Tranh cãi thu học phí qua app: Phụ huynh bức xúc, trường học nói gì?
Câu chuyện một số trường học tại Hà Nội sử dụng app (ứng dụng) độc quyền để thu học phí đang gây ra tranh cãi trái chiều với nhiều phụ huynh.
Tranh cãi trái chiều việc đóng học phí qua app
Theo ghi nhận của PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, phụ huynh P.M.T. cho biết, trường tiểu học con chị theo học thu học phí, tiền ăn, tiền bảo hiểm y tế qua app.
Phụ huynh thắc mắc tại sao nhà trường không thu qua tài khoản ngân hàng mà lại yêu cầu tải thêm app. Điều này khiến một số người thấy bất tiện, khó chịu.
“Quá bất cập, phụ huynh có tiền trong tài khoản ngân hàng thì từ đó chuyển luôn, sao lại phải chuyển từ tài khoản ngân hàng vào app rồi mới thanh toán”, người này nói.
Một phụ huynh khác cho biết, điều khiến họ cảm thấy không hài lòng là ứng dụng này phải khai khá nhiều thông tin cá nhân thì mới có thể sử dụng được. Trong khi thông tin cá nhân là vấn đề cần được bảo mật kỹ càng và phía đơn vị cung cấp app cũng không đưa ra cam kết gì về nội dung nói trên.
“Với những người không dùng điện thoại thông minh hoặc muốn hạn chế việc cung cấp thông tin cá nhân, liên kết tài khoản ngân hàng của mình với các bên thứ ba thì sao? Chẳng phải nhà trường cũng có một tài khoản ngân hàng, sao không để phụ huynh tiếp tục chuyển thẳng học phí vào đó mà lại bắt phụ huynh phải đăng ký cho phiền toái ra”, phụ huynh T.H.T. bày tỏ.
Có những trường hợp, trực nộp suốt cả tuần vẫn không nộp được với thông báo giao dịch không thành công, hệ thống tạm dừng để nâng cấp,…
Như trước kia, phụ huynh có thể sử dụng tài khoản cá nhân để chuyển học phí và cần ghi chú ở phần nội dung theo yêu cầu của nhà trường là được. Sự thay đổi trên khiến phụ huynh cảm thấy băn khoăn phải lập một tài khoản riêng, trong khi không có nhu cầu sử dụng.
Tuy nhiên, cũng có phụ huynh cho rằng, thanh toán trên app một, hai lần sẽ quen, chỉ cần chú ý thao tác một chút. Vị phụ huynh này phân tích, thu học phí qua ví điện tử có thể đóng bất cứ giờ nào trong ngày và không cần đến trường, không lo mất biên lai, tra soát thoải mái bất cứ tháng nào đã đóng, nhà trường đỡ tốn công thủ quỹ đếm tiền, cất giữ tiền, giảm bớt dùng tiền giấy (mất vệ sinh, trả tiền lẻ, phàn nàn tiền rách, chen lấn khi nộp tiền mặt...).
Phụ huynh N.T.T.T. lại đưa ra quan điểm, nếu lựa chọn đóng tiền qua app, không nên chỉ dùng một nền tảng. Bởi nếu làm như vậy, chúng ta vô tình trao cho họ thế độc quyền, tốt xấu gì cũng phải sử dụng, không có sự cạnh tranh về chất lượng.
Nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục nói gì?
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, bà Nguyễn Thị Quỳnh Như, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Xuân Trung - một trong số những đơn vị đang áp dụng thu học phí qua app cho biết, trường chọn hình thức thanh toán qua Viettel pay.
Theo bà Như, trước đây trường từng thu học phí bằng cách chuyển khoản thông thường qua VietinBank. Tuy nhiên, quá trình triển khai xuất hiện nhiều bất cập.
Khi nhận thấy một số trường đại học áp dụng việc thu học phí qua app, bà đề xuất với VietinBank nhưng thời điểm cách đây vài năm, ngân hàng này trả lời chưa thực hiện được.
Khi trường bắt đầu áp dụng thì các ngân hàng chưa có kết hợp với phần mềm Misa để tổ chức thu học phí, chỉ có duy nhất một đơn vị là Viettel pay làm được điều đó.
Ngày 29/6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2741/BGDĐT-KHTC về việc hướng dẫn thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhằm triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương quán triệt đến các cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Những bất cập từ cách chuyển khoản thông thường được bà Như chỉ ra, đó là rất nhiều phụ huynh chuyển khoản thừa tiền hoặc thiếu tiền.
“Có những phụ huynh được giảm tiền ăn bán trú nhưng vẫn nghe theo hàng xóm đóng đủ tiền ăn như con nhà người ta.
Hay thường xuyên xảy ra tình trạng, các em hỏi: “Cô ơi em chuyển thừa một số 0 bây giờ phải làm như thế nào". Việc nhầm lẫn của một, hai người còn dễ chuyển lại, nhưng hơn 2.000 người thì rất bất tiện”, bà Như nhấn mạnh.
Theo bà Như, những trường hợp này, bộ phận tài vụ sẽ mất thời gian rà soát lại nộp thừa bao nhiêu và trả lại bằng tiền mặt.
Bên cạnh những phụ huynh chuyển khoản nhầm thì có nhiều trường hợp tự động làm tròn lên, nghĩ rằng “cô giáo nhận được số dư sẽ phấn khởi”. Nhưng trên thực tế, nguyên tắc tài chính phải chuẩn đến từng con số.
“Vậy nên, khi kết hợp được với phần mềm Misa thì phụ huynh thanh toán học phí sẽ chuẩn xác như tiền điện, tiền nước, không lệch bất kì một đồng nào. Ứng dụng này còn có thể trả lại tiền thừa cho học sinh vào cuối năm học”, bà Như nói.
Một bất cập được bà Như chỉ ra, đó là, theo cách chuyển khoản trước đây, phải có sao kê nhà trường mới biết phụ huynh đã chuyển khoản hay chưa.
“Khi rà soát bạn nào đã đóng tiền, sao kê chỉ được ghi nhận theo giờ hành chính của ngân hàng. Những phụ huynh chuyển tiền buổi tối sẽ không có trong danh sách và lại nhận được thông báo nhắc nhở”, bà Như phân tích.
Chia sẻ thêm, bà Như cho hay, nếu phụ huynh nào không muốn dùng app thì “xin mời phụ huynh đến trường, nhà trường sẽ có hướng giải quyết”. Theo bà Như, thông tin này đã được quán triệt trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhưng trên thực tế, nhiều người không tham gia được cuộc họp này, thông tin có thể bỏ sót.
Hiện nay, nhà trường đang nghiên cứu phối hợp thêm việc đóng học phí với một số ngân hàng khác đã có sự kết hợp được với phần mềm Misa, dự kiến triển khai vào năm 2023.
PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam tiếp tục liên hệ với ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Khi PV đặt câu hỏi, ông đã nắm được thông tin chi tiết, cụ thể việc phụ huynh ở từng trường phản ánh, ông nói, về vấn đề này sẽ có thông tin sau. Ông Hữu cho hay, đã và đang rà soát, kiểm tra lại trên tinh thần quận Thanh Xuân tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh trong việc đóng học phí.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất