14:45 28/09/2022

Lạm thu đầu năm học: Phụ huynh trăn trở những khoản “tự nguyện”

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam An Nhiên (t/h)

Ngành GD&ĐT đã có những quy định rất rõ về các khoản thu trong nhà trường tuy nhiên, tình trạng lạm thu vẫn luôn là vấn đề khiến phụ huynh trăn trở mỗi dịp đầu năm học mới.

Ngay khi kết thúc năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT đã có văn bản số 2153/BGDĐT-KHTC gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2022-2023. Trong đó quán triệt tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học.

Trước đó, tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, ngày 22/11/2011, Bộ GD&ĐT quy định: ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT các địa phương cũng có văn bản quán triệt tình trạng  lạm thu. Như vậy, dù ngành giáo dục và các địa phương đều có văn bản chỉ đạo sẽ xử lý nghiêm trường học nào để xảy ra tình trạng lạm thu, tuy nhiên, soi chiếu vào thực tế, vẫn còn nhiều khoản thu xã hội hóa đang làm khổ các gia đình.

20220919_073159
Ảnh minh họa

Phụ huynh phản ánh nhiều khoản thu “tự nguyện”

Ngày 30/8, nhiều phụ huynh có con học tại trường THPT Lê Chân (Hải Phòng) phản ánh việc nhà trường vận động cha mẹ học sinh đóng góp xây trạm biến áp khoảng 1 tỷ đồng phục vụ trực tiếp cho giáo viên, học sinh. 

Phụ huynh lớp 1 Trường Tiểu học Thạch Linh (phường Thạch Linh, Hà Tĩnh) phản ánh nhà trường thông báo mỗi học sinh phải đóng 1.680.000 đồng bao gồm tiền bàn ghế học sinh, giáo viên, bảng, tivi, tủ đựng tài liệu của giáo viên... Ngoài ra, mỗi em đóng 28.000 đồng/ngày tiền ăn bán trú và 200.000 đồng/tháng tiền phục vụ ăn bán trú. Tổng các khoản bao gồm quỹ lớp là 2 triệu đồng, trừ học sinh nhà nghèo đóng ít hơn.

Phản ánh trên Báo Lao động, phụ huynh Trường mầm non Vạn Thái (Ứng Hòa, Hà Nội) nhận được bảng danh mục gồm 15 khoản dự kiến thu trong năm học 2022-2023. Đa số phụ huynh đều bày tỏ bức xúc khi trong danh mục mà nhà trường đưa ra xuất hiện nhiều khoản thu "không thuyết phục". Cụ thể, nhà trường dự kiến thu tiền làm thẻ đưa đón học sinh: 50.000/quá trình học mầm non; tiền bảo hiểm toàn diện học sinh: 180.000 đồng/học sinh/năm; tiền học ngoại khóa tiếng Anh: 150.000/tháng/8 buổi; tiền học kỹ năng sống: 50.000 đồng/4 buổi; Toán với bàn tính: 150.000 đồng/tháng/8 buổi;  tiền điện điều hòa (sử dụng hết bao nhiêu có đồng hồ lắp riêng chia ra số trẻ, đóng theo tháng).

Đáng chú ý, theo quy định, khoản tiền bảo hiểm toàn diện học sinh là không bắt buộc nhưng lại được nhà trường kê kèm theo dòng chữ "thu hộ phòng bảo hiểm" khiến không ít phụ huynh nhầm tưởng đây là khoản tiền bắt buộc phải đóng. Theo phản ánh của phụ huynh, nhà trường đang áp đặt các khoản thu và phụ huynh thậm chí không có cơ hội lên tiếng thay vì được thỏa thuận như đúng quy định.

Phụ huynh có con học tại trường THPT dân lập Văn Lang (Hà Nội) phản ánh việc nhà trường yêu cầu học sinh nộp 1,5 triệu đồng/tháng tiền học phí và thêm 4,5 triệu đồng/học kì cho các khoản thu như: Phí phát triển trường hàng kỳ (2,5 triệu đồng); quỹ phụ huynh trường (200.000 đồng); tiền điện, nước uống tinh khiết (300.000 đồng); quỹ phụ huynh lớp (1 triệu đồng)…

Phí phát triển trường hàng kỳ được chia nhỏ nhiều mục khác nhau bao gồm: Tiền hỗ trợ cơ sở vật chất nhà trường, hỗ trợ vệ sinh, an ninh khuôn viên trường "xanh-sạch-đẹp" (1,5 triệu đồng/học sinh/học kỳ); phí trông giữ xe học sinh phải nộp nếu đi xe máy là 500.000 đồng/em/học kỳ và 350.000 đồng/học sinh/học kỳ với xe đạp.

Cần kiên quyết xử lý nghiêm khắc

Theo GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ trên Báo điện tử Chính phủ, khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện, bảo đảm chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, những người thực hiện chủ trương lại chưa hiểu đúng, làm đúng pháp luật về kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục. Việc không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp.

Nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân cho rằng tình trạng lạm thu gây mất uy tín lớn cho ngành giáo dục. Vì vậy, cần kiên quyết xử lý nghiêm khắc, thậm chí xử lý hình sự để "làm gương". Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần phải đồng lòng phản ánh sai phạm lạm thu và yêu cầu nhà trường, giáo viên minh bạch, công khai các khoản thu, đóng góp tự nguyện sẽ được chi vào việc gì.

Cũng theo GS.TS Trần Hồng Quân, đầu tư cho giáo dục, cho con em có môi trường, điều kiện học tập tốt hơn là chính đáng nhưng Ban đại diện phụ huynh phải căn cứ vào tình hình chung của lớp để đưa ra mức thu đồng thuận. Nếu đề xuất mức thu quá cao hoặc cào bằng theo đầu người sẽ khó cho những gia đình khó khăn, có mức thu nhập trung bình..

Thực tế cho thấy, phụ huynh phản đối việc lạm thu của nhà trường là việc chính đáng để đảm bảo các khoản thu của nhà trường phải phục vụ trực tiếp nhu cầu học tập của học sinh, đồng thời, phải xét đến điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình.

Chính vì vậy, gần 23 triệu gia đình có con đang độ tuổi phổ thông đều mong muốn ngành giáo dục phải chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Tăng cường phát huy dân chủ trong việc bàn bạc, thỏa thuận các khoản thu tự nguyện giữa nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh. Tránh tình trạng áp đặt, gây hiểu lầm và phản ứng của phụ huynh học sinh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của ngành giáo dục.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận