15:08 11/04/2023

Rà soát, chấn chỉnh hoạt động ngoại khóa

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam

Những vụ việc liên quan đến an toàn của học sinh trong các hoạt động ngoại khóa cùng với lùm xùm quanh khâu tổ chức hoạt động này ở một số trường phổ thông đặt ra vấn đề làm sao để phụ huynh an tâm cho con tham gia.

An toàn là tiêu chí quan trọng nhất

Hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm được quy định thành nội dung nằm trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Hoạt động này có thể được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường. Bộ GD-ĐT yêu cầu cần đảm bảo mục tiêu giáo dục và an toàn cho học sinh (HS). Đây cũng là yêu cầu của Sở GD-ĐT TPHCM hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch giáo dục hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp.

Hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng tại quận 1, TPHCM cho hay, để tổ chức cho HS hoạt động một ngày thì kế hoạch có khi phải được chuẩn bị trước một tháng. Tất cả phải được phòng GD-ĐT duyệt, thông qua.

Từ đó, nhà trường lên phương án, tìm đơn vị tổ chức có uy tín, mua bảo hiểm cho HS, phân công nhân sự để đảm bảo an toàn khi di chuyển, trải nghiệm và an toàn vệ sinh thực phẩm. "Hằng ngày HS chỉ học, ăn, nghỉ trưa, sinh hoạt tại trường và đến 21 giờ không có điện thoại gì thì mới phần nào yên tâm. Còn vào những ngày tổ chức cho HS tham gia các hoạt động ngoài nhà trường thì nỗi lo lắng và áp lực đảm bảo an toàn cho các con tăng hơn gấp nhiều lần", Hiệu trưởng này cho hay.

ngoai-khoa
Hoạt động trải nghiệm của học sinh Q.1 (TP.HCM) ở Thảo Cầm Viên (Ảnh: Phước Hải).

Còn bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết thông thường nhà trường sẽ tham khảo ít nhất từ 2 - 3 đơn vị tổ chức có uy tín, đưa ra yêu cầu, nội dung để các đơn vị này thiết kế lịch trình và các dịch vụ chi tiết.

Theo bà Trang, trường sẽ lựa chọn đơn vị có cách thức tổ chức an toàn cho HS từ ăn uống, di chuyển, phù hợp với mục tiêu giáo dục HS trong chuyến đi. Đặc biệt, trường chọn mức chi phí hợp lý nhất để mọi HS đều có thể tham gia.

Vào cuối tháng 3, trong hoạt động trải nghiệm HS 3 khối lớp của 2 trường tiểu học tại TP.Thủ Đức, một số HS có dấu hiệu đau bụng, phải vào bệnh viện thăm khám. Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức ngay lập tức yêu cầu ngừng kế hoạch tổ chức cho HS các khối lớp tiếp theo; đồng thời đề nghị nhà trường cùng đơn vị phối hợp tổ chức báo cáo, rà soát lại quy trình.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, cho biết nhà trường không được phép giao khoán và phải có ràng buộc trách nhiệm với đơn vị tổ chức. An toàn của HS phải đặt lên hàng đầu.

Đảm bảo tính thiết thực

Ông Vĩnh Nguyên cũng cho rằng việc xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm các nhà trường phải để phụ huynh thấy tin tưởng, đồng thuận cho con em tham gia. Phụ huynh phải thấy được con em mình thu được gì từ hoạt động trải nghiệm, giúp HS phát triển, bổ sung kỹ năng gì không phải chỉ là tổ chức đi chơi.

Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tại chi đội kiểm ngư số 2 Vùng 2 Hải quân
Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tại chi đội kiểm ngư số 2 Vùng 2 Hải quân (Ảnh: Phước Hải).

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ngoại khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc trong chương trình mới nên phải đảm bảo tính thiết thực, gắn với những mục tiêu, nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông; chú trọng công tác an toàn, hiệu quả trong quá trình tổ chức.

Theo Bích Thanh 
Thanh Niên 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận