21:06 23/03/2024

Sau nhiều tranh cãi, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường không thu tiền “giữ chỗ”

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lại Cường

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục không thu tiền “giữ chỗ” hay bất cứ khoản thu nào khác không đúng không đúng quy định, gây khó khăn, bức xúc cho học sinh, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành văn bản 809/SGDĐT-QLT, văn bản gửi Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường Trung học Phổ thông, trường Phổ thông có nhiều cấp học, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, thủ trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có liên kết giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học Phổ thông yêu cầu nghiêm túc thực hiện công tác tuyển sinh Mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2024-2025 trên địa bàn thành phố.

Trong văn bản, Sở Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, thời gian qua, Sở nhận được thông tin phản ánh về việc một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tổ chức công tác tuyển sinh năm học 2024-2025 khi Sở chưa ban hành văn bản hướng dẫn tuyển sinh; trong đó một số trường yêu cầu nộp tiền “giữ chỗ” hoặc thu hồ sơ của học sinh gây khó khăn, bức xúc cho cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.

Để tổ chức triển khai công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2024-2025 đảm bảo nghiêm túc, chính xác, công băng, khách quan, công khai, minh bạch và đúng quy chế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã; hiệu trưởng các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học; giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận, huyện, thị xã; thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp có liên kết giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 THPT năm học 2024-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu: "Các cơ sở giáo dục không thực hiện thu (giữ) hồ sơ của học sinh nếu học sinh không có nguyện vọng theo học tại trường; không được yêu cầu học sinh hoặc cha mẹ học sinh nộp tiền "giữ chỗ" hay bất cứ khoản thu nào khác không đúng không đúng quy định, gây khó khăn, bức xúc cho học sinh, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội".

Thời gian qua, Hà Nội xảy ra tình trạng nhiều trường tư yêu cầu phụ huynh nộp thêm phí ghi danh, phí nhập học nếu trúng tuyển. Đặc biệt, nhiều trường còn thu mức cao ngất ngưởng từ 8 - 25 triệu đồng. Nếu học sinh nhập học, trường sẽ khấu trừ vào các chi phí, còn nếu bỏ, phụ huynh có thể được nhận lại hoặc không tùy từng trường.

Quy định của ngành giáo dục không có khoản tiền này. Tuy nhiên, một số trường cho rằng, các trường tư hoạt động như doanh nghiệp, nên tự thỏa thuận với phụ huynh. Điều này nhằm hạn chế hồ sơ ảo và gắn trách nhiệm lựa chọn trường với các bậc phụ huynh.

Câu chuyện đóng phí “giữ chỗ” là vấn đề gây ra nhiều quan điểm trái chiều trong suốt thời gian dài.

Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội, số học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố tham gia xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2023 - 2024 khoảng 135.000 em (tăng 5.000 em so với năm học trước). Trong số các học sinh tốt nghiệp THCS, tỷ lệ chỉ tiêu đỗ vào lớp 10 các trường công lập năm nay khoảng 60%.  Như vậy, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tới đây tại Hà Nội dự kiến khoảng 81.000 em đỗ vào các trường công lập, còn lại 54.000 em không đỗ.

nh 1
Chính sách tài chính năm học 2024 - 2025 của Trường Song Ngữ Quốc Tế Hanoi Academy. Ảnh chụp màn hình

Chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam về khoản tiền gọi là "phí đặt cọc", Luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhận định:

Thứ nhất, Luật Giáo dục 2019, Nghị định 59/2014/NĐ-CP sửa đổi 69/2008/NĐ-CP Chính phủ quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường đều không có khoản nào có tên là “phí giữ chỗ”.

Với khoản được gọi là "phí giữ chỗ" này thực chất nó là một khoản tiền đặt cọc cho một giao dịch sẽ được thực hiện trong tương lai được quy định tại Bộ luật Dân sự chứ không phải là một khoản phí.

Tuy nhiên, giáo dục không phải là một giao dịch thuần túy. Do đó theo Luật sư Long, việc nhận cọc trong giáo dục là điều không thể xảy ra.

Có thể thấy, trong cuộc đua không ngừng để thu hút học sinh và tăng trưởng doanh thu, một số cơ sở giáo dục tư thục đã trở nên quá mức tham lam và thương mại hóa giáo dục.

Họ không chỉ xem giáo dục là một phương tiện để chia sẻ kiến thức và phát triển cá nhân mà còn là một cơ hội để kiếm lợi nhuận, bất kể phương tiện là gì.

Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của sự thương mại hóa này là việc thu tiền giữ chỗ, một hành động không chỉ thách thức tính công bằng mà còn làm méo mó quy định của nhà nước và làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Thậm chí có những trường đã quy định mức thu phí “giữ chỗ”, "đặt cọc", "phí ghi danh" lên đến cả chục triệu đồng.

Việc mỗi trường quy định một mức phí giữ chỗ càng làm cho bức tranh giáo dục thêm nhiễu loạn khi thương mại hóa quá mức. Sản phẩm giáo dục không phải việc “mua nhà”, “mua ô tô” mà phải đi đặt cọc.

cac-buoc-can-lam-sau-khi-trung-tuyen-lop-10-o-ha-noi[1]
Sẽ chỉ có 60% các em học sinh Hà Nội được vào các trường công lập. Ảnh minh họa: CTV

Trong khi một số gia đình có thể dễ dàng chi trả tiền giữ chỗ thì cũng không ít gia đình thu nhập thấp, đó có thể là một gánh nặng không thể chịu đựng được.

Do đó, các cơ sở giáo dục tư thục thu tiền giữ chỗ không chỉ đang tạo ra một bức tường tài chính, mà còn đang chia rẽ xã hội thành hai lớp: người có tiền và người không có tiền.

Thứ hai, việc thu tiền giữ chỗ làm mờ đi giá trị thực sự của giáo dục. Thay vì tập trung vào việc cung cấp một môi trường học tập chất lượng và thúc đẩy sự phát triển cá nhân của học sinh, các cơ sở giáo dục tư thục đang tập trung vào việc thu hút học sinh bằng cách nào đó. Họ coi giáo dục chỉ là một mặt hàng có thể bán được, không phải là một quyền lợi cơ bản của mọi cá nhân.

Thậm chí, các cơ sở giáo dục tư thục đã và đang muốn “nắm đằng chuôi” trong việc chọn lựa của các em học sinh.

Dù không phải là sớm vì đã xảy ra vài năm nay, tuy nhiên, trước khi bước vào năm học 2024 – 2025, Sở Giáo Dục và Đào tạo Hà Nội đã đưa ra một bước quyết định được phụ huynh học sinh và dư luận đồng tình đó là cấm thu phí giữ chỗ.

Điều này không chỉ là một biện pháp để bảo vệ tính công bằng và giá trị của giáo dục mà còn là một thông điệp rõ ràng về sự không chấp nhận được của sự thương mại hóa trong lĩnh vực này.

Cần phải khẳng định rằng trường tư thục là một loại hình trường học có vai trò quan trọng trong nền giáo dục Việt Nam, đáp ứng nhu cầu một bộ phận học sinh.

Điều này giúp đảm bảo quyền được học tập của học sinh, đặc biệt là những em có điều kiện nhưng không đủ điểm vào trường công lập hay một số trường hợp đặc biệt khác.

Để phát huy vai trò của trường tư thục trong tương lai, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các cơ quan quản lý giáo dục và phụ huynh chứ không phải đặt ra những khoản phí “ngoài luật” vì bất kỳ lý do gì.

Từ đầu năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông tin, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập là thi tuyển, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Môn thi thứ tư, nếu có, sẽ công bố vào cuối tháng 3 (lựa chọn theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học trong chương trình giáo dục THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT).

Tính đến ngày 23/3, cả nước có 30 tỉnh thành đã "chốt" số môn thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Hầu hết trong số đó đều thi 3 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ), chưa địa phương nào thi 4 môn.

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2023 - 2024 do Bộ GD&ĐT ban hành, các địa phương xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS trước ngày 30/6. Việc tuyển sinh các lớp đầu cấp hoàn thành trước ngày 31/7.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận