06:06 13/08/2024

Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Phú Bình

Ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh, mọi người dân khi phát hiện các hành vi liên quan đến trẻ em như các vụ xâm hại, bạo lực… có nghĩa vụ, trách nhiệm khai báo, thông tin kịp thời tới các cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan.

Thời gian qua, Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật bảo vệ trẻ em bằng nhiều hình thức và kiến nghị từng vụ việc cụ thể, tham gia vào các vụ án với tư cách luật sư. Để hiểu rõ hơn về các hoạt động của Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em trong giai đoạn tới, PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. 

Xin ông cho biết hoạt động nổi bật của Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em trong 6 tháng đầu năm 2024?

Ông Hà Đình Bốn: Qua 6 tháng đầu năm 2024, Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em tham gia hàng chục cuộc tuyên truyền pháp luật về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho hơn 10.000 học sinh tại 10 trường học trên địa bàn Hà Nội; 03 cuộc truyền thông tại cộng đồng dành cho cha mẹ, người chăm sóc tại 03 quận của Hà Nội (quận Nam Từ Liêm, quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân).

Hoạt động tuyên truyền trên do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức nằm trong khuôn khổ dự án: “Nâng cao nhận thực và hiểu biết của cộng đồng, hỗ trợ pháp lý và đại diện bào chữa, tham gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhóm yếu thế, dễ tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em phù hợp với Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan”.

Thông qua các buổi tuyên truyền đã giúp các em học sinh hiểu được một số nội dung cơ bản của pháp luật về phòng, chống xâm hại và bạo lực trẻ em. Bên cạnh đó, giúp các em nhận biết được các hành vi bạo lực, hành vi xâm hại tình dục, các kỹ năng cần thiết để phòng tránh thông qua phần hỏi đáp, tương tác giữa báo cáo viên và học sinh dựa trên các câu hỏi trắc nghiệm; Giúp người dân, giáo viên có thêm kiến thức về quyền và nghĩa vụ của trẻ em, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trong cộng đồng, từ đó, có những kỹ năng, phương pháp để bảo vệ con em của mình.

hà đình bốn
Ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. 

Về việc tiếp nhận và hỗ trợ các trường hợp trẻ em bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp, trong 6 tháng đầu năm Hội đã tiếp nhận gần 20 đơn thư của người dân. 100% trường hợp người dân gửi đến Hội đều được tiếp nhận tư vấn ban đầu và báo cáo lãnh đạo xử lý kịp thời. Lãnh đạo Hội, Luật sư là Ủy viên Ban Chấp hành Hội, Ủy viên Thường vụ Hội đã có hơn 15 lần phát biểu chính kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo chí về các trường hợp xâm hại quyền trẻ em.

Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em đã trợ giúp pháp lý cho 02 trường hợp trẻ em bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp, do gia đình có đơn thư gửi Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhờ hỗ trợ. Hội cũng thường xuyên cập nhật các tài liệu trên trang website của Hội và trưng bày tài liệu in trong các sự kiện do Hội tổ chức. Hội đã xây dựng được video về Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, đăng tải trên website chính thức của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để làm cơ sở cho việc phổ biến giáo dục pháp luật.

3
Các em học sinh hào hứng tham gia phần hỏi đáp tìm hiểu pháp luật về phòng, chống xâm hại và bạo lực trẻ em.

Để nâng cao nhận thức cho các phụ huynh và cộng đồng xã hội về công tác bảo vệ quyền trẻ em, thời gian tới, hoạt động của Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em có điểm gì mới, thưa ông?

Ông Hà Đình Bốn: Trong thời gian tới, Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em bám sát nhiệm vụ trong tâm của Hội, từ đó đề ra các nhiệm vụ cụ thể sát với chức năng nhiệm vụ của Chi hội:

1. Củng cố kiện toàn tổ chức, kết nạp thêm các luật sư tự nguyện hoạt động theo mục đích, tôn chỉ của Điều lệ Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

2. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ trẻ em cho trẻ em, gia đình và các bậc cha mẹ: Tập trung vào các nội dung gắn liền tới quyền trẻ em và người chưa thành niên, trách nhiệm của gia đình, nhà nước và xã hội đối với trẻ em được quy định tại các luật mới ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Giao dịch điện tử, Luật Tư pháp người chưa thành niên…

3. Tất cả các vụ việc xâm hại trẻ em khi có yêu cầu, đề nghị Hội hỗ trợ, tư vấn pháp lý đều được tiếp nhận và cử luật sư hỗ trợ. Đồng thời tham gia góp ý xây dựng chính sách pháp luật có liên quan đến trẻ em để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, làm cơ sở pháp lý đảm bảo thực hiện các quyền trẻ em.

4. Phối hợp với Tạp chí Trẻ em Việt Nam tổ chức một cuộc thi tuyên truyền, phổ biến về Luật Trẻ em, Công ước Quyền trẻ em. Tham gia cùng với Tạp chí Trẻ em Việt Nam thực hiện chuyên mục “Hỏi đáp pháp luật về quyền trẻ em”. Giải đáp theo các nhóm chủ đề liên quan đến nội dung câu hỏi của cha mẹ, phụ huynh học sinh, trách nhiệm của các chủ thể trong việc bảo vệ quyền trẻ em thông qua các câu hỏi, tình huống cụ thể về các quyền trẻ em, trách nhiệm của cha mẹ, trách nhiệm của thầy cô giáo, trách nhiệm khai báo, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo về quyền trẻ em, trẻ em có bổn phận gì, các quyền của trẻ em khuyết tật, trẻ em vùng sâu, vùng xa,… Thông qua các nội dung hỏi đáp, nhằm nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, cho mọi người về luật pháp, chích sách bảo vệ quyền trẻ em, để mọi người tôn trọng và thực hiện, để tất cả trẻ em đều được chăm sóc, bảo vệ, được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

2
Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em tham gia tuyên truyền pháp luật về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.

Thưa ông, khi có vấn đề liên quan đến trẻ em, người dân có thể liên hệ đến đâu để nhờ tư vấn và hỗ trợ?

Ông Hà Đình Bốn: Mọi người dân khi phát hiện các hành vi liên quan đến trẻ em như các vụ xâm hại, bạo lực,… phải có nghĩa vụ, trách nhiệm khai báo, thông tin kịp thời tới các cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan: Tổng đài Bảo vệ quốc gia trẻ em 111, cơ quan công an gần nhất, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em các cấp đó là ngành Lao động -Thương binh và Xã hội, các tổ chức xã hội làm việc về trẻ em, các trung tâm công tác xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, để được xem xét cử luật sư tham gia tư vấn pháp lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Để đảm bảo thực hiện các việc trên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cần thông báo công khai đường dây nóng, điện thoại và địa chỉ để người dân dễ tiếp cận và thông tin kịp thời. Đồng thời yêu cầu các tổ chức cá nhân có trách nhiệm phải tiếp nhận và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm quyền trẻ em theo đúng quy định của pháp luật./.

Trân trọng cảm ơn ông!

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận