09:05 11/10/2022

Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ ở trẻ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An (t/h)

Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển về nhiều mặt song chủ yếu là rối loạn về kỹ năng quan hệ xã hội, giao tiếp bằng lời nói và hành vi bất thường. Tự kỷ khởi phát trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài.

1. Bệnh tự kỷ ở trẻ là gì?

Tự kỷ được cho là bệnh lý của não do rối loạn phát triển thần kinh. Có sự bất thường về sinh hóa thần kinh liên quan đến Dopamine, Catecholamine và Serotonin.

Tuy nhiên, những vấn đề nêu trên vẫn đang là giả thuyết. Biểu hiện chung của tự kỷ là những khiếm khuyết ở 3 lĩnh vực: Tương tác xã hội, giao tiếp và hành vi, sở thích thu hẹp và rập khuôn. Bên cạnh đó trẻ thường có rối loạn cảm giác và tăng hoạt động.

tre-tu-ky

2. Những biểu hiện tự kỷ ở trẻ

Theo Bệnh viện 199 (TP. Đà Nẵng), biểu hiện chung của bệnh tự kỷ bao gồm những khiếm khuyết trong 3 lĩnh vực là kém tương tác xã hội, kém giao tiếp và hành vi bất thường. Bên cạnh đó trẻ thường có rối loạn cảm giác. Nhiều trẻ tự kỷ có kèm theo tăng động và trí tuệ kém.

Giảm tương tác xã hội

Một biểu hiện trẻ tự kỷ đặc trưng là thiếu hụt các kỹ năng tương tác xã hội. Nếu trẻ có những dấu hiệu dưới đây, phụ huynh cần đặc biệt chú ý:

• Ít hoặc không giao tiếp bằng mắt.

• Thờ ơ, yên lặng, dường như thích ở một mình và không cần sự chăm sóc của người khác.

• Tránh tiếp xúc thân thể, không thích ôm, hôn.

• Ít hoặc không cười với nụ cười của cha mẹ.

• Không có những biểu hiện trên khuôn mặt như vui, buồn…

• Không chỉ tay đến đối tượng hoặc sự kiện để gây sự chú ý.

• Không tỏ ra đồng cảm với người khác.

• Không thể kết bạn.

Hành vi, sở thích bất thường

Sự khác biệt về hành vi là biểu hiện trẻ tự kỷ cũng rất thường gặp. Ngoài ra, trẻ còn có những sở thích không điển hình và lặp đi lặp lại. Trẻ tự kỷ sẽ có những hành vi như:

• Lặp đi lặp lại các thói quen, trật tự hay nghi thức và rất khó để thay đổi

• Thích xoay tròn, lắc lư, nhìn ngón tay, đi nhón chân trong thời gian dài.

• Chơi với một số bộ phận của đồ chơi thay vì toàn bộ, ví dụ bánh xe, cánh quạt…

• Luôn cầm nắm một thứ gì đó trong tay như bút, que, giấy…

• Bị ám ảnh bởi một hành động hoặc sự vật bất thường.

• Thực hiện những hành động có thể gây hại cho bản thân như cắn, đập đầu vào tường, chạy ra đường mà không biết sợ…

phat-hien-som-tu-ky-o-tre-em

3. Dấu hiệu giúp phát hiện sớm trẻ mắc tự kỷ

Biểu hiện chung của bệnh tự kỷ bao gồm những khiếm khuyết hành vi đặc trưng trong 3 lĩnh vực:

- Tương tác xã hội

- Giao tiếp bằng lời và không lời

- Hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại

Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường:

- Về cảm xúc: Trẻ ít cười, ít bộc lộ cảm xúc với cha mẹ, không giao tiếp bằng mắt với mẹ ngay từ khi còn nhỏ, không nhìn thẳng người đối diện hoặc nhìn như không có ai ở đó, lơ đễnh, không phân biệt được người lạ, người quen, kém tương tác với những người xung quanh.

Lúc đi học trẻ không thích chơi với bạn, không nhận thức được cô giáo la mắng hay khen, dẫn đến làm những điều không thích hợp.

- Về ngôn ngữ: Trẻ bị chậm nói so với tuổi hoặc trẻ bị mất hẳn khả năng ngôn ngữ, trẻ nói những âm đơn điệu, thiếu ngữ điệu, nhại lời người khác, nói lẩm bẩm một mình, có khi phát âm những âm vô nghĩa, lặp đi lặp lại. Không biết bắt chước người lớn để làm theo, nói theo; khi có nhu cầu bé không biết làm cho người lớn hiểu mình cần gì; phải gợi ý hướng dẫn nhiều lần bé mới có thể làm theo.

- Về hành vi: Trẻ chỉ thích chơi với một thứ, quan tâm đến chi tiết hơn là cách sử dụng đồ chơi thế nào (ví dụ trẻ chỉ xoay tròn chiếc bánh xe chứ không để xe chạy dưới sàn).

tu-ky-steps

4. Nguyên nhân trẻ tự kỉ

Theo Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng trung ương, ngày nay, số trẻ em mắc bệnh tự kỉ ngày càng tăng lên (cứ 1.000 trẻ thì có 2 - 5 trẻ bị tự kỷ), điều này khiến các bà mẹ cảm thấy lo lắng. Bệnh phổ biến như vậy, nhiều trẻ mắc như vậy, nhưng họ lại không hiểu rõ về căn bệnh tự kỉ, thành ra việc phát hiện phòng tránh bệnh khá khó khăn. Vậy nguyên nhân trẻ tự kỉ là gì?

Tổn thương não hoặc não bộ kém phát triển do:

- Đẻ non tháng dưới 37 tuần.

- Cân nặng khi sinh thấp dưới 2.500g.

- Ngạt hoặc thiếu ô xy não khi sinh.

- Chấn thương sọ não do can thiệp sản khoa.

- Vàng da nhân não sơ sinh.

- Chảy máu não-màng não sơ sinh.

- Nhiễm khuẩn thần kinh như viêm não, viêm màng não.

- Thiếu ôxy não do suy hô hấp nặng.

- Chấn thương sọ não.

- Nhiễm độc thuỷ ngân.

Yếu tố di truyền:

- Bất thường về nhiễm sắc thể.

- Bệnh di truyền theo gen hoặc nhóm gen.

Yếu tố môi trường

- Môi trường sống ít có kích thích lên sự phát triển của trẻ trong 24 tháng đầu: chủ yếu cho trẻ xem vô tuyến truyền hình, quảng cáo, âm nhạc... thay cho sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ và gia đình.

- Một số hoá chất, kim loại nặng có thể gây tổn thương não.

5. Phòng ngừa tự kỷ ở trẻ em

- Khám thai thường quy có thể phát hiện sớm các bệnh lý của bà mẹ và tình trạng bất thường của thai gây tổn thương não của trẻ.

- Nâng cao chất lượng cấp cứu trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế xã, huyện, tỉnh là biện pháp tích cực nhất nhằm giảm thiểu tỷ lệ trẻ tổn thương não.

- Khám sức khoẻ, đặc biệt trẻ sơ sinh có nguy cơ cao thường quy hàng quý trong 24 tháng đầu đời có thể phát hiện sớm các rối loạn phát triển trong đó có tự kỷ.

6. Điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ

- Những nguyên tắc điều trị:

Nâng cao kỹ năng xã hội cho trẻ.

Tạo môi trường sống thích hợp.

Sử dụng những phương pháp can thiệp dựa trên học thuyết nhận thức và hành vi, sử dụng phương tiện nhìn (thị giác) để dạy trẻ, huấn luyện đa nguyên tắc cho tất cả những nhân viên chuyên nghiệp làm việc với trẻ tự kỷ.

‎Chương trình giáo dục nên bắt đầu càng sớm càng tốt nhất là khi trẻ ở ‎lứa tuổi từ 2 đến 4 tuổi.

- Chương trình can thiệp sớm cho trẻ trước 5 tuổi bao gồm dạy trẻ và tư vấn cho gia đình.

- Có bằng chứng cho thấy phương pháp trị liệu hành vi tích cực cho trẻ ‎trước 3 tuổi đã có hiệu quả cải thiện về khả năng ngôn ngữ và chức năng xã hội sau này, can thiệp sớm tích cực 40 giờ/1 tuần trong 2 năm liên tục cho thấy trẻ có tiến bộ về nhận thức và hành vi.

- Giáo dục, huấn luyện và trợ giúp cho cha mẹ cần được tiến hành thường xuyên. Gia đình trẻ tự kỷ cùng tham gia dạy trẻ có vai trò quan trọng cho sự tiến bộ của trẻ và chăm sóc trẻ toàn diện.

- Trẻ tự kỷ vẫn cần được hỗ trợ về giáo dục thậm chí cả khi ngôn ngữ phát triển gần như bình thường. Dạy trẻ tại nhà theo chương trình cá biệt hóa, cung cấp cho trẻ thông tin thị giác, cấu trúc và dự đoán.

- Hệ thống giao tiếp bằng trao đổi tranh (PECS - Picture Exchanged Communication System) được áp dụng nhằm làm cho trẻ hiểu các bước của công việc, hiểu lịch trình, thể hiện nhu cầu và tăng khả năng tương tác.

‎- Những trẻ lớn và trẻ vị thành niên với trí tuệ khá cao nhưng kỹ năng xã hội nghèo nàn và có một số triệu chứng tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh nghi thức cần được điều trị tâm lý, hành vi nhận thức và bằng thuốc.

‎- Huấn luyện các kỹ năng xã hội có hiệu quả đặc biệt trong điều trị nhóm.

‎- Hiện không có thuốc đặc hiệu điều trị tự kỷ mà chỉ dùng thuốc điều trị một số triệu chứng kèm theo. Một số thuốc an thần kinh có tác động làm giảm ‎hành vi tăng động, cơn hờn giận, hung tính, tự gây thương tích, hành vi định ‎hình, rối loạn ám ảnh nghi thức.

Muốn chăm sóc trẻ tốt, muốn trẻ phát triển tốt và tránh mắc bệnh thì cần hiểu rõ về bệnh tự kỉ – nguyên nhân trẻ tự kỉ và cách phòng tránh và từ đó có chế độ chăm sóc trẻ tốt, phòng tránh bệnh tự kỉ.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận