Trẻ em khóc - trẻ em cười
Tôi từng lặng người trước hình ảnh “trẻ khóc - trẻ cười” trước cổng một trường tiểu học. Một cậu bé khóc vì phải đi học, một cậu bé khác thì cười thèm thuồng nhìn các bạn được đi học.
Hôm ấy, trong khi một cậu bé nhất định không chịu vào lớp, cứ ôm cứng lấy mẹ mà khóc, còn người mẹ thì hết sức dỗ dành, thì cách đó không xa, một cậu bé đứng sát hàng rào, nhìn vào sân trường, nơi có các bạn đồng trang lứa đang chạy nhảy.
Ánh mắt của cậu bé hiện rõ sự thèm thuồng, trên môi thì lại nở nụ cười mơ ước. Một trạng thái tâm lý thật lạ.
Khi tiếng trống trường vang lên, cậu bé đang khóc chấp nhận đi qua cánh cổng quét sơn vàng cùng cô giáo. Cậu bé kia lấy mũ lưỡi trai trong túi quần ra, đội lên đầu, đạp xe đi. Bên hông cậu đeo cái túi giả da màu đen những người bán vé số thường dùng.
Tôi đã lặng người khi chứng kiến hình ảnh trái ngược ấy.
Vì vậy, ban đầu, lúc bắt tay vào viết bài này, tôi định nói về nỗi day dứt khi nhiều trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải chịu nhiều thiệt thòi, và sau đó kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ các em.
Nhưng rồi tôi sực nhớ, chúng ta đã có cả một bộ luật trẻ em và các quy định dưới luật. Quốc hội (khóa XIII) đã thông qua Luật Trẻ em vào ngày 5/4/2016; ngày 9/5/2017, Chính phủ có Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em.
Mặt khác, theo thống kê, hiện nay có đến 15 tổ chức có chức năng bảo vệ quyền lợi trẻ em, từ Trung ương đến tận xã phường, từ cơ quan nhà nước đến đoàn thể, tổ chức xã hội.
Cho nên, tôi nghĩ, những lời kêu gọi sẽ trở nên sáo rỗng, khi thực tế bày ra trước mắt có thể còn đáng ngại hơn.
Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có 200.971 trẻ em (dưới 16 tuổi), chiếm 34,59% so với tổng dân số, trong đó trẻ em trong các hộ gia đình nghèo là 27.678 em, cận nghèo là 46.177 em.
Trong tổng số 2.568 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mới có 1.818 em được hưởng chế độ bảo trợ xã hội thường xuyên hàng tháng tại cộng đồng theo quy định.
Không thể phủ nhận rằng, trong những năm qua, hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đã được quan tâm triển khai. Trong đó, 42 xã duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình bảo vệ trẻ em tại cộng đồng; 51 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.
Cơ chế phối hợp thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh được các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, kịp thời.
Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em giảm xuống 1,26%; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp đạt 100%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh đạt trên 99%.
Đặc biệt, sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em đang dần được quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ. Tỉnh đoàn duy trì hoạt động mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh và thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em huyện.
Thành viên Hội đồng trẻ em tỉnh được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; các cấp, các ngành thể hiện sự quan tâm, chăm lo và lắng nghe những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của trẻ em; kịp thời giải quyết, xử lý những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong công tác chăm sóc, giáo dục, hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện, hoàn thiện chính sách về trẻ em.
Hiện nay, bên cạnh sự phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ, chúng ta đang đối mặt với một số vấn đề như: Sự chênh lệch ngày càng tăng giữa thành thị và nông thôn, tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, ô nhiễm môi trường, tác động của dịch bệnh.
Những thách thức đối với sự phát triển của trẻ em cũng đa dạng, bao gồm: Xâm hại và lạm dụng trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trẻ em ngoài nhà trường; giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, sự tham gia của trẻ em nhất là các trẻ em thiệt thòi và có hoàn cảnh khó khăn.
Kết quả khảo sát mới nhất của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cho thấy, toàn tỉnh có tới 44.719 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó chủ yếu là trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, cận nghèo, với 40.177 em, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ (3.809 em), còn lại là các trường hợp trẻ em sống trong các hộ gia đình có cha mẹ ly hôn, các hộ gia đình có vấn đề xã hội (như nghiện ma túy, vi phạm pháp luật).
Vì vậy, hơn bao giờ hết, tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em nhằm bảo vệ trẻ em khỏi hàng loạt rủi ro là yêu cầu cấp thiết. Bao gồm việc đảm bảo mọi trẻ em có được môi trường gia đình thân thiện, tiếp cận các dịch vụ văn hóa-xã hội, được học hành và chăm sóc y tế, được bảo vệ khỏi bị bạo hành, lạm dụng và bóc lột.
Trước hết, trẻ em cần được an toàn, hay ít nhất là cảm thấy an toàn, tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình. Hiện nay, trong nhiều gia đình, bạo lực vẫn được sử dụng làm phương tiện để thiết lập “kỷ luật” hay “nền nếp”. Cần lên mạnh mẽ lên án và có sự vào cuộc quyết liệt để dần loại bỏ hành vi này.
Bởi tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bạo hành, bất kể bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi này và mọi hình thức bạo hành đều có thể gây hại cho trẻ em, giảm lòng tự trọng, sự tôn trọng nhân phẩm và cản trở sự phát triển của trẻ.
Để thúc đẩy và bảo đảm cuộc sống có chất lượng cho trẻ em dễ bị tổn thương, ngành chức năng, chính quyền địa phương và toàn xã hội cần thúc đẩy các hoạt động mà ở đó, trẻ em được đặt ở vị trí trung tâm trong phát triển kinh tế- xã hội thông qua việc đảm bảo rằng các chính sách và ngân sách lấy trẻ em làm trung tâm; tiếng nói, nhu cầu và quyền của trẻ em trở thành một phần không thể thiếu trong các chính sách, chương trình và quyết định công.
Và cuối cùng, tăng cường xã hội hóa công tác chăm sóc, bảo vệ, phát triển trẻ em để cải thiện đời sống của trẻ em nghèo và trẻ em có nguy cơ bị lạm dụng.
Tôi tin rằng, khi đó, nụ cười của cậu bé bán vé số không còn mang theo sự thèm thuồng, mơ ước nữa, mà rạng ngời hạnh phúc!
Theo Báo Kon Tum
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất