12:46 05/01/2024

Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lọt top 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội năm 2023

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam

Ngày 27/12/2023, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức bình chọn 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2023. Trong đó, phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" cũng là 1 trong 10 vấn đề, sự kiện được các đại biểu tham dự bỏ phiếu thống nhất cao để lựa chọn.

1. Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần đầu tiên được tổ chức nhằm tạo môi trường, điều kiện để trẻ em có diễn đàn thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình.

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I- năm 2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tổ chức vào tháng 9/2023 với hai chủ đề “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”“Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”.

10 sự kiện tiêu biểu của quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà cho đại biểu trẻ em tham gia phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em". Ảnh: doanthanhnien.vn

Đây là một trong những sự kiện ấn tượng trong hoạt động Quốc hội Khóa XV và sẽ tiếp tục được tổ chức định kỳ nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em- thế hệ tương lai của đất nước vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em.

10 sự kiện tiêu biểu của quốc hội
Tại phiên họp giả định, các đại biểu trẻ em đóng vai lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan thuộc Chính phủ, đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Ảnh: doanthanhnien.vn

Kết thúc Phiên họp, các đại biểu trẻ em đã thông qua Nghị quyết Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I- năm 2023. Nghị quyết này được xem như một báo cáo kiến nghị của cử tri đặc biệt, là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan trẻ em.

2. Tổ chức thành công 05 kỳ họp (trong đó có 03 kỳ họp bất thường) 

Năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử 78 năm hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức số lượng Kỳ họp nhiều nhất trong một năm với 5 kỳ họp, trong đó có 03 Kỳ họp bất thường (lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ 4) để xem xét, quyết định kịp thời 84 vấn đề lớn, quan trọng, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần quan trọng ổn định và phát triển đất nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo tiền đề thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo.

Như vậy, các Kỳ họp “bất thường” đã trở thành “bình thường” nhằm đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của đời sống kinh tế, xã hội và nguyện vọng chính đáng của cử tri, Nhân dân cả nước.

3. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa được thông qua.

Việc chưa thông qua này để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp Quốc hội gần nhất.

Với 12 triệu lượt ý kiến góp ý của cử tri và thảo luận tại 3 kỳ họp của Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã thảo luận qua 2 kỳ họp của Quốc hội, song vẫn còn một số vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cao. Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội quyết định chưa thông qua 2 dự thảo Luật này.

4. Thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn thuế toàn cầu và quyết định chủ trương thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm nội luật hóa các cam kết quốc tế và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ có tính cấp thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm “giữ chân” và tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

5. Lần đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.

Ngày 6/9/2023, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất để triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV với sự tham dự của 2.400 đại biểu của khối Đảng, Nhà nước, cơ quan dân cử, hành chính - tư pháp và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đây là hoạt động chưa có tiền lệ, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Hội nghị đã tập trung đánh giá tình hình triển khai thi hành đối với 23 luật và 28 nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến kỳ họp thứ 5.

6. Tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, trong phạm vi cả nước.

Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung rà soát văn bản quy phạm pháp luật ở 22 lĩnh vực trọng tâm;

Kết quả rà soát 523 văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã khẳng định hệ thống pháp luật nói chung cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Số lượng văn bản và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều.

Các vấn đề bất cập trong các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước sẽ được sửa đổi kịp thời; các vấn đề bất cập cùng các luật sẽ đưa vào Kế hoạch xây dựng pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ này.

7. Hoạt động giám sát của Quốc hội được tăng cường với nhiều cải tiến, đổi mới.

Hoạt động giám sát của Quốc hội được tăng cường và đổi mới, ngày càng thể hiện tính linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề lớn, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện rõ triết lý hoạt động của Quốc hội là để kiến tạo phát triển, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao.

Lần đầu tiên, Quốc hội tổ chức thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và thảo luận Báo cáo kết quả giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, được dư luận xã hội, cử tri ghi nhận, đánh giá cao.

Quốc hội không chỉ thực hiện chuyên đề giám sát tối cao đối với những vấn đề đã thực hiện, có kết quả, mà còn giám sát các vấn đề đang được triển khai trên thực tiễn, như chuyên đề giám sát tối cao 03 chương trình mục tiêu quốc gia giúp Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện các Chương trình,...

8. Thông qua nhiều quyết sách quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. 

Nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện tại, đồng thời thể chế hóa những định hướng phát triển chiến lược của đất nước trong những năm tiếp theo, Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều quyết sách quan trọng như:

(1) Tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng;

(2) Cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế;

(3) thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh;

(4) Quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội;

(5) Sửa đổi, bổ sung căn bản các thủ tục, quy định về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam;

(6) Thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

(7) Tiếp tục cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù đầu tư 21 dự án đường bộ quan trọng quốc gia kết nối vùng và liên tỉnh;

(8) Yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ ngày 01/7/2024.

9. Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 thành công vượt bậc.

Đây là điểm nhấn nổi trội trong một năm ngoại giao nghị viện sôi động nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay.

Năm 2023 là năm thành công nổi bật của ngoại giao nghị viện, diễn ra sôi động, tích cực, đa dạng, toàn diện và hiệu quả trên các bình diện song phương và đa phương.

Điểm nhấn nổi bật nhất của năm 2023 là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.

Hội nghị với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thu hút sự tham gia của 500 đại biểu quốc tế và trong nước; lần đầu tiên thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị sau 9 kỳ tổ chức.

Đây cũng là lần đầu tiên Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu IPU có logo, bộ nhận diện riêng với ý nghĩa sâu sắc, thể hiện bản sắc nước chủ nhà Việt Nam, nêu cao tinh thần đoàn kết và sức trẻ.

10. Tổ chức thành công Giải Diên Hồng lần thứ nhất- năm 2023.

Triển khai Đề án đổi mới công tác truyền thông của Quốc hội Khóa XV được Đảng đoàn Quốc hội thông qua vào đầu năm 2023, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thành công Giải báo chí đầu tiên về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ nhất- năm 2023.

Mặc dù là lần tổ chức đầu tiên nhưng Giải Diên Hồng đã xác lập được ví thế, uy tín trong hệ thống Giải báo chí của nước ta và cộng đồng người làm báo. Giải đã thu hút sự tham gia của 178 cơ quan báo chí trong và ngoài nước, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, với 3.328 tác phẩm dự Giải.

Kết quả lần đầu tiên của Giải đã góp phần tôn vinh người làm báo, tạo sự gắn kết báo chí với cơ quan dân cử, đại biểu dân cử và góp phần củng cố, nâng cao vị thế, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong hệ thống chính trị, trong lòng cử tri và Nhân dân.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận