Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội BVQTEVN Ninh Thị Hồng tiết lộ kỷ niệm xúc động những ngày đầu vận động thành lập Hội
Bà Ninh Thị Hồng là Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam khóa I, II và III. Bà cũng là một trong những thành viên của Ban Vận động thành lập Hội BVQTEVN. Nhớ lại những năm tháng đầu tiên của Hội BVQTEVN, bà không giấu được sự xúc động.
Bài viết này thuộc chuyên đề Kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
Trong 15 năm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, thúc đẩy sứ mệnh thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em Việt Nam được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển hài hòa.
Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) (8/4/2008-8/4/2023), Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với bà Ninh Thị Hồng là Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam khóa I, II và III. Bà cũng là một trong những thành viên của Ban Vận động thành lập Hội BVQTEVN.
Hai câu hỏi hóc búa cần trả lời trong quá trình vận động thành lập Hội
Thưa bà, được biết bà là một trong những thành viên của Ban Vận động thành lập Hội BVQTEVN ngay từ những ngày đầu tiên. Vậy bà có thể chia sẻ cơ duyên nào đưa bà tới với Hội BVQTEVN, những kỷ niệm về dấu mốc đặc biệt những ngày đầu thành lập Hội và cảm xúc của bà trong chặng đường đã gắn bó với công tác trẻ em tại Hội BVQTEVN?
Bà Ninh Thị Hồng: Khi đang là Chánh thanh tra Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Thời điểm đó, Chính phủ và Quốc hội có quyết định cơ quan Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em sẽ tách đưa mảng trẻ em về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dân số sẽ về Bộ Y tế và gia đình về Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Nghĩa là tách từng mảng về 3 nơi thì những người làm công tác về trẻ em lâu năm nhận thấy, như vậy mảng của trẻ em sẽ ít được quan tâm hơn vì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là Bộ rất lớn, quản lý rất nhiều lĩnh vực.
Bây giờ, khi đưa mảng trẻ em về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chỉ hình thành một Cục, số lượng người làm công tác trẻ em sẽ hạn chế mà trẻ em ở Việt Nam mỗi năm sẽ thêm một triệu em và công tác về trẻ em còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm.
Trước bối cảnh đó, tôi và một số anh chị đã ấp ủ, thảo luận về việc thành lập một Hội tự nguyện để quy tụ những người có tâm huyết, tấm lòng yêu trẻ trong xã hội cùng tham gia.
Chúng tôi đã tham mưu, đề nghị thành lập Ban Vận động thành lập Hội BVQTEVN. Ban Vận động thành lập Hội BVQTEVN quy tụ rất nhiều thành viên uy tín trong xã hội, có tấm lòng yêu trẻ. TS. Trần Thị Thanh Thanh - Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam đã nhận lời làm Chủ tịch Hội và đảm đương vai trò Trưởng Ban Vận động.
Tôi nhớ nhất kỷ niệm, Ban Vận động nhận được câu hỏi của Vụ Tổ chức phi Chính phủ, Bộ Nội vụ về việc, trên thực tế đã có Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam hay Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, lý do gì khiến chúng tôi muốn cho ra đời Hội BVQTEVN?
Để làm rõ vấn đề trên, tôi trình bày Dự thảo điều lệ Hội BVQTEVN hướng đến bảo vệ toàn bộ trẻ em và việc thực hiện quyền trẻ em chứ không chỉ bảo vệ trẻ em mồ côi hay trẻ em khuyết tật.
Nhiều người nghĩ rằng, với trẻ em có đầy đủ bố mẹ, gia đình có điều kiện không cần bảo vệ nhưng trên thực tế, các em vẫn có những quyền chưa được bảo vệ đầy đủ và chúng ta cần truyền thông, ngăn ngừa để trẻ em được bảo vệ đúng như Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em đã cam kết.
Câu hỏi thứ hai chúng tôi cần làm rõ là nguồn kinh phí hoạt động của Hội. Trong Dự thảo, chúng tôi cũng đã nêu, kinh phí do Hội tự chủ, độc lập.
Những người yêu quý trẻ em Việt Nam khẳng định bên cạnh sự tự chủ về kinh phí hoạt động, các thành viên còn góp sức bằng tri thức, tình cảm với trẻ em. Việc thuyết phục giáo viên về hưu tình nguyện dạy học cho trẻ hay các bác sĩ hưu trí sẵn sàng chăm sóc sức khoẻ miễn phí cho trẻ em khó khăn, trẻ em tàn tật... là những ví dụ điển hình.
Chúng tôi tin rằng, sẽ rất nhiều người ủng hộ và không phải cần có nguồn kinh phí dồi dào mới có thể thành lập Hội. Sau khi tôi trình bày, Bộ Nội vụ đã chấp thuận đề nghị của Ban Vận động.
Tôi và TS. Trần Thị Thanh Thanh tiếp tục vào TPHCM gặp gỡ những người tâm huyết với công tác trẻ em và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng.
Tiếp đó, chúng tôi trình kế hoạch tiến hành Đại hội lần thứ nhất và được hai cơ quan là Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đồng ý.
Đại hội được rất nhiều lãnh đạo ủng hộ như bà Nguyễn Thị Kim Ngân khi đó đang giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng,… đã đến phát biểu động viên, ủng hộ kinh phí, khích lệ những người tự nguyện làm công tác bảo vệ Quyền Trẻ em.
Giọt nước mắt xúc động của người cha nhận tấm giấy khai sinh cho con nhờ sự hỗ trợ của Hội BVQTEVN
Được biết, bà đã có nhiều năm kinh nghiệm với công tác tư vấn và hỗ trợ pháp lý trong nhiều vụ việc trẻ bị vi phạm quyền. Vậy thưa bà, bà có thể chia sẻ cụ thể về một vụ việc khó quên bà đã từng giúp đỡ để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp ích hợp pháp của em nhỏ? Có câu chuyện về trường hợp các em nhỏ được Hội BVQTEVN hỗ trợ, sau nhiều năm bà gặp lại các em? Cuộc sống của các em sau khi được hỗ trợ đã thay đổi ra sao?
Bà Ninh Thị Hồng: Tôi có 13 năm công tác tại Hội BVQTEVN, phụ trách mảng tham vấn pháp luật, chính sách, bảo vệ Quyền Trẻ em và cũng là người phát ngôn của Hội về những vụ việc vi phạm Quyền Trẻ em. Trong quãng thời gian làm việc tại Hội BVQTEVN, tôi có rất nhiều kỷ niệm đặc biệt.
Trong hai năm đảm nhận cương vị Phó Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hàng ngày tiếp xúc với những đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân và công dân, lúc đó tôi thấy mảng trẻ em rất ít đơn thư gửi đến. Tôi cho rằng, có thể những đơn thư ở địa phương và mọi người không biết để gửi tới Bộ.
Khi tôi đã về hưu và tham gia công việc tại Hội BVQTEVN, tôi nghĩ mảng tư vấn và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân chắc cũng không nhiều, tôi sẽ làm tốt mảng truyền thông ngăn ngừa.
Không ngờ, tôi nhận được lá đơn của một ông bố sống tại phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội trình bày vấn đề, ông và một người phụ nữ chưa đăng ký kết hôn đã nảy sinh quan hệ tình cảm và có một người con chung. Khi sinh em bé, người mẹ có liên hệ với ông và mang em bé mới được 2 tháng giao cho ông và bỏ đi, người mẹ cầm theo giấy chứng sinh.
Người bố đã cùng bà nội nuôi em bé. Cho đến khi bé chuẩn bị đi học, ông bố tới xin học, nhà trường yêu cầu giấy khai sinh nhưng em bé lại không có. Phường yêu cầu ông cần có giấy chứng sinh hoặc giấy đăng kí kết hôn mới có thể làm giấy khai sinh cho con.
Người bố lại lặn lội tới bệnh viện xin cấp giấy chứng sinh cho cậu con trai, bệnh viện đã trả lời giấy chứng sinh chỉ cấp duy nhất một lần và chỉ cấp cho bà mẹ. Khi cháu bé sắp đi học, ông bố không biết phải làm thế nào đã gửi đơn tới Hội BVQTEVN.
Tôi đã tư vấn cho ông bố, nếu không có giấy chứng sinh, ông cần giám định ADN và lấy kết quả mang tới Tòa án nhân dân cấp quận, huyện để yêu cầu xác nhận mối quan hệ cha con. Khi có giấy xác nhận, ông bố mang tới Ủy ban nhân dân cấp xã phường để được cấp giấy khai sinh.
Bên cạnh đó, tôi cũng gửi công văn cho Ủy ban nhân dân phường về trường hợp của ông bố, đề cập nội dung chúng tôi đã tư vấn như vậy, đề nghị Ủy ban Nhân dân cấp phường, xã cấp giấy khai sinh cho cháu bé để cháu được đi học.
Sau một thời gian, ông bố cùng bà nội đã dắt theo cháu bé tới Hội để cảm ơn. Cả bà nội cùng người bố đã rơi nước mắt vì sau nhiều năm đi khắp nơi chưa có ai hướng dẫn đúng cách, cuối cùng cháu bé đã làm được giấy khai sinh và được đi học. Từ đó tôi đã nhận ra, có nhiều việc mình có thể làm và công tác bảo vệ quyền trẻ em còn nhiều việc cần làm.
Điểm lại những dấu mốc của BVQTEVN trong những năm qua không thể không kể đến chương trình “Thắp sáng những ước mơ”, giúp đỡ những trẻ em kém may mắn, hiếu học. Hội đã trợ giúp rất nhiều em nhỏ. Có những năm Hội đã giúp trên 1.000 em có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập.
Đặc biệt có những em để lại ấn tượng sâu sắc đó là những em bị không có cả hai tay nhưng các em vẫn luôn cố gắng trong cuộc sống và trong học tập. Trong đó tại Thanh Hóa có em Lê Thị Thắm, khi Hội biết em không có cả hai tay nhưng em học rất giỏi. Hội đã mời em về Hà Nội dự chương trình “Thắp sáng những ước mơ” để các em nhỏ khác biết trân trọng và luôn cố gắng trong cuộc sống.
Khi đó, em Thắm có bày tỏ mong muốn ước mong được có một chiếc máy vi tính để em học và trở thành một cô giáo dạy Tiếng Anh. Hội đã vận động và có một nhà tài trợ tặng em Thắm một chiếc máy tính, bên cạnh đó, một nhà tài trợ giúp em Thắm chi phí học tập hàng tháng. Trong suốt quá trình đó, hàng năm, Hội đã giúp đỡ hai mẹ con em. Sau khi học hết THPT, em Thắm đã thi đỗ vào Đại học Hồng Bàng.
Chúng tôi đã giúp đỡ trong suốt quá trình và đưa em tới dự những chương trình “Thắp sáng những ước mơ” tại Đà Nẵng, TPHCM để làm tấm gương cho những em nhỏ khác. Sau khi ra trường, em Thắm đã trở thành một giáo viên dạy Tiếng Anh. Không chỉ có trường hợp của em Thắm mà còn nhiều em nhỏ khác cũng không có hai tay nhưng vẫn vươn lên làm chủ cuộc sống như em Nguyễn Tiến Anh ở Bắc Giang, em Hồ Hiếu Hạnh ở Đồng Nai,…
Hàng năm, Hội cũng đã tài trợ nhiều suất học bổng và đã có rất nhiều em trưởng thành. Khi tôi gặp lại, các em đã thành công, gia đình các em nói rằng, sự hỗ trợ của Hội BVQTEVN đã là điểm tựa tinh thần giúp các em có nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Hội BVQTEVN cần tiếp tục phát huy là một tổ chức xã hội tin cậy, minh bạch, làm việc hiệu quả
Thưa bà, theo kinh nghiệm của bà, Hội BVQTEVN cần làm gì để nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền về pháp luật cho trẻ em?
Bà Ninh Thị Hồng: Hội BVQTEVN đã có nhiều mô hình truyền thông giáo dục về pháp luật cho trẻ em. Đặc biệt, một số tổ chức quốc tế có ngân sách đã hỗ trợ Hội thực hiện những clip giáo dục pháp luật cho trẻ em và đem lại hiệu quả cao.
Ví dụ, đối với các em học sinh, có thể chia sẻ khoảng 10 phút rồi sau đó trình chiếu clip và dành thời gian để cho các em hỏi những vấn đề còn băn khoăn là các em có thể dễ dàng hiểu được.
Hình thức tuyên truyền của Hội là những clip ngắn và Hội phải vận động những nguồn tài trợ và cần chứng minh có năng lực thực hiện cũng như làm việc hiệu quả từ đó các nhà tài trợ sẽ hỗ trợ để Hội làm tốt công tác truyền thông.
Bên cạnh đó, cũng có một số mô hình truyền thông có hiệu quả như “Phiên tòa giả định” của Chi hội Luật sư TPHCM đã làm rất tốt. Hội BVQTEVN chỉ đạo những phòng ngừa đối với học sinh, các luật sư đóng vai trong một phiên tòa với những tình huống như trẻ em bị bạo lực học đường, trẻ em bị xâm hại,... và cùng các em trao đổi, trả lời chỉ trong một giờ đồng hồ mà hàng nghìn trẻ em có thể được nghe.
Đối với Hội BVQTEVN, tôi thấy rằng, qua nhiều năm làm việc có thể đúc rút được những kinh nghiệm, cần làm truyền thông, tư vấn như thế nào để ngăn ngừa trẻ em bị xâm phạm quyền và công cụ nào hiệu quả để thực hiện công tác bảo vệ quyền trẻ em đạt hiệu quả nhất.
Theo bà, Hội BVQTEVN cần có giải pháp gì để huy động hiệu quả hơn nữa sự chung tay của cộng đồng trong việc thực hiện quyền trẻ em?
Bà Ninh Thị Hồng: Theo tôi, trước tiên Hội BVQTEVN cần tiếp tục phát huy là một tổ chức xã hội tin cậy, minh bạch, làm việc hiệu quả, từ đó sẽ huy động được các nhà tài trợ đồng hành, hỗ trợ các hoạt động của Hội. Tiếp theo, các hoạt động thiết thực được lan tỏa sẽ thu hút nhiều hội viên tham gia vào Hội.
Cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm, mũi nhọn để phát huy tiếng nói của Hội, tránh thực hiện công việc một cách dàn trải. Khi lên tiếng về các vụ việc cần tìm ra nguyên nhân, đưa ra biện pháp phòng ngừa để hạn chế xảy ra những vụ việc tương tự.
Bên cạnh đó, cần thu hút đội ngũ chuyên gia ở nhiều lĩnh vực tâm huyết, có kỹ năng về chuyên môn để tư vấn pháp luật hoặc phản biện xã hội. Từ đó, nâng cao vị thế của Hội với các cơ quan Nhà nước, cơ quan chức năng.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất