15:32 21/09/2022

Nhiều địa phương quy định chi tiết các khoản được thu

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam An Nhiên (t/h)

Đầu năm học, với mong muốn ngăn chặn tình trạng lạm thu, nhiều địa phương quy định chi tiết khoản nào được thu và thu bao nhiêu.

Đồng Nai: “Siết” quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh

Trong hướng dẫn thực hiện các khoản thu và chính sách với người học trong nhà trường (năm học 2022-2023), Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai quy định, kinh phí hoạt động của ban đại diện phải thực hiện nghiêm túc theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành tháng 11-2021 về Điều lệ hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh.

dong-nai
Quy định học phí (đơn vị tính là VNĐ) với các trường mầm non và phổ thông công lập theo Nghị quyết của HĐND tỉnh

Kinh phí hoạt động ban đại diện lớp hình thành từ sự đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh và các nguồn tài trợ khác nếu có. Kinh phí hoạt động của ban đại diện trường phải được trích từ ban đại diện lớp. Đặc biệt, ban đại diện không được tự ấn định mức thu cụ thể để bắt cha mẹ học sinh phải đóng góp, gây khó khăn và áp lực với những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ quy định các nguồn thu hình thành quỹ, hướng dẫn của Sở GD-ĐT còn quy định rõ việc sử dụng nguồn quỹ ban đại diện. Theo đó, trưởng ban đại diện phải có sự thống nhất với hiệu trưởng nhà trường về kinh phí đã được ủng hộ, tài trợ, đồng thời chỉ được sử dụng khi toàn thể ban đại diện và ban giám hiệu nhà trường thống nhất kế hoạch chi. Việc thu chi từ nguồn quỹ phải đảm bảo công khai, dân chủ, sau khi sử dụng xong phải tiến hành quyết toán công khai với các thành viên trong ban đại diện và phụ huynh.

Để hạn chế việc lạm dụng thu và chi quỹ của ban đại diện, Sở GD-ĐT quy định rõ, ban đại diện không được quyên góp của người học, gia đình người học những khoản thu không phục vụ hoạt động trực tiếp của ban đại diện, trong đó có những khoản cụ thể như: đảm bảo an ninh, bảo vệ cơ sở vật chất của trường, trông coi phương tiện của học sinh. Bên cạnh đó, còn có các khoản khác như: vệ sinh trường lớp, khen thưởng giáo viên, mua sắm các trang thiết bị đồ dùng dạy và học cho nhà trường, hoặc cho giáo viên, sửa chữa, xây mới trường lớp…

Đầu năm học này, UBND TP.Hải Phòng đã quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho khối trường công lập.

Hải Phòng quy định các khoản thu theo định kỳ gồm: Mua sắm thiết bị phục vụ bán trú; học và thi nghề phổ thông; nước uống.

Các khoản thu theo tháng như: tiền ăn, hỗ trợ người nấu ăn; chăm sóc bán trú; quản lý trẻ/ học sinh ngoài giờ hành chính; trông ngày thứ 7, dạy học 2 buổi/ ngày…

Nghị quyết 02 quy định danh mục các khoản nhà trường được phép thu gồm: Tổ chức bán trú, trong đó tiền ăn đã bao gồm chất đốt là 30.000 đồng/ngày đối với tiểu học, mầm non; 35.000 đồng/ngày đối với học sinh THCS – THPT.

Khoản tiền mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú, trong đó có khoản mua sắm vật dụng dùng chung và đồ dùng cá nhân, nếu trẻ mới tuyển hoặc trang bị lần đầu sẽ đóng 360.000 đồng. Các năm học tiếp theo chỉ đóng 200.000 đồng.

Người chăm sóc bán trú 150.000 đồng/trẻ/tháng.

Quản lý học sinh ngoài giờ hành chính đối với tiểu học, mầm non là 10.000 đồng/giờ. Dạy học thứ 7 cho trẻ mầm non nếu phụ huynh có nhu cầu có mức thu không quá 50.000 đồng/trẻ/ngày. Dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học có mức thu 30.000 đồng/học sinh/tháng.

Về phần học thêm, Hải Phòng cũng áp mức giá để các trường thu thống nhất, trong đó quy định học sinh thuộc quận học thêm toán tư duy, tin học, kỹ năng sống nộp 12.000 đồng/tiết; học sinh thuộc huyện nộp 10.000 đồng/ tiết. Học thêm tiếng nước ngoài với giáo viên người Việt Nam, học sinh tiểu học, THCS – THPT nộp 12.000 đồng/tiết; học sinh ở huyện nộp 10.000 đồng/tiết.

Trong khi đó, nếu học giáo viên nước ngoài sẽ có mức thu 35.40.000/tiết. Học sinh học thêm các môn văn hoá, trường cũng chỉ được phép thu từ 10 – 12.000 đồng/tiết. Nước uống 10.000 đồng/tháng. Trông xe đạp 30.000 đồng/tháng…

Theo đó, cơ sở giáo dục công lập chỉ được thực hiện thu đối với danh mục các khoản thu và mức thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục và đào tạo được quy định.

Các khoản dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tối đa không được vượt mức trần học phí được quy định tại Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Các khoản thu, mức thu phải phù hợp với tình hình thực tế của các cơ sở giáo dục, điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của cha mẹ học sinh; đảm bảo nguyên tắc thu, chi, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

Sở GD-ĐT Ninh Bình yêu cầu đối với mỗi khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục, các cơ sở giáo dục phải xây dựng dự toán thu, chi đồng thời tổ chức công khai, thống nhất và thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ HS làm căn cứ triển khai thực hiện. Cắt giảm tối đa các chi phí, tiết giảm các khoản thu dịch vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục chưa thực sự cấp bách và cần thiết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học. Phân kỳ các khoản thu hợp lý trong năm học để phù hợp với khả năng đóng nộp của HS và cha mẹ HS.

Phòng GD-ĐT có trách nhiệm tổng hợp các khoản thu đầu năm học báo cáo UBND các huyện, thành phố và sở GD-ĐT trước ngày 1/10. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc thực hiện các khoản thu chi năm học 2022 - 2023.

Sở GD-ĐT Nam Định cũng có hướng dẫn chi tiết các khoản thu và mức thu trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên, địa phương này cho thu khá nhiều khoản như tiền nước uống, dịch vụ vệ sinh lớp học, nhà vệ sinh…

Sở GD-ĐT Nam Định quy định các khoản thu dịch vụ như chăm sóc trẻ ngày thứ bảy và trong thời gian nghỉ hè, dạy kỹ năng sống trong trường mầm non và tiểu học. Dạy thêm, học thêm các môn văn hóa, tiền trả công thuê người nấu ăn bán trú dùng để thuê người nấu ăn, phục vụ nuôi ăn bán trú và các khoản đóng góp bảo hiểm theo quy định của pháp luật; tiền quản lý, chăm sóc trẻ buổi trưa ăn bán trú và ngoài giờ hành chính đối với trường mầm non và tiểu học; tiền đóng góp lần đầu tiên phục vụ nuôi ăn bán trú nhà trẻ, mẫu giáo và các cấp học mua mới, mua bổ sung do cơ sở giáo dục thỏa thuận với cha mẹ HS để quy định…

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận