoài trời cho trẻ em, nhưng vấn đề không đơn giản.

Bà Lan cho biết, nhiều sân chơi bị người lớn chiếm dụng nên trẻ em không thể tiếp cận được; sân chơi bị hàng quán lấn chiếm; sân chơi không đảm bảo an toàn cho các em như thiếu ánh sáng, quá gần đường giao thông mà không có rào chắn; sân chơi ở xa khu dân cư, dẫn đến nguy cơ trẻ bị quấy rối, bắt nạt, bị xâm hại; thiết kế của sân chơi có thể không phù hợp và chưa đáp ứng được cho các em ở độ tuổi khác nhau; sân chơi thiếu thùng rác và nhà vệ sinh khiến cho các em không thoải mái khi vui chơi ở đó...

Đặc biệt, nhiều sân chơi không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhóm yếu thế (trẻ em gái, trẻ em khuyết tật...). Thêm vào đó, không gian vui chơi tại Hà Nội hiện chưa tính đến phương án bảo đảm thân thiện để cả trẻ trai, trẻ gái có thể sử dụng cùng nhau mà không phải lo lắng do có sự khác biệt về giới.

Theo bà Lan, thực tế ở các sân chơi cho thấy, người lớn và các em trai chiếm phần nhiều, trẻ em gái muốn chơi nhưng có thể ngại ngần bởi có rất ít chỗ chơi phù hợp khi góc thì người lớn đánh bóng chuyền, góc thì các em nam đá bóng, đá cầu... Nói là điểm vui chơi chung nhưng thực sự trẻ em gái có tiếp cận được hay không lại là vấn đề khác.

Tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi dành cho trẻ em có nguyên nhân chủ yếu từ công tác quy hoạch còn hạn chế; việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, giải trí cho trẻ em chủ yếu tập trung ở đô thị và các khu vực trung tâm, nơi tập trung đông dân cư.

Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho các công trình vui chơi giải trí dành cho trẻ em còn ít so với nhu cầu, thiếu các quy định về phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tổ chức hoạt động vui chơi văn hóa cho trẻ em.

Thiết nghĩ, để giải quyết tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng như của người dân. Xây dựng sân chơi cho trẻ là vô cùng cần thiết, giúp bảo đảm mọi trẻ em đều được vui chơi giải trí, đều được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận