08:48 12/08/2024

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tạo môi trường an toàn, lành mạnh, để trẻ em phát triển toàn diện

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Phạm Lan

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nhận định, hệ thống pháp luật của nước ta tuy khá đầy đủ, nhưng chưa hoàn thiện, có quy định chưa cụ thể, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe với những hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em.

Chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam về chủ đề "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em", bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khẳng định, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã đạt được nhiều kết quả tích cực và cần tiếp tục quan tâm, triển khai mạnh mẽ nhiều hoạt động trong thời gian tới.

1
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Ảnh: Lại Cường

Thưa bà, những năm qua, các cấp, ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể và nhân dân luôn quan tâm, đầu tư, chăm lo cho công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn xảy ra tình trạng trẻ bị bạo lực, xâm hại, tử vong do đuối nước,… Bà đánh giá thế nào về thực trạng công tác phòng ngừa, bảo vệ trẻ em trong bối cảnh hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Phải khẳng định, công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em ở nước ta được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật về công tác trẻ em. Vì vậy, những nhu cầu cơ bản của trẻ em đã được đáp ứng như trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường mẫu giáo đạt gần 100%, các chính sách hỗ trợ gạo, tiền ăn, ở cho học sinh ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn của vùng dân tộc miền núi, bãi ngang ven biển hải đảo, các trường phổ thông dân tộc bán trú.

Tuy nhiên, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng tôi nhận thấy còn một số tồn tại như: Tình hình xâm hại trẻ em vẫn diên biến phức tạp, năm 2023, phát hiện hơn 2.000 vụ xâm hại, tăng so với năm 2022 hơn 10%; Vấn đề bạo lực trong gia đình với trẻ em vẫn xảy ra, phổ biến là trừng phạt cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ; Vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cũng rất đáng lo ngại; Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở vùng sâu, vùng xa và trẻ thừa cân, béo phì ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn cao; Tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước đang ở mức cao trong khu vực Đông Nam Á.

Tình trạng trẻ em làm trái pháp luật, với các phương thức và thủ đoạn manh động vẫn xuất hiện. Hay vấn đề bạo lực học đường cũng là vấn đề đáng lo ngại. Gần đây nhất là vụ việc ở huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội), một nhóm học sinh đánh một em học sinh lớp 8, chỉ để giải quyết mâu thuẫn nhỏ của các em, nhưng có những hành vi mang tính vi phạm pháp luật như lột đồ, ép hút thuốc,…

Một vấn đề nữa được đặt ra là sức khỏe tâm thần của trẻ. Theo điều tra của Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, có tới 1/5 thanh, thiếu niên có vấn đề sức khỏe tâm thần ở dạng lo âu, căng thẳng, giảm chú ý, trong khi đó nhận thức về vấn đề này ở cha mẹ các em còn hạn chế, đa phần không coi đó là vấn đề tâm thần, cần điều trị, dịch vụ trợ giúp, tư vấn, điều trị còn ít và mức giá khá cao.

2
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình “Tết ấm cho em” tại Thanh Hóa.

Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn tới những bất cập nêu trên, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Nguyên nhân đầu tiên theo tôi là nhận thức chung của toàn xã hội về bảo vệ quyền trẻ em còn hạn chế. Như hiện tượng trừng phạt trẻ trong gia đình, nhiều bậc cha mẹ coi đó là biện pháp giáo dục, bởi tư tưởng yêu cho roi cho vọt, muốn dạy con phải dùng đến roi vọt…. Ngoài ra, cha mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng về dạy con, nhiều khi bất lực, hay lo âu, sợ hãi, dẫn đến trừng phạt con.

Sự thờ ơ, thiếu quan tâm của mọi người, coi việc ngược đãi, bạo lực trẻ là việc riêng của gia đình, nên không khai báo với cơ quan chức năng; Sự xuống cấp về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống của xã hội; Công tác truyền thông giáo dục, vận động xã hội, vận động gia đình, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân nói chung chưa được làm thường xuyên; Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường chủ yếu ở hình thức thông báo tình hình học tập, rèn luyện; Hệ thống pháp luật của nước ta tuy khá đầy đủ, nhưng chưa hoàn thiện, có quy định chưa cụ thể, những chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các chương trình, đề án… còn hạn chế; Hệ thống dịch vụ chưa phát triển rộng; Ngân sách đầu tư còn hạn chế.

3
Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) và hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ trao học bổng 'Thắp sáng những ước mơ' cho con thương binh, liệt sĩ, cháu của các chiến sĩ Điện Biên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Theo bà, chúng ta cần có những hành động, giải pháp nào để công tác chăm lo cho giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt hiệu quả cao hơn nữa?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Để thúc đẩy công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em, theo tôi:

1. Phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chương trình quốc gia vì trẻ em. Phải coi đây là nhiệm vụ được ưu tiên bố trí ngân sách và các vấn đề về trẻ em cần phải được lồng ghép trở thành một tiêu chí trong các mục tiêu về kinh tế, xã hội.

Tháng 12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, với nội dung rất đầy đủ và cụ thể. Theo tôi, phải tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trước hết là Chỉ thị số 28. 

2. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em.

3. Phải đẩy mạnh công tác truyền thông, truyền thông phải liên tục bằng nhiều hình thức, qua nhiều kênh, để làm sao công tác chăm lo cho giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em đến được với mỗi gia đình; Cần ứng dụng công nghệ số trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em để có cơ sở, dữ liệu, thống kê đúng thực tế thì mới có giải pháp phù hợp.

4. Xây dựng, phát triển các mô hình tốt trong bảo vệ quyền trẻ em. Kinh nghiệm cho thấy, cách tiếp cận bảo vệ, thực hiện quyền trẻ em dựa vào cộng đồng và từ mỗi gia đình sẽ có hiệu quả tốt hơn.

5. Cần có sự phối hợp giữa các tổ chức, của cơ quan, ban ngành trong việc bảo vệ trẻ em. Như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện tốt phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", tạo sự chuyển biến tích cực về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ và phúc lợi xã hội cho trẻ em, vận động bổ sung nguồn lực và công trình dành cho trẻ em; Tháng hành động vì trẻ em hàng năm được phát động từ Trung ương đến địa phương, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền các cấp.

4
Các đại biểu tham dự Diễn đàn các tổ chức xã hội về việc thực hiện quyền trẻ em do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức. Ảnh: Hương Giang

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam sẽ có những ưu tiên gì để góp phần thúc đẩy công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Với chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em đã lắng nghe, thu thập ý kiến của trẻ em để tham gia góp ý, tư vấn với các cơ quan nhà nước trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; Tham gia giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em; Phát biểu chính kiến và có kiến nghị với từng vụ việc cụ thể. Những vụ việc xử lý chưa đúng, chúng tôi tư vấn cho gia đình và gửi văn bản đến cơ quan chức năng.

Hiện nay, Hội đang triển khai chương trình hướng dẫn cha mẹ về phương pháp giáo dục tích cực, không sử dụng bạo lực đối với con trong gia đình. Chương trình sẽ góp phần quan trọng trong phòng chống bạo lực trẻ em và giúp trẻ em được phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Hội tiếp tục thực hiện các sự kiện để hỗ trợ trẻ em như chương trình “Thắp sáng những ước mơ”, kêu gọi cộng đồng xã hội hỗ trợ học bổng, hoặc vật phẩm cần thiết như xe đạp, máy tính,… Chương trình “Tết ấm cho em” hỗ trợ những trẻ khó khăn được đón Tết vui tươi, đầm ấm... Chúng tôi hy vọng cùng cơ quan chức năng đem đến cho các em những điều tốt nhất.

Là tổ chức xã hội về bảo vệ quyền trẻ em, bà muốn nhắn nhủ điều gì đến mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội để nâng cao trách nhiệm của mỗi người trong thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Tôi mong muốn các cơ quan, ban, ngành quan tâm, tạo điều kiện để Hội thực hiện được chức trách nhiệm vụ được giao trong các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước.  

Mỗi người dân tùy vào hoàn cảnh của mình mà tham gia vào công tác bảo vệ quyền trẻ em, giúp tạo ra được môi trường an toàn, lành mạnh, để trẻ em phát triển toàn diện. Đồng thời, trẻ em cũng phải tích cực tìm hiểu kiến thức, tự rèn kỹ năng để tự thực hiện được quyền, bổn phận và tự bảo vệ được mình.

Trân trọng cảm ơn bà!

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận