Trẻ có thể dậy thì sớm nếu cha mẹ cứ cho uống 4 loại nước này
Dậy thì sớm là mối lo lắng của bậc cha mẹ, bởi việc dậy thì sớm có thể làm ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện và ảnh hưởng tới tâm lý chung của trẻ.
Trung bình, các bé gái bắt đầu dậy thì vào khoảng 10-11 tuổi và kết thúc dậy thì vào khoảng 15-17 tuổi, các bé trai thường bắt đầu vào năm 11-12 tuổi và kết thúc vào khoảng 16-18 tuổi. Tuy nhiên hiện nay, có rất nhiều trẻ dậy thì sớm hơn độ tuổi trung bình.
Theo TS.BS Bùi Phương Thảo (Phó trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: "Vài năm gần đây, mỗi năm khoa tiếp nhận trên 350 trẻ đến khám và điều trị vì dậy thì sớm. Trong khi 10 năm trước thì con số này chỉ là 10 trẻ/năm".
Trẻ được coi là dậy thì sớm khi bắt đầu phát triển trước 8 tuổi đối với bé gái và 9 tuổi đối với bé trai. Nếu không được sớm phát hiện và điều trị, trẻ dậy thì sớm sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, thể chất, nhất là dẫn đến những lối sống lệch lạc.
Dậy thì sớm có thể bắt nguồn từ một bệnh lý bên trong cơ thể nhưng cũng có thể đến từ thói quen ăn uống, sinh hoạt không phù hợp. Dưới đây là những loại nước uống khiến trẻ có nguy cơ cao dậy thì sớm, đồng thời làm hạn chế phát triển chiều cao của bé mà bố mẹ cần kiểm soát kỹ.
Nước hoa quả đóng hộp
Nước ép trái cây tươi với vị ngọt và hương thơm hấp dẫn luôn được rất nhiều trẻ yêu thích, đồng thời chúng cũng cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất tốt cho sự phát triển về trí não và thể chất của bé.
Tuy nhiên, với các chai nước hoa quả đóng hộp thì ngược lại chúng rất nhiều chất tạo ngọt nhân tạo và chất bảo quản - để tăng thời hạn sử dụng, hương vị nhân tạo và phẩm màu. Tất cả những chất này đều khiến trẻ dễ tăng cân, béo phì hơn, tăng nguy cơ dậy thì sớm.
Nước tăng lực
Theo TS.BS Manny Alvarez (Trưởng bộ môn Sản phụ khoa và Khoa học sinh sản tại Trung tâm Y khoa, Đại học Hackensack Mỹ): Một lon nước tăng lực có chứa lượng caffeine cao gấp 3 - 5 lần một lon soda. Một số tác dụng phụ không mong muốn của nước tăng lực là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tăng huyết áp, lo âu, đau đầu và làm gián đoạn giấc ngủ.
Ngoài ra, trong thành phần của nước tăng lực có chứa nhiều đường và chất phụ gia khiến trẻ dễ bị tăng cân, béo phì và dẫn tới tình trạng dậy thì sớm.
Nước ngọt có gas
Nghiên cứu từ Viện dinh dưỡng trẻ em tại Đức cho thấy, nước ngọt có gas là một trong những thứ có khả năng kìm hãm sự phát triển của chiều cao của trẻ. Điều này là bởi hàm lượng đường trong thức uống này rất cao, nếu uống nhiều trong thời gian dài, năng lượng không tiêu thụ hết dẫn đến tích tụ thành lớp mỡ, khiến xương và cơ bắp yếu hơn bình thường.
Đồng quan điểm trên, các chuyên gia dinh dưỡng đến từ trường Y, Đại học Harvard Mỹ cũng đã khẳng định rằng trong nước ngọt có gas chứa nhiều đường sucrose, glucose, chúng đe dọa quá trình phát triển chiều cao của trẻ. Ngoài ra, trong thành phần của loại đồ uống này có chứa nhiều glycemic thường làm tăng mức insulin và tăng khả năng tiết các hormone sinh dục khiến thiếu nữ dậy thì sớm hơn.
Trẻ dưới 3 tuổi không nên uống trà
Theo Sohu, trẻ sơ sinh dưới 3 tuổi không nên uống trà bởi trà có chứa một lượng lớn axit tannic, có thể cản trở quá trình hấp thụ protein, khoáng chất, canxi, kẽm và sắt của cơ thể, khiến trẻ thiếu protein và khoáng chất, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển bình thường của chúng. Đặc biệt, caffeine trong trà là một chất kích thích mạnh và có thể gây ra chứng tăng động ở trẻ em.
Làm sao để giúp con không bị dậy thì sớm?
Theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chẩn đoán và can thiệp sớm có thể giúp đưa tốc độ tăng trưởng của trẻ trở lại nhịp điệu thích hợp. Do đó, phụ huynh cần chú ý quan sát trẻ. Khi thấy trẻ có biểu hiện dậy thì sớm bệnh lý như chiều cao tăng rất nhanh, ngực, vú, bộ phận sinh dục phát triển giống dậy thì trước thời điểm 8 tuổi của trẻ nữ và trước 9 tuổi đối với trẻ nam thì cha mẹ nên đưa bé đến khám ở bác sĩ nội tiết để được chẩn đoán và có hướng can thiệp kịp thời.
Ngoài ra, để ngăn ngừa trẻ dậy thì sớm cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp cho trẻ, thức ăn có lượng đạm vừa đủ; tăng cường ăn rau củ quả, trái cây; hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhiều chất béo và có hàm lượng đường cao, thực phẩm từ gia súc, gia cầm có sử dụng chất tăng trọng; tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm trái mùa.
Tổng hợp
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất