Không thu tiền quỹ hội phụ huynh được không?
Muốn được phụ huynh đồng lòng trong việc ủng hộ hội phí, phải để cho phụ huynh được đóng góp một cách hoàn toàn tự nguyện.
Cứ đến đầu năm học, câu chuyện về tiền trường lại tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, được bàn đến nhiều nhất là khoản tiền hội phí, tiền đóng góp mua trang thiết bị trường học.
Đã có không ít người thẳng thắn đặt câu hỏi: Dùng tiền quỹ hội để làm gì? Các lớp không thu tiền quỹ hội từ cha mẹ học sinh có được không?
Cũng đã có không ít người thắc mắc: Tại sao lại vận động phụ huynh đóng góp?
Bằng những trải nghiệm thực tế của mình, của đồng nghiệp ở nhiều địa phương, hy vọng bài viết này sẽ giải đáp được phần nào những vấn đề mà nhiều bạn đọc đang thắc mắc.
Tiền hội phí được dùng để làm gì?
Hội phí ở các lớp thường được dùng vào những công việc sau: Đầu tiên, sẽ trích lại cho nhà trường một phần tuỳ vào quy định của từng trường. Đó có thể là trích về trường 70% để lại lớp 30% hay trích về trường 20%, để lại lớp 80%, cũng có khi là chia đều mỗi bên 50%...
Số tiền quỹ hội sau khi đã trích nộp về trường, số còn lại để ở lớp sẽ chi vào một số việc như sau:
Chi quà Trung thu cho các em trong lớp, mỗi em sẽ nhận một phần quà trị giá từ 15 đến 20 ngàn đồng/học sinh. Ngoài ra, còn chi vào mâm cỗ Trung thu để dự thi giữa các lớp hoặc khối lớp do nhà trường phát động.
Chi mua giấy vệ sinh, mua thêm chổi quét, nước xịt khuẩn, mua một số nguyên vật liệu để trang trí lớp học, hoặc mua một số đồ dùng học tập cho nhóm.
Photo tài liệu để học sinh ôn tập hằng tuần hoặc ít nhất vào 4 đợt kiểm tra học kỳ. Mua quà để khuyến khích các em học tập, thực hiện nội quy và làm được việc tốt trong tuần.
Mua phần thưởng cho học sinh nổi trội trong các phong trào thi đua và vào cuối năm học. Có lớp sẽ mua quà lưu niệm cho tất cả các học sinh trong lớp ở buổi tổng kết năm học.
Tổ chức sinh nhật cho học sinh, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc đi thăm hỏi khi học sinh nằm viện hay gia đình các em có chuyện buồn. Mua hoa tươi để thực hiện tuần lễ hoa tươi vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm.
Ngoài ra, ở nhiều trường học hiện nay, người ta còn dùng tiền hội phí để tri ân thầy cô vào các dịp lễ, Tết, sinh nhật, chia tay giáo viên. Số tiền phải chi cho những chuyện này không hề nhỏ. Vì thế, ở một số địa phương lạm thu cũng bắt nguồn từ những chuyện này.
Không yêu cầu phụ huynh đóng góp tiền hội phí được không?
Đã có trường học nói không với nhiều khoản thu. “Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, phụ huynh không được đóng quỹ lớp, không đóng quỹ khuyến học, không đóng quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Tốn kém nhất là việc giáo viên photo tài liệu cho học sinh ôn tập. Đối với việc này, Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, thành phố Thủ Đức đã giải quyết khá linh động bằng cách “nhà trường có ký hẳn hợp đồng với một cơ sở photocopy sát bên trường.
Giáo viên chỉ cần ra cơ sở này nói yêu cầu, ghi rõ lớp và số lượng tài liệu cần photo, cơ sở này sẽ làm, giáo viên không phải trả tiền.
Mỗi lớp đều có Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp thì tự thu xếp, khi cần dùng gì lúc đó phụ huynh sẽ bàn với giáo viên chủ nhiệm thu và chi liền, chứ không thu một khoản từ trước dành cho quỹ lớp”.
Vì thế trước câu hỏi: "Nếu lớp không có tiền hội phí được không?", câu trả lời chắc chắn là được. Có điều, không thu hội phí với địa phương này có thể cũng chẳng ảnh hưởng gì nhưng với địa phương khác cũng khá khó khăn cho nhiều hoạt động của lớp.
Không có tiền hội phí, những khoản phải chi như chi Trung thu, mua giấy vệ sinh, photo tài liệu ôn tập, thăm hỏi, phần thưởng… sẽ không còn.
Không có hội phí, nhà trường phải bỏ một khoản ngân sách cho các lớp để trang trí lớp học, mua chổi, mua phần thưởng.
Giáo viên cũng phải vất vả hơn trong việc ôn tập, học sinh cũng không được ôn tập nhiều vì không có kinh phí đi photo tài liệu. Giáo viên có thể chỉ gửi đề ôn tập để mỗi học sinh tự photo tài liệu cho mình.
Ở những địa phương có điều kiện kinh tế, tiền ngân sách rót về trường học đủ chi cũng đỡ. Những địa phương khó khăn, ngân sách rót về trường khá ít (chưa đủ trả tiền điện nước và các hoạt động khác) nên nhà trường sẽ không có đủ điều kiện để đầu tư cho các lớp.
Vì thế, các lớp học sẽ luôn trong tình trạng thiếu thốn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc giảng dạy và học tập.
Giải pháp nào để không lạm thu?
Trong thực tế, người viết thấy rằng nếu đóng góp một ít quỹ để tạo điều kiện tốt cho con cái học tập, sinh hoạt khi ở trường thì không có phụ huynh nào tính toán hoặc phản đối.
Điều mà các bậc cha mẹ hiện nay không vừa lòng là họ không được đóng góp một cách tự nguyện mà do nhà trường áp mức đóng cố định. Có những trường áp mức quỹ về trường quá cao, buộc giáo viên phải đưa ra mức giá để phụ huynh đóng góp mới gây nên bức xúc.
Bên cạnh đó, thu tiền nhiều nhưng chi các khoản lại không rành mạch, chi sai mục đích của quỹ hội. Có những nơi lại dùng tiền quỹ hội để tặng quà cho giáo viên vào các dịp lễ, Tết, tổ chức sinh nhật cho các thầy cô một cách hoành tráng…
Muốn được phụ huynh đồng lòng trong việc ủng hộ hội phí, phải để cho phụ huynh được đóng góp một cách hoàn toàn tự nguyện.
Năm học nào cũng vậy, mặc dù không áp mức đóng cho từng học sinh, lớp học do tôi làm chủ nhiệm đều nhận được khoản tiền ủng hộ hội phí từ phụ huynh khá cao (so với mặt bằng chung).
Dù có người không ủng hộ, có người ủng hộ 50 ngàn nhưng có người ủng hộ gần 2 triệu đồng trong tâm thế rất vui vẻ. Tiền quỹ hội được thu chi rõ ràng, đúng mục đích. Cuối năm, còn tiền sẽ tổ chức liên hoan cho học sinh.
Vì thế, giải pháp hiệu quả nhất là nhà trường không được áp mức đóng góp buộc các lớp phải nộp tiền hội phí về trường để các lớp tự kêu gọi phụ huynh tự nguyện đóng góp. Thu được nhiều chi nhiều, thu được ít sẽ chi ít và chi đúng mục đích.
Hằng năm, uỷ ban nhân dân xã phường chỉ cần kiểm tra danh sách ủng hộ tiền quỹ hội sẽ kết luận ngay được việc nhà trường có áp mức tiền ủng hộ hay không. Cần xử lý thật nghiêm những đơn vị trường học vi phạm thì chắc chắn tình trạng lạm thu sẽ không còn nữa.
Theo Giáo dục VN
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất