Thói quen sai lầm cần tránh khi chăm sóc trẻ bị cảm lạnh
Khi trẻ bệnh, phụ huynh thường có tâm lý chung là rất lo lắng và tìm đủ mọi cách với hy vọng con mình sẽ khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, một số sai lầm trong việc chăm sóc khiến tình trạng bệnh có thể trở nên nguy hiểm.
Theo TS.BS Trần Anh Tuấn- TK Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), những việc làm không đúng bao gồm:
- Khi con bị ho không cho ăn tôm, cua hay những loại động vật có vỏ cứng vì nghĩ rằng trẻ sẽ bị kích thích và ho nhiều hơn, thậm chí kiêng cả thịt bò, thịt gà.
Điều này hoàn toàn không chính xác, vì chỉ những trường hợp trẻ thật sự bị dị ứng mới cần phải kiêng ăn. Cha mẹ nên cho con ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo uống đủ nước.
- Không cho bé uống sữa khi bé bị ho có đờm, vì cho rằng điều này khiến con nôn ói.
Tuy nhiên, khi sữa vào trong dạ dày sữa sẽ bị vón cục lại nên sữa không phải là nguyên nhân khiến trẻ bị ho trào đờm và gây ói mửa.
Trong trường hợp này, cha mẹ nên chia các bữa ăn uống thành nhiều cữ nhỏ hơn tránh trào ngược thức ăn gây khó chịu cho trẻ.
- Vấn đề sử dụng thuốc:
- Lạm dụng kháng sinh: trẻ bị cảm lạnh thông thường thì không cần kháng sinh vì kháng sinh chỉ diệt được vi khuẩn. Dùng kháng sinh không đúng mục đích không mang lại hiệu quả mà thậm chí còn khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí là dị ứng ứng thuốc, vi khuẩn đề kháng kháng sinh.
- Lạm dụng Paracetamol: thuốc này chỉ sử dụng khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên. Việc dùng thuốc hạ sốt như thuốc cảm là không cần thiết, sẽ làm trẻ dễ toát mồ hôi và cảm lạnh hơn.
- Lạm dụng thuốc ho, sổ mũi: đây là những triệu chứng phổ biến khi trẻ bị cảm lạnh. Việc sử dụng thuốc ho, sổ mũi là cần thiết khi tình trạng này khiến trẻ khó chịu, biếng ăn, khó ngủ. Song, nhiều bậc phụ huynh lại có thói quen dùng thuốc của người lớn chia 4, chia 5, tự ước lượng theo tình trạng của chính mình mà không biết rằng thuốc không chỉ phụ thuộc vào cân nặng mà còn liên quan đến lứa tuổi. Có nhiều loại thuốc ho rất tốt cho người lớn nhưng chứa các hoạt chất có thể khiến trẻ bị ngộ độc. Vì vậy, khi sử dụng thuốc ho cho trẻ, cần lưu ý lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược, an toàn và phù hợp với độ tuổi.
Trong việc sử dụng thuốc các bậc phụ huynh cần lưu ý sử dụng theo đúng khuyến cáo của bác sĩ, không nên lạm dụng thuốc làm bệnh nặng hơn.
Trẻ bị cảm lạnh không chữa có thể bị biến chứng?
Cảm lạnh do Rhinovirus gây ra. Nếu được chăm sóc tốt, trẻ sẽ khỏi trong vòng 10-14 ngày. Tuy nhiên trong một số trường hợp cảm lạnh vẫn có thể dẫn đến các biến chứng.
Biến chứng thường gặp là:
- Viêm tai giữa, chảy mủ tai, viêm mũi xoang nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng rắc rối hơn ở nội sọ.
- Viêm phế quản, viêm phổi. Khoảng 20-25% trẻ bị cảm lạnh thông thường có khả năng diễn tiến thành viêm phổi.
- Khởi phát cơn hen nếu cảm lạnh xảy ra trên một bệnh nhi hen suyễn. Khoảng 80% trường hợp trẻ em lên cơn hen có nhiễm virus cảm lạnh.
Phòng ngừa cảm lạnh cho trẻ
Để phòng ngừa cảm lạnh trong thời gian này, chúng ta cần cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài và rửa tay để hạn chế bị nhiễm bệnh. Tránh tiếp xúc gần gũi, giữ khoảng cách với người khác, đặc biệt là người có các triệu chứng về hô hấp.
Cần giữ ấm cho trẻ một cách linh hoạt.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần cung cấp cho trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng. Đặc biệt, cần cho trẻ ăn các loại hoa quả bổ sung vitamin giúp tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật.
Tiêm ngừa cúm có lợi trong phòng ngừa cúm nhưng không thể phòng ngừa cảm lạnh. Thế giới hiện nay chưa sản xuất được vắc xin phòng chống bệnh cảm lạnh thông thường này.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất