17:21 28/08/2024

Nâng cao năng lực cán bộ Hội Bảo vệ quyền trẻ em về bảo vệ trẻ em trong chuỗi cung ứng

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Thu Hà

Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Bảo vệ quyền trẻ em các cấp để thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức khóa tập huấn 05 ngày, từ 20-24/8 tại TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) với sự hỗ trợ kinh phí từ tổ chức Unicef tại Việt Nam.

Có khoảng 30 cán bộ, lãnh đạo từ 11 tỉnh/TP bao gồm Hà Nội, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Yên Bái, Thái Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Kon Tum, Trà Vinh, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ tham dự khóa tập huấn với 2 nội dung chính: Bảo vệ trẻ em 2 cấp độ (cấp độ 1 và 2A) và bảo vệ trẻ em trong chuỗi cung ứng.

anh 1
Bà Cao Thị Thanh Thủy – Phó Chủ tịch Hội phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Tại lớp tập huấn, các học viên đã được giảng viên là những người có kinh nghiệm đào tạo và là chuyên gia về bảo vệ trẻ em của Unicef chia sẻ, trao đổi những thông tin rất hệ thống, cần thiết và gắn với chức năng, nhiệm vụ mà Hội Bảo vệ quyền trẻ em được giao và có thể thực hiện được.

Giảng viên đã trao đổi các kiến thức tổng quan về hệ thống bảo vệ trẻ em, khái niệm bảo vệ trẻ em và xâm hại trẻ em theo Luật trẻ em, các cấp độ về bảo vệ trẻ em và tập trung vào vai trò, trách nhiệm của các đơn vị phối hợp trong công tác bảo vệ trẻ em.

Những nguyên tắc trong thực hiện các hoạt động đánh giá về nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của trẻ, những chỉ số để giúp cho người phản ánh, báo cáo cũng đã được đưa ra dựa trên những nhu cầu của trẻ, đã giúp cho học viên có được bức tranh tổng thể về những chỉ số cần lưu ý để việc đánh giá được toàn diện và phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh của trẻ.

anh (2)
Học viên sôi nổi thảo luận nhóm tại lớp tập huấn

Bên cạnh đó, học viên cũng được chia sẻ những kinh nghiệm thực tế đã triển khai của đơn vị, của cá nhân khi thực hiện các hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ trẻ em và gia đình tại địa phương; vai trò, trách nhiệm của cán bộ Hội khi tiếp nhận, có quan ngại về các trường hợp trẻ bị vi phạm quyền. Trong phần chuyên sâu về 3 lý thuyết về sự phát triển của trẻ em để ứng dụng trong cách thu thập thông tin, đồng thời đưa ra những giải pháp can thiệp phù hợp, các học viên cũng đã được thảo luận, đưa ra một tình huống tùy chọn để phân tích trên cơ sở 3 lý thuyết về chi tiết, về ý nghĩa của chi tiết trong tình huống, từ đó rút ra những áp dụng của lý thuyết trong đưa ra những giải pháp can thiệp đúng đối tượng, đúng phương pháp.

Đặc biệt, những kỹ năng như nói chuyện, lắng nghe, quan sát được giảng viên hướng dẫn học viên thực hành qua những tình huống sắm vai xử lý. Từ đó rút ra những bài học cần lưu ý trong việc thực hành các buổi tham vấn, thu thập thông tin đối với trẻ em. Đặc biệt cần kỹ năng thấu cảm với trẻ như hiểu được lo lắng, sợ hãi để có thể có những hành động phù hợp để trấn an với trẻ. Học viên cũng được học cách đặt câu hỏi để có tính logic: đi theo chủ đề như sức khỏe, mối quan hệ, thu nhập... để xác định được vấn đề. Học viên được chia thành nhóm nhỏ để thực hành đặt câu hỏi để thu thập các thông tin về đối tượng được báo cáo quan ngại.

anh 3
Thực hành tình huống tham vấn trẻ em

Với nội dung liên quan tới phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng, học viên đã được hệ thống các khái niệm liên quan tới độ tuổi trẻ em và người chưa thành niên, lao động chưa thành niên, khái niệm lao động trẻ em và các tiêu chí xác định lao động trẻ em. Học viên cũng được thực hành xác định trường hợp là lao động trẻ em thông qua các tình huống, trong đó xác định tập trung vào 3 yếu tố là độ tuổi, thời gian lao động và tính chất lao động. Đây cũng chính là các tiêu chí nhận diện lao động trẻ em.

Những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới lao động trẻ em gồm có điều kiện sống (đói nghèo), thiếu hiểu biết về pháp luật lao động, về ảnh hưởng của lao động đến sự phát triển của trẻ..., đặc thù vùng miền, trách nhiệm của chính quyền địa phương, lợi nhuận của người sử dụng lao động, pháp luật còn chưa cập nhật các ngành nghề mới có trẻ em tham gia, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc... Hậu quả của lao động trẻ em đối với trẻ em, gia đình và xã hội. Những yếu tố kinh tế, xã hội, nhận thức, pháp luật cũng có ảnh hưởng tới sự gia tăng lao động trẻ em.

Giảng viên cũng đã giới thiệu về Quy chế phối hợp về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2024-2025 và định hướng đến 2030 là rất cần thiết bởi nguồn lực, nhân sự và nhiều yếu tố tác động vì vậy rất cần phải có sự phối hợp với các cơ quan liên ngành để giảm thiểu và phòng ngừa lao động trẻ em.

Ngoài ra, học viên cũng được cung cấp thông tin về chuỗi cung ứng, một số hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, nguy cơ sử dụng lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng, tác hại cũng như trách nhiệm của đơn vị doanh nghiệp trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng, tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, kinh doanh hộ gia đình. Từ đó, các học viên có thêm một số kiến thức nền tảng giúp cho việc tuyên truyền tới các đơn vị sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất hộ gia đình tham gia phòng chống, giảm thiểu lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng hiệu quả hơn.

anh 4
Học viên được trao giấy chứng nhận tham gia khóa tập huấn

Kết thúc lớp tập huấn, các học viên đã được trao giấy chứng nhận tham dự tập huấn về bảo vệ trẻ em 2 cấp độ và bảo vệ trẻ em trong chuỗi cung ứng và khi trở về địa phương sẽ xây dựng kế hoạch để tập huấn, truyền thông lại cho cán bộ cơ sở và cộng đồng về các nội dung liên quan tới bảo vệ trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận