07:23 15/12/2022

Trả lời con qua quýt hoặc tùy tiện: Ba mẹ 'lỗ 3' thì con 'lỗ 7'

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Nguyễn Ngọc Anh

Là một người mẹ có con đang trong tuổi mẫu giáo, tôi nhận ra rằng, đối với những thắc mắc hay câu hỏi của trẻ, nếu ba mẹ trả lời con qua quýt cho xong hoặc trả lời tùy tiện, vớ đâu nói đó thì cả ba mẹ và con đều “lỗ”. Nhưng… ba mẹ “lỗ” 3 phần thì các con “lỗ” đến 7 phần.

Trẻ hỏi nhiều, có phiền không?

Câu trả lời là có. Phải thừa nhận rằng, từng có lúc (thậm chí rất nhiều lúc) vợ chồng tôi thấy phiền khi con hỏi luôn mồm:

- Mẹ ơi, sao mặt chú kia đen thế ạ? (Con xem trong một video, thấy có chú mặt (màu da) đen hơn người khác).

- Tại sao mình lại phải ăn hả mẹ?

- Sao con và các bạn phải đi học thế ạ?

- Sao xe máy đổ xăng mà xe đạp không cần đổ xăng?

- Sao tàu hỏa không đi ở đường này giống mình, giống ô tô, giống mấy xe kia hả bố?

Rất nhiều câu hỏi của con mỗi ngày.

Vợ chồng tôi luôn trả lời các câu hỏi của con. Nhưng đã có lúc từ thấy phiền, rồi đến cáu, cáu rồi gắt và chỉ trả lời đại khái, qua loa... cho xong. Cho đến khi con xem hoạt hình rồi nói ngay với mẹ: “Mẹ ơi, bạn Wolfoo cũng hỏi mẹ kìa nhưng không bị mắng gì cả”.

Câu nói của con khiến tôi “tỉnh”. Bình tâm suy nghĩ lại, tôi hiểu được rằng, thực ra nhu cầu được khám phá, tìm tòi cũng là không thể thiếu của trẻ (giống nhu cầu được chăm sóc, yêu thương).

Trẻ hỏi vì trẻ muốn biết. Con đang trong độ tuổi phát triển đa giác quan, trí não và các kỹ năng,… Ba mẹ mua sách nọ, đọc sách kia để giúp con phát triển. Vậy sao ba mẹ lại “kiệm công sức” hoặc cáu khi giải đáp thắc mắc của con?

mẹ và con gái
Bên con, chia sẻ và kiên nhẫn trả lời câu hỏi của con sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ (Ảnh minh họa: Parents.com).

Ba mẹ lỗ 3?

Phải sau một thời gian nỗ lực điều chỉnh, trải nghiệm,… rồi đúc kết, vợ chồng tôi mới nhận ra, chúng tôi từng rất “lỗ” chỉ vì trả lời con qua quýt và hời hợt:

Trượt mất thời điểm con muốn trò chuyện cùng ba mẹ

Tôi không hề nghĩ rằng, “trẻ con có biết gì đâu”. Tôi tin bọn trẻ dù vốn từ chưa nhiều, cách diễn đạt ý tứ hoặc thể hiện mong muốn bằng lời nói còn hạn chế, nhưng con vẫn cảm nhận được tất cả.

Đương nhiên, chúng sẽ dần dần chẳng muốn nói chuyện với ba mẹ hời hợt, vô tâm hoặc cáu gắt. Khi con mà không muốn nói chuyện với bố mẹ thì nhiều cánh cửa khép lại.

Lãng phí cơ hội mở rộng kiến thức cho chính mình

Ngay từ đầu, vợ chồng tôi đã quan điểm rằng, không nói với con điều gì mình không hiểu hoặc không chắc chắn. Chúng tôi thường tìm kiếm sự hỗ trợ thông tin từ nhiều nguồn, qua đó được mở mang thêm kiến thức.

Chẳng hạn, khi con hỏi: “Mẹ ơi, sao mặt chú kia đen thế ạ?”, vì không muốn con hiểu sai về bề ngoài của mỗi con người hoặc những người có bề ngoài không giống mình, ngoài việc tham khảo cách giải thích câu hỏi này trên các kênh, tôi còn phải nghe và tìm hiểu các thông tin của bài “Trái đất này là của chúng mình” để tạo thêm liên tưởng, giúp con tiện nắm bắt câu trả lời. Nhờ vậy sau hơn 30 năm tuổi đời, tôi mới biết năm sáng tác, hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của bài hát này.

Lãng phí cơ hội quan sát, lắng nghe và hiểu con

Con hỏi “Mẹ ơi, sao mặt chú kia đen thế ạ?” chứ không hỏi về cô chú mặt (da) trắng, vàng hay cô chú mặt (da) nâu dù trong đoạn con xem có đủ cả.

Mặc dù chưa hiểu rõ nguyên nhân sự chú ý này của con, nhưng nhờ quan sát con và trò chuyện với con về câu hỏi này, tôi có thêm “chủ đề” khác để “giải mã”.

Còn các con “lỗ” đến 7 phần

Mất cơ hội được tiếp nhận thông tin đúng, đủ, dẫn đến hiểu sai về sự vật/ hiện tượng/ câu chuyện.

Mang ấm ức trong lòng, lâu dần sẽ cáu, tức giận

Trẻ không cần biết nhiều hơn những gì chúng hỏi. Không cần trả lời phức tạp, dài dòng nhưng nhất định ba mẹ phải… trả lời. Nếu không, con sẽ “tưởng” ba mẹ không quan tâm, cứ nuôi ấm ức trong lòng.

Con có thể học theo cách trả lời tùy tiện từ ba mẹ

Khó tránh việc con sẽ học theo cách nói năng và cư xử của ba mẹ. Nên nếu ba mẹ “gieo” gì, khả năng rất cao là con sẽ nhận và “nuôi lớn” gấp nhiều lần thế.

Con dần không muốn nói chuyện cùng ba mẹ

Con mất đi cơ hội học hỏi, khám phá

Rõ ràng là thế, bởi ba mẹ có nghiêm túc trò chuyện, giải đáp, trả lời câu hỏi của con đâu mà con học hỏi?

Con bị hạn chế cơ hội hiểu và thông cảm với chính ba mẹ mình

Ba mẹ đừng xem nhẹ việc trả lời những câu hỏi của con, nhất là những câu như: “Sao ba mẹ không ở nhà với con mà lại đi làm”, “Sao mẹ lại chăm em bé nhiều thế mà không chơi cùng con”, “Sao nhà bạn kia có ô tô mà nhà mình chỉ có xe máy thế ạ,…

Bởi khi trả lời thỏa đáng, ba mẹ sẽ giúp con hiểu cho ba mẹ hơn nhiều và con cũng sẽ tự giác, tự lập vì biết lý do vì sao ba mẹ phải lao động, vì sao ba mẹ thế này mà không thể thế kia.

Con có thể tìm lời đáp ở kênh khác, nơi khác,… mà cả con và ba mẹ khó đảm bảo được chất lượng của thông tin

Nếu không được ba mẹ giải đáp hoặc thấy ba mẹ trả lời chưa thỏa đáng, con có thể tạm để chuyện này lắng xuống. Nhưng ba mẹ đừng chủ quan, bởi một lúc nào đó con sẽ hỏi người khác hoặc tìm hiểu bằng cách khác.

Chuyện này mang đến rủi ro nếu chất lượng thông tin không được đảm bảo.

Quan điểm của ba mẹ thế nào? Ba mẹ cùng chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam nhé.

Ghi theo chia sẻ của mẹ Thúy Trần (Hải Phòng)

Tôi nói là chuyên mục mới trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Chuyên mục là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận