07:03 20/03/2023

Quyền của trẻ em là nghĩa vụ của người lớn

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam

Biết được quyền của trẻ nhỏ cũng đồng nghĩa với việc phải thuộc nằm lòng nghĩa vụ của người lớn đối với chúng.

Ngày 19/3, Hội LHPN TP Thủ Đức, TPHCM phối hợp cùng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM tổ chức phiên tòa giả định với chủ đề: “Phòng chống xâm hại trẻ em”.

Đây là một trong các hoạt động tuyên truyền pháp luật thường xuyên của Hội LHPN TP Thủ Đức nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên; đặc biệt là cho công nhân và người sinh sống tại các khu nhà trọ trên địa bàn TP Thủ Đức. Chương trình được tổ chức tại khu nhà trọ KP2, phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức.

phiên - phiên toà giả định
Phiên tòa giả định với chủ đề “Phòng chống xâm hại trẻ em” tổ chức tại khu nhà trọ KP2, phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức (Ảnh: Trần Linh).

Phiên tòa giả định xét xử vụ án giả định “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Nội dung vụ án được lấy từ các phiên tòa đã xét xử thực tế. Trong quá trình diễn án, các tình tiết, những thông tin liên quan đến nhân thân đều được thay đổi cho phù hợp với chương trình tuyên truyền pháp luật.

Nội dung vụ án xét xử giả định như sau: Trần Văn Hội là người cùng xóm, quen biết với gia đình bé Kim Anh (sinh năm 2017). Trong một lần bé Kim Anh qua nhà chơi, Hội đã có những hành vi dâm ô đối với bé. Sau đó, Hội cho bé 10.000 đồng kèm với lời đe dọa "không được cho ai biết".

Khi gia đình bé Kim Anh thấy những biểu hiện bất thường của bé, đã gặng hỏi và được bé kể lại những hành vi của Hội. Tại CQĐT, Hội thừa nhận toàn bộ hành vi đối với bé Kim Anh.

Biết cách tự bảo vệ và giúp ích cho xã hội

Đông đảo hội viên hội phụ nữ và các anh chị em công nhân trong nhiều khu nhà trọ trên địa bàn phường Tam Phú và TP Thủ Đức đã hào hứng tham dự phiên tòa giả định.

Thông qua đó, họ nắm bắt được đầy đủ quy định pháp luật, kiến thức và kỹ năng trong việc phòng chống bạo lực và xâm hại; biết cách bảo vệ bản thân, gia đình và giúp ích cho xã hội.

Bà NGUYỄN HẠNH THẢO, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Thủ Đức

Trần Văn Hội bị truy tố ra TAND thành phố Thủ Đức để xét xử về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Tại tòa, bị cáo đã thừa nhận, ăn năn đối với hành vi phạm tội của mình. HĐXX tuyên bị cáo Trần Văn Hội phạm tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, xử phạt bị cáo 2 năm 6 tháng tù.

Nhận định về vụ án, vị chủ tọa nói: Bị cáo đã lợi dụng mối quan hệ là láng giềng và sự non nớt của bị hại để thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi của bị cáo để lại tâm lý hoang mang lo sợ cho bị hại và gia đình của bị hại, ảnh hưởng đến việc phát triển bình thường về tâm sinh lý của bị hại nên cần nghiêm trị để đảm bảo công tác giáo dục riêng và ngăn ngừa chung trong xã hội.

đông đảo người tham dự
Đông đảo người tham dự chăm chú theo dõi phiên tòa giả định (Ảnh: Trần Linh).

Phiên tòa giả định nhận được sự quan tâm, chăm chú theo dõi của những người tham dự. Trong phần giao lưu, mọi người hào hứng trả lời câu hỏi do các vị luật sư đặt ra.

Có mặt từ rất sớm, bà Trần Thị Hằng (55 tuổi, chủ nhà trọ, ngụ KP1, phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức) cùng với một số người bạn đã có những bàn luận sôi nổi về phiên tòa giả định và đặc biệt là vấn đề liên quan đến phòng chống xâm hại trẻ em.

“Hình thức tuyên truyền như thế này rất hay, dễ hiểu. Về chủ đề chương trình thì rất thực tế. Nhiều khi vì mưu sinh mà nhiều người còn lơ là trong việc bảo vệ con trẻ lắm. Vợ chồng đi làm công nhân cả ngày, để con ở phòng trọ rồi tự ăn, tự chơi, hoặc là gửi hàng xóm xung quanh. Thành ra, mình phải luôn nhắc nhở đến các anh chị em; hoặc có thông tin gì mới về pháp luật, vụ việc báo chí đưa tin là mình lại phổ biến cho mọi người để góp phần phòng ngừa tội phạm” - bà Hằng nói.

Quyền của trẻ em là nghĩa vụ của người lớn

Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự chương trình phiên tòa giả định như thế này. Phiên tòa giải thích được nhiều vấn đề một cách dễ hiểu.

Về quyền trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016 thì tôi đã được biết qua các buổi tuyên truyền pháp luật, qua thông tin báo chí và Internet. Tôi luôn nhớ nằm lòng là trẻ em có 25 quyền và 4 nhóm quyền chính: Quyền được sống còn; Quyền được tham gia; Quyền được phát triển; Quyền được bảo vệ.

Biết được quyền của trẻ nhỏ cũng đồng nghĩa với việc phải thuộc nằm lòng nghĩa vụ của người lớn đối với chúng.

Bà TRẦN THỊ MÃO (60 tuổi, ngụ KP1, phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức)

Theo Trần Linh
Pháp luật TPHCM

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận