"Nóng lạm thu" đầu năm học: Cần truy đến cùng trách nhiệm của hiệu trưởng
Nếu xác định việc thu quỹ đối chiếu theo các quy định của pháp luật là không đúng, gây phản ứng không tốt trong phụ huynh thì cần xác minh và xử lý nghiêm.
Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh bức xúc của phụ huynh về các khoản thu vô lý, chia đầu bình quân học sinh. Trong đó, có một số khoản thu tự nguyện với số tiền lớn, thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh để thực hiện. Qua đó, nhiều ý kiến cho rằng, khi để xảy ra tình trạng như vậy, liệu người đứng đầu nhà trường liệu có phải chịu trách nhiệm liên đới hay không? Nếu có thì trách nhiệm đến đâu.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có một số trao đổi với Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng- Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon để có thêm góc nhìn.
Phải truy tới cùng nếu có minh chứng việc lạm thu là do hiệu trưởng chỉ đạo
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, để làm rõ được trách nhiệm của hiệu trưởng đối với việc để xảy ra lạm thu các quỹ đầu năm học thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh, trước hết cần xác định rõ, trong các khoản thu đó thì hiệu trưởng nhà trường có vai trò như thế nào.
Bởi lẽ, khoản thu thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh chủ yếu là các khoản thu tự nguyện, nếu không xác định đúng thì rất dễ gây sự hiểu nhầm với lãnh đạo nhà trường, thậm chí có thể khiến phụ huynh phản ứng trái chiều.
Tiến sĩ Nhưỡng cho rằng: "Nếu có văn bản hoặc hình thức khác minh chứng cho thấy có mối quan hệ giữa hiệu trưởng nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc chỉ đạo thu các khoản dẫn đến tình trạng lạm thu thì khi ấy chúng ta mới đặt ra vấn đề liên quan đến trách nhiệm trong công tác quản lý của người đứng đầu nhà trường.
Cụ thể, nếu có minh chứng rằng các khoản thu tự nguyện có dấu hiệu thu quá, thu để sử dụng sai mục đích và ép phụ huynh phải nộp, có yếu tố xuất phát từ phía nhà trường chỉ đạo và thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản đó thì nhất quyết các cấp có quản lý phải truy tới cùng trách nhiệm và làm rõ việc, ai cho phép ban giám hiệu đề ra các khoản thu như vậy.
Ngược lại, trong trường hợp các khoản thu đấy là dựa trên sự thoả thuận giữa các phụ huynh với nhau, có thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh thì khi ấy chúng ta cũng chỉ đặt ra được câu chuyện là làm thế nào để tạo ra các cơ chế để kiểm soát các khoản thu đó, không để xảy ra tình trạng lạm thu và gây bức xúc cho phụ huynh".
Qua đó, Tiến sĩ Nhưỡng cũng nêu lên thực trạng đáng buồn, có nhiều địa phương vì quá bất bình với các khoản thu không phù hợp với vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh nên nhiều phụ huynh đề xuất xoá bỏ ban này trong các nhà trường.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, có một số nơi, ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động tốt, bảo vệ cho quyền lợi của học sinh, phụ huynh tại các trường học.
"Để ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động tốt theo đúng vai trò của mình, đặc biệt là khi thực hiện các khoản thu phục vụ cho các hoạt động trong nhà trường thì trước khi đưa ra các mức thu, ban này cần cùng với nhà trường để rà soát điều kiện cơ sở vật chất và những vấn đề chính sách.
Sau đó, dựa trên sự thống nhất với phụ huynh, ban này cùng với nhà trường để đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết xem trường hợp nào được thu, trường hợp nào được lập quỹ. Việc này có thể tránh được nguy cơ hội phụ huynh thu các quỹ trái quy định trong nhà trường.
Bên cạnh đó, nếu xác định việc thu quỹ, lập quỹ đó đối chiếu theo các quy định của pháp luật là không đúng, gây phản ứng không tốt trong phụ huynh thì cần xác minh và xử lý nghiêm để tạo ra tính giáo dục và hạn chế các trường hợp tương tự", Tiến sĩ Nhưỡng nêu quan điểm.
Ban Giám hiệu "thờ ơ" với các khoản thu gây bức xúc có thể truy trách nhiệm
Cũng liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhấn mạnh đến vai trò của ban giám hiệu, hiệu trưởng trong tất các các hoạt động trong nhà trường.
Với các khoản thu được quy định là chỉ được thu trên nguyên tắc “tự nguyện” nhưng khi ban đại diện phụ huynh triển khai có nơi lại cố tình áp đặt mức thu bình quân chứ không căn cứ vào khả năng đóng góp của từng phụ huynh có trái các quy định liên quan?
Về việc này, Luật sư Long cho biết, tại điểm c, d khoản 2 điều 8; điểm a, b khoản 1 điều 10; điểm a, b khoản 2 điều 10; khoản 3 điều 10 và điểm a, b khoản 4 điều 10 của Thông tư 55/2011/TT-BGDDT đã có các quy định cụ thể.
Qua đó, ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện việc quyên góp của người học hoặc gia đình người học phải dựa theo nguyên tắc tự nguyện. Đối với những khoản thu tự nguyện này đã được thông qua trong buổi họp phụ huynh về mức thu và mục đích thu, nếu đạt được sự ủng hộ của đa số các phụ huynh thì mới được tiến hành thực hiện.
Trong quá trình thực hiện việc thu các khoản tự nguyện, ban đại diện cha mẹ học sinh thường nhờ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm chủ động thu hộ. Những người này sẽ có trách nhiệm thu đúng theo mức đóng góp mà đã được thông qua tại buổi họp phụ huynh.
Đối với các tổ chức, cá nhân dựa vào chức vụ của mình có hành vi cố ý nâng mức thu, bắt ép người khác nộp một khoản tiền mà không đúng với sự tự nguyện của họ nhằm mục đích nhằm chiếm đoạt số tiền thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 355 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Phóng viên cũng nêu lên vấn đề, nếu các khoản thu là tự nguyện nhưng lại được thu theo kiểu áp đặt, phụ huynh không có khả năng đóng góp nhưng vẫn bị ép phải nộp thì phụ huynh đó có thể khởi kiện lại tổ chức đứng ra thu hay không? Với mức bao nhiêu thì có thể khởi kiện?
Về việc này, Luật sư Long cho rằng, nguyên tắc của những khoản thu tự nguyện là sự tự nguyện của phụ huynh, học sinh đóng góp. Do đó, khi có hành vi bắt ép người khác phải thực hiện theo là trái quy định của pháp luật.
Trong trường hợp nếu thấy những hành vi trái quy định của pháp luật trên thì trước tiên các phụ huynh có thể khiếu nại lên Ban giám hiệu, phòng giáo dục, sở giáo dục, Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền quản lý đối với cơ sở giáo dục đó.
Trong trường hợp cơ sở giáo dục vẫn cố lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để bắt ép phụ huynh đóng góp những khoản trái với quy định và sử dụng số tiền đó vào những mục đích tư lợi thì có thể tố giác hành vi lên cơ quan công an. Đối với hành vi này có thể tổ chức/cá nhân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 355 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Như vậy, theo Khoản 1 Điều 355 đối với giá trị tài sản từ 2.000.000đ trở lên là đã có thể truy tố đối với hành vi này nếu có dấu hiệu tội phạm. Có trường hợp dưới 2.000.000đ cũng có thể truy tố hành vi nếu thỏa mãn điều kiện tại điểm a, b Khoản 1 Điều 355.
Luật sư Long cũng tư vấn thêm, các khoản thu tự nguyện là những khoản mà phải được thông qua trong buổi họp phụ huynh và không phải là khoản bắt buộc. Trong trường hợp các phụ huynh đều đồng tình với phương án thu và được công khai, minh bạch trong quá trình chi số tiền này, thì việc thu với mức bao nhiêu, cao hơn so với mặt bằng chung cũng không phải là vấn đề lớn.
Tuy nhiên, đối với việc thu những khoản tự nguyện không được thông qua tại buổi họp phụ huynh, và khoản thu đó bị phản ứng thì người đúng đầu nhà trường sẽ phải chịu một phần trách nhiệm.
Đối với trường hợp người đứng đầu nhà trường biết về việc thu này, chủ trương về việc thu những khoản này và có mục đích tư lợi cá nhân thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 355 Bộ luật hình sự năm 2015.
Đối với trường hợp cán bộ, nhân viên trong trường tự ý thu mà người đứng đầu nhà trường không biết thì sẽ khó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc thiếu trách nhiệm trong quản lý dẫn đến sự việc xảy ra có thể với hình thức kỉ luật, buộc thôi việc…tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Góp ý một số ý kiến để vai trò của ban đạn diện cha mẹ học sinh trở nên hiệu quả, thiết thực trong việc thực hiện việc thu các khoản thu đầu năm học, Luật sư Long cho biết: "Trước tiên, đối với những khoản tự nguyện trong nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh nên tổ chức cuộc họp toàn bộ các phụ huynh để lấy ý kiến.
Ngoài ra, cần đưa ra nhiều phương án lựa chọn để chọn ra những lựa chọn phù hợp theo số đông, để hầu hết các phụ huynh đều tự nguyện đóng góp những khoản này. Trong việc thu, chi những khoản đóng góp tự nguyện cũng cần phải công khai, minh bạch để các phụ huynh đều nắm rõ. Có như thế mới đảm bảo sự minh bạch, công bằng đối với các phụ huynh".
Theo Giáo dục Việt Nam
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất