21:39 17/07/2022

Bảo vệ bí mật quyền thông tin cá nhân của trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Nguyễn Tuấn

Việc đưa thông tin trái phép về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em lên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội, không chỉ gây tổn hại đến tinh thần, danh dự của trẻ em, mà còn là hành vi vi phạm quy định pháp luật.

Từ trước đến nay, một số vi phạm pháp luật về quyền trẻ em nói chung, quyền bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em nói riêng vẫn diễn ra khá phổ biến. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cũng như các bậc phụ huynh, người giám hộ phải phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm này, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh, an toàn cho trẻ em.

Điều 21 Luật trẻ em năm 2016 quy định trẻ em có “Quyền bí mật đời sống riêng tư”, cụ thể: “1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; 2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư”.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về “Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, như “Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật”, theo khoản 2 Điều 54 Luật trẻ em.

Đưa thông tin trái phép về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em trên không gian mạng là vi phạm pháp luật
Đưa thông tin trái phép về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em trên không gian mạng là vi phạm pháp luật

Trong lĩnh vực báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Theo đó, Điều 15 của Thông tư quy định khá chi tiết những yêu cầu bắt buộc khi đăng, phát tin, bài, chương trình liên quan đến trẻ em.

Theo đó, Ðiều 15 của Thông tư này quy định: Báo in, báo hình, báo điện tử phải làm mờ hoặc che mặt trẻ em và bảo đảm thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi thông tin về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan.

Những công cụ pháp lý này đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng, chống thông tin xấu, độc liên quan đến trẻ em trên một số phương tiện báo chí, truyền thông đại chúng. Và phần lớn các cơ quan báo chí, truyền hình hiện này đều tuân thủ nghiêm túc quy định này.

Điều 29 Luật an ninh mạng số 24/2018/QH14 quy định: “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, cụ thể:

1. Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.

2. Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em.

4. Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.

5. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế, những hình ảnh hay thông tin về trẻ em có hành vi vi phạm pháp luật vẫn xuất hiện khá nhiều trên một số phương tiện thông tin đại chúng, không gian mạng với những “tít” bài giật gân, mang tính câu view, ….. Thậm chí, một số thông tin, bài viết còn nêu rõ danh tính cá nhân hoặc đưa hình ảnh (không xoá mờ mặt) một cách công khai.

Những việc làm này có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ em từng vi phạm pháp luật, nó có thể trở thành một “bản án suốt đời”, khiến các em bị cản trở, cảm thấy mặc cảm khi tái hoà nhập cộng đồng.

Nghiêm trọng hơn, nó cũng có thể là “mầm mống” tạo ra sự chống đối, “căn nguyên” của những hành vi phạm tội khác trong tương lai.

Thực tế này đang đặt ra những yêu cầu cao hơn với cơ quan chức năng và các bậc phụ huynh, người giám hộ, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những dấu hiệu vi phạm, đảm bảo các quy định pháp luật được thực hiện nghiêm. Đồng thời cũng giúp cho thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội phát triển lành mạnh và tạo môi trường an toàn cho trẻ em.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận