Thực hư việc thi môn Ngữ Văn dưới hình thức trắc nghiệm?
Bộ GD&ĐT vừa có phản hồi liên quan tới thông tin việc kiểm tra, đánh giá và thi môn Ngữ Văn những năm tới sẽ là dạng thi trắc nghiệm.
Trả lời trên Dân Trí, lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, thông tin môn Ngữ văn sẽ thi bằng hình thức trắc nghiệm là không đúng.
Hiện Bộ GD&ĐT chưa có bất kỳ văn bản hướng dẫn nào nói rằng từ năm học tới sẽ kiểm tra, đánh giá đối với học sinh ở môn Ngữ văn bằng kết hợp cả hai hình thức trắc nghiệm và tự luận.
Vài ngày gần đây, trên một số diễn đàn giáo dục có thông tin về việc trong năm học sẽ đổi mới nội dung và cách thức thi môn Ngữ Văn ở trường phổ thông.
Theo đó, việc đổi mới thi môn Ngữ Văn sẽ thực hiện với học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Trong các đề thi, phần đọc hiểu sẽ có nhiều câu hỏi trắc nghiệm nhằm kiểm tra phần nhận biết, thông hiểu và có thêm 2 câu hỏi tự luận ở phần thông hiểu và vận dụng thấp.
Cùng đó, nếu như những năm học trước đây, cấu trúc đề kiểm tra và đề thi môn Ngữ văn thường có 4 điểm đọc hiểu và 6 điểm làm văn hoặc 3 điểm đọc hiểu, 7 điểm làm văn thì tới đây, cấu trúc điểm sẽ là 6 (đọc hiểu), 4 (viết).
Phần “làm văn” trước đây, bây giờ được gọi là phần “viết” sẽ là một bài văn hoàn chỉnh có thang điểm 4/10 điểm. Bài viết này, học sinh sẽ viết một bài văn trọn vẹn, tương ứng với thể loại, phương thức biểu đạt của phần kiến thức mà học sinh học ở chương trình và sách giáo khoa trên lớp chính khóa.
Trước đó, vào cuối tháng 7/2022, Bộ GD&ĐT đã phát đi văn bản hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị tăng cường hơn nữa việc phát huy tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập môn Ngữ văn; dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, thảo luận để rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mỹ.
Các nhà trường phải đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn. Thay vì để học sinh học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn, việc đánh giá môn Ngữ văn phải đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất