06:25 20/09/2024

CEO Motaro kể về hành trình khởi nghiệp thần tốc: Từ ngập trong nợ nần đến doanh nghiệp 11.000 điểm bán

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Phương Nhung - Kiều Minh

“Ký ức của năm đầu tiên khởi nghiệp đến giờ vẫn khiến tôi cảm thấy… sợ. Ngày giáp Tết, tôi suy sụp, không biết sẽ đi về đâu, không dám ngủ, cứ nhắm mắt lại trằn trọc, trăn trở làm thế nào trả hết công nợ cho đối tác. Tôi sợ mất niềm tin của những người đã tin tưởng mình”, ông Đào Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Motaro nhớ lại.

Bài viết này thuộc chuyên đề Khởi nghiệp ngành hàng Mẹ & Bé

Ngành hàng mẹ và bé là thị trường mang nhiều thách thức nhưng cũng tràn đầy cơ hội và tiềm năng cho các startup.

Xem thêm

Trong cuộc trò chuyện với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, ông Đào Anh Tuấn chia sẻ về hành trình khởi nghiệp đầy gian nan, thử thách trong ngành hàng mẹ - bé cùng nỗ lực chinh phục trẻ em Việt Nam và thị trường quốc tế của các dòng sản phẩm bỉm đến từ Motaro.

motaro title 2

Vốn xuất thân là một hướng dẫn viên du lịch kiêm ông bố bỉm sữa, việc dấn thân kinh doanh trong lĩnh vực mẹ và bé khá mới lạ với ông. Vậy trải nghiệm gì đã đưa ông đến quyết định đột phá này?

Ông Đào Anh Tuấn: Tôi chưa từng nghĩ bản thân sẽ khởi nghiệp với một doanh nghiệp tã bỉm trẻ em. Tuy nhiên, tôi tin vào nhân duyên và câu nói “nghề chọn người”. 

Trước đây, đam mê của tôi là làm trong ngành du lịch, đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Thời điểm đại dịch Covid-19 ập đến có thể coi là biến cố lớn khiến công việc của tôi “đóng băng”, trì trệ. Mang trên mình trách nhiệm làm chồng, làm cha với 2 con nhỏ, là trụ cột trong gia đình, tôi buộc phải tìm hướng đi mới.

Với em bé đầu tiên, do đặc thù công việc thường xuyên phải xa nhà, tôi gần như chưa bao giờ thay tã, bỉm cho con. Với bé thứ 2, mọi thứ trái ngược hoàn toàn. Thời gian cả nước giãn cách xã hội, công việc chính hàng ngày của tôi là chăm con, thay bỉm, pha sữa,... 

Có lẽ, tôi cũng như biết bao ông bố khác, lần đầu thay tã cho con bỡ ngỡ, lóng ngóng vô cùng…

Video lần đầu CEO kể: Từ ngập trong nợ nần đến CEO thương hiệu bỉm Việt 11.000 điểm bán

Đến bây giờ, bà xã thỉnh thoảng vẫn trêu: “Chủ tịch một Tập đoàn kinh doanh bỉm mà không biết thay bỉm cho con, vẫn thay bỉm ngược”. Trực tiếp chăm con, tôi nhận thấy một số hạn chế trong các sản phẩm mà gia đình mua về cho con dùng lúc bấy giờ. Đó là tình trạng thay xong bị mùi, hay bỉm dày gây bí, hăm cho bé. 

Lúc đó, tôi chỉ suy nghĩ đơn giản, muốn mang một sản phẩm tã, bỉm tốt nhất cho trẻ em. Nếu kinh doanh không thành công thì con mình vẫn dùng được (Cười).

Bên cạnh đó, đặc thù và lợi thế của ngành hàng tiêu dùng cho trẻ em là luôn thiết yếu, không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh như các ngành du lịch, dịch vụ...

Sau quá trình nghiên cứu sản phẩm và thị trường, tôi quyết tâm khởi nghiệp và thành lập Motaro - thương hiệu bỉm Việt Nam, chuyên kinh doanh, phân phối và xuất nhập khẩu các sản phẩm tã bỉm. 

Chỉ trong thời gian ngắn, Motaro đã xây dựng được chuỗi 11.000 điểm bán. Đây là điều không đơn giản với doanh nghiệp mới và “đi sau” với rất nhiều “ông lớn”. Bí quyết nào giúp Motaro làm được điều này? Và để đạt được điều đó, doanh nghiệp đã trải qua những khó khăn gì?

Ông Đào Anh Tuấn: Trải qua hành trình 5 năm xây dựng và phát triển, tôi nhận ra, doanh nghiệp mới, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp, cần có chiến lược ngách để đứng vững. 

Giai đoạn đầu thành lập, doanh nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn: Thứ nhất, đến từ kinh nghiệm, thứ 2 là vốn, tiếp theo là làm sao tạo dựng mối quan hệ với các đối tác và sự tin cậy của khách hàng để thương hiệu đi xa và nhanh. Chính vì vậy, Motaro luôn đặt quyền lợi của đối tác, khách hàng lên hàng đầu. Đây cũng là yếu tố tiên quyết và phương châm kinh doanh của tôi.

Nhớ lại thời gian đầu, tôi và đội ngũ của mình gần như sinh hoạt tại trụ sở công ty là một văn phòng nhỏ, mỗi ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng, dậy là tiếp tục làm việc ngay. 

Ký ức của năm đầu tiên khởi nghiệp đến giờ vẫn khiến tôi cảm thấy… sợ mỗi khi nhớ lại. Giáp Tết Nguyên đán, tôi suy sụp, không biết sẽ đi về đâu, không dám ngủ, cứ nhắm mắt lại trằn trọc, trăn trở làm thế nào trả hết công nợ cho đối tác. Tôi sợ mất niềm tin của những người đã tin tưởng mình.

30 Tết, khi mọi người đã về nhà sum họp cùng gia đình, tôi vẫn lang thang ngoài đường. Bởi thời điểm đó, tôi mới giải quyết xong công việc và trả hết công nợ cho khách hàng. Tôi mừng quá!

Khó khăn, áp lực ở thời kỳ đầu đã bao giờ khiến ông rơi nước mắt?

Ông Đào Anh Tuấn: Thú thực là tôi đã từng khóc. Thời điểm mùa dịch, ai cũng gặp rất nhiều khó khăn, áp lực bủa vây, tôi không biết chia sẻ với ai. Trước mắt là khoản nợ, đằng sau là gia đình, vợ con. Tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất là bước tiếp.

Mỗi quyết định sai lầm trong giai đoạn khởi nghiệp đều phải trả giá bằng tiền. Nhưng đôi khi, chính những điều đó sẽ cho ta bài học vô giá. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi cảm ơn những khó khăn đã giúp tôi trở nên bản lĩnh hơn. 

Đó cũng là lý do tôi lựa chọn Motaro (tên một anh hùng nhỏ tuổi trong truyện cổ tích Nhật Bản) là tên doanh nghiệp của mình. Tôi hy vọng các cộng sự cũng sẽ tin vào hành trình kiên định, nỗ lực vượt khó, bước tới thành công.

Trong phòng làm việc của mình, tôi để câu châm ngôn yêu thích: “Tương lai khóc hay cười phụ thuộc vào độ lười của quá khứ”.

Motaro

Thưa ông, để khởi nghiệp trong lĩnh vực tã bỉm và cụ thể trở thành nhà phân phối của Motaro, các startup cần số vốn bao nhiêu và có những yếu tố gì?

Ông Đào Anh Tuấn: Để trở thành nhà phân phối của Motaro, tiêu chí đầu tiên không phải là vốn, mà doanh nghiệp luôn ưu tiên những người yêu trẻ em, có trách nhiệm, đáng tin cậy. 

Các bạn có thể bắt đầu từ số vốn 200 - 300 triệu đồng, hay kể cả 0 đồng để làm cộng tác viên của Motaro, nhưng để có thể kiếm được khách hàng, những yếu tố trên mới là tiên quyết giúp các nhà phân phối của Motaro vận hành doanh nghiệp của mình. Startup có thể lãi hoặc lỗ, tiền có thể kiếm lại, nhưng niềm tin của khách hàng và đối tác chỉ có một lần, nếu mất là mất hết.

Việc mua hàng online dần trở thành thói quen của đa số khách hàng. Vậy doanh nghiệp đã phát triển hệ thống online song song với bán trực tiếp như thế nào?

Ông Đào Anh Tuấn: Đây là vấn đề mà bất cứ doanh nghiệp nào trong ngành tiêu dùng cần phải hướng tới và thay đổi. Theo số liệu tổng kết của chúng tôi, 40-50% doanh số các sản phẩm của Motaro đến từ bán hàng online trên nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc dung hoà và cân bằng giữa kinh doanh online và offline. 

Nếu so sánh, kinh doanh offline sẽ mất nhiều chi phí hơn, như tiền thuê mặt bằng, nhân sự,... và điều quan trọng là doanh nghiệp cần đảm bảo quyền lợi cho cả 2 thị phần. Để đảm bảo được điều này, Motaro có những dòng sản phẩm chuyên biệt dành riêng cho mỗi thị trường, mục tiêu phát triển đồng thời cả online lẫn offline.

Được biết, song song với hoạt động kinh doanh trong nước, Motaro đã và đang đẩy mạnh xuất khẩu các dòng sản phẩm ra nước ngoài. Ông có chia sẻ gì tới các startup Việt Nam mong muốn bước vào thị trường quốc tế?

Ông Đào Anh Tuấn: Tôi rất hiểu và đồng cảm với những khó khăn, rào cản và nỗi lo của các startup trong quá trình mới khởi nghiệp mong muốn bước chân vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn rằng, hãy cứ mạnh dạn, cứ bước, tự tin vào chất lượng sản phẩm của mình và thể hiện bản lĩnh của người Việt, thương hiệu Việt Nam.

motaro title 1

Sau 5 năm doanh nghiệp hình thành và phát triển, ở chặng đường hiện tại, mối quan tâm hàng đầu của ông trong điều hành doanh nghiệp là gì?

Ông Đào Anh Tuấn: Với sự phát triển nhanh về số lượng điểm bán, đến thời điểm hiện tại, khó khăn của Motaro không nằm ở câu chuyện về vốn nữa. Câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất là nhân sự. 

Trong hành trình khởi nghiệp của chúng tôi, có những nhân sự ở lại, nhưng có những nhân sự đã rời đi. Bởi ai rồi cũng phải lớn. Tôi tin rằng, quản trị con người luôn là thách thức với tất cả các doanh nghiệp ở bất cứ thời kỳ nào. 

Cảm nhận đầu tiên khi bước chân vào văn phòng Motaro có rất nhiều nhân viên trẻ ở thế hệ Gen Z. Lý do tại sao anh lựa chọn các bạn trẻ Gen Z trở thành cộng sự, những người đồng hành cùng doanh nghiệp của mình?

Ông Đào Anh Tuấn: Có thể nói, các bạn ấy mới chính là những người lựa chọn Motaro. Nhân sự trẻ có rất nhiều điểm khác biệt so với các thế hệ trước. Các bạn tràn đầy sự sáng tạo, nhiệt huyết và luôn tìm kiếm những môi trường năng động. Không sợ sai, chủ động trong công việc và dám nói, dám nghĩ, dám làm là những ưu điểm của nhân sự Gen Z nói chung và những người đồng hành của Motaro nói riêng. 

Làm thế nào để ông dung hoà được nhiều thế hệ trong một doanh nghiệp?

Ông Đào Anh Tuấn: Việc khác biệt giữa các thế hệ là vấn đề mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ gặp phải. Đối với Motaro, mỗi thế hệ đều có điểm mạnh và hạn chế nhất định. Để dung hòa được các thế hệ, các nhân sự ở Motaro đều ở đa dạng độ tuổi, là các bước chuyển tiếp giữa các thế hệ. 

Ví dụ như nhân sự tại doanh nghiệp hiện tại có rất nhiều các bạn Gen Z, tuy nhiên, khoảng cách độ tuổi giữa tôi với các bạn khá xa. Chính vì vậy, Motaro cũng có những nhân sự kế cận, là điểm giao thoa giữa tôi và Gen Z, thế hệ 9X chẳng hạn sẽ trở thành “cầu nối” quan trọng kết nối nhân sự trong công ty.

Trong một lần trò chuyện, ông từng chia sẻ, Motaro là doanh nghiệp “tắt đèn khá muộn”, nhiều nhân viên làm việc đến 9-10 giờ tối, sếp “đuổi khéo” cũng không về. Ông có thể chia sẻ bí quyết làm thế nào để quản trị và nhân sự có thể yêu công việc và doanh nghiệp đến vậy?

Ông Đào Anh Tuấn: Ngoài việc thoải mái về không gian, thời gian và môi trường làm việc, như đã chia sẻ ở trên, Motaro mong muốn các bạn coi công ty như gia đình của mình và ưu tiên tinh thần “làm bạn với nhân viên” lên hàng đầu. 

Công ty luôn mong muốn tạo ra môi trường làm việc thoải mái, giống như một gia đình lớn. Chính vì vậy, Motaro không quy định thời gian các bạn phải có mặt để chấm công hay “điểm danh” tại văn phòng, chỉ quan trọng hiệu quả và năng suất công việc. Ngoài ra, chúng tôi cũng có nguyên tắc không xưng hô “sếp” và “nhân viên” ở công ty hay nhân viên cũ, nhân viên mới, chỉ có “anh, chị, em” để tạo cảm giác gần gũi, không bị giới hạn bởi chức vụ.

Về chế độ đãi ngộ, phần lớn nhân viên tại Motaro đều được chia cổ phần theo thâm niên trong nghề, để các bạn cống hiến cho chính bản thân mình, không phải cống hiến cho bất cứ doanh nghiệp hay phải làm giàu cho một “ông chủ” nào cả.

Motaro
“Tôi chia cổ phần cho tất cả các cộng sự của mình”, ông Đào Anh Tuấn chia sẻ.

Bản thân ông thường đến văn phòng lúc mấy giờ và trở về nhà lúc mấy giờ?

Ông Đào Anh Tuấn: Tôi thường đến văn phòng vào lúc 8h30, muộn hơn các bạn một chút. Trong thời gian di chuyển, tôi vẫn tranh thủ set-up công việc cho các bạn và thường trở về nhà khi đã muộn, như hôm qua là 10h tối. Lúc đó, một số bạn nhân viên cũng mới đứng dậy đi về. 

Có lẽ tâm lý làm việc cho chính bản thân mình đã gia tăng hiệu suất công việc, giúp các bạn muốn gắn bó, cống hiến nhiều hơn. 

Trong quá trình áp dụng phương châm “làm bạn với nhân viên” vào quản lý nhân sự, đã bao giờ ông gặp phải những trường hợp “trớ trêu” như nhân viên nói xấu sếp chưa? Nếu có, ông phản ứng thế nào trong tình huống này?

Ông Đào Anh Tuấn: Không biết các sếp khác thế nào, nhưng tôi hoan nghênh nhân viên của mình nói xấu sếp. Nhờ các bạn, tôi mới nhìn nhận được bản thân còn thiếu sót gì trong quá trình vận hành doanh nghiệp hay xử lý công việc. Tôi trân trọng những lời nói thật, những suy nghĩ thật hơn là lời khen giả tạo. 

Một lần, có bạn nhân sự quên tắt máy tính, tôi về muộn và vô tình đọc được tin nhắn có nội dung chê tôi “ngu” của bạn trong nhóm chat riêng của nhân sự công ty. Có thể vì ngại nên bạn không chia sẻ thẳng với tôi, nhưng cũng nhờ lần vô tình đó mà tôi có thể suy nghĩ, nhìn nhận lại bản thân. Tôi nghĩ con người không ai hoàn hảo, tôi cũng không quan niệm “Mình là sếp, mình nói gì cũng đúng”, điều quan trọng không phải chúng ta mắc lỗi, mà chúng ta dám nhận lỗi, để thay đổi và trở nên tốt hơn.

z5792321174935_895fae310e

Các bạn trẻ trong thế hệ Gen Z đang trở thành các khách hàng và người dùng chính trên thị trường bỉm sữa. Thói quen tiêu dùng của Gen Z rất khác biệt so với các thế hệ trước. Để đón kịp xu hướng và tiếp cận nhiều hơn tới các đối tượng khách hàng này, Motaro đã thích ứng và sử dụng những cách thức gì?

Ông Đào Anh Tuấn: Đúng là như vậy! Khi chọn sản phẩm cho con, các thế hệ trước thường quan điểm “dùng được là được”, nhưng với các khách hàng Gen Z, các bạn cân nhắc nhiều hơn đến các yếu tố của sản phẩm như nhãn hàng, xuất xứ, công dụng,... thay vì giá thành. Chính vì vậy, Motaro đã và đang nghiên cứu, phát triển và sản xuất nhiều sản phẩm cao cấp, phù hợp với các đối tượng khách hàng này. 

Gen Z là thế hệ khách hàng nhiều ẩn số nhưng cũng đầy tiềm năng, đặc biệt các bạn có thói quen chi tiêu, các tiêu chí lựa chọn sản phẩm đều rất khác so với thế hệ trước. Chính vì vậy, nhân sự của Motaro ở cả 2 văn phòng phía Bắc & Nam chủ yếu cũng là các bạn Gen Z, vì Gen Z thì sẽ hiểu Gen Z rõ nhất, đây cũng là một trong những bí quyết giúp Motaro thấu hiểu và đến gần hơn với khách hàng.

Cuối cùng, ông có thể gửi lời chúc đến độc giả của Tạp chí Trẻ em Việt Nam, đặc biệt các startup Việt Nam trong lĩnh vực mẹ và bé?

Ông Đào Anh Tuấn: Motaro xin gửi lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc, bình an đến các em nhỏ, phụ huynh và độc giả của Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Chúc các startup luôn vững tâm, vững lòng, vượt mọi chông gai để chứng minh được bản lĩnh người Việt, thương hiệu Việt!

Trân trọng cảm ơn ông!

"Khởi nghiệp ngành hàng Mẹ & Bé" là chuyên đề đặc biệt do Tạp chí Trẻ em Việt Nam thực hiện. Những câu chuyện khởi nghiệp, kinh nghiệm hữu ích của các cá nhân, doanh nghiệp đang kinh doanh trong thị trường ngành hàng Mẹ & Bé tại Việt Nam cùng những nhận định về cơ hội, thách thức của thị trường sẽ được gửi tới quý độc giả. Đặc biệt, thông qua chuyên đề, chúng tôi ghi nhận ý kiến đóng góp của Quý độc giả nhằm xây dựng một cộng đồng kinh doanh có trách nhiệm với trẻ em.

Quý độc giả/doanh nghiệp đăng ký xuất hiện hình ảnh trong chuyên đề, vui lòng liên hệ: 0816.221166

Hà Nội, tháng 9/2024
Host: Phương Nhung
Nội dung - Video - Thiết kế: Kiều Minh

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận