16:12 23/05/2023

Từ vụ 76 trẻ mầm non ngộ độc do ăn sữa chua nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng: Cẩn trọng với thực phẩm tự làm

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam M. Phương

Nguyên nhân khiến 76 trẻ mầm non ngộ độc ở Nghệ An là do ăn phải sữa chua nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng do các cô giáo tự chế biến. Từ vụ việc này, cha mẹ cần lưu ý những gì khi tự làm sữa chua tại nhà cho con?

Theo Tuổi trẻ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An cho biết, nguyên nhân khiến 76 học sinh Trường mầm non Thuận Sơn, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, bị ngộ độc là do sữa chua nhiễm vi khuẩn S.aureus (vi khuẩn tụ cầu vàng).

Trước đó, ngày 9/5/2023, gần 300 học sinh thuộc trường Mầm non xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương, ăn bữa trưa tại trường có các món ăn là trứng cút kho thịt lợn, rau muống xào, canh bí đỏ.

ngo-doc-sua-chua
Phụ huynh, người dân tập trung trước Trạm Y tế xã Thuận Sơn nơi đang cấp cứu cho các cháu mầm non nghi bị ngộ độc (Ảnh: Tuổi trẻ)

Sau đó, đến khoảng 15h cùng ngày, các em học sinh tiếp tục ăn sữa chua do các cô trong trường tự chế biến.

Tuy nhiên, đến 19h cùng ngày, 76 cháu xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn mửa. Nhà trường và gia đình đã đưa 55 cháu vào bệnh viện huyện cấp cứu và 21 cháu gửi đến trạm y tế xã theo dõi.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương thông tin theo báo cáo ban đầu từ xã Thuận Sơn, chiều cùng ngày các cô giáo cho các cháu ăn sữa chua giữa giờ. Riêng những nhóm trẻ không dùng thực phẩm này không có triệu chứng bị ngộ độc. Đến ngày 10/5, sau khi được thăm khám, sức khỏe các cháu đã ổn định và được về nhà.

Chuyên gia y tế cho biết vi khuẩn tụ cầu vàng thường có trong các loại thực phẩm như thịt gia cầm, các loại đồ hộp... Nguồn lây chính là do vệ sinh kém trong quá trình chế biến hay bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, có thể lây chéo từ các thực phẩm hết hạn sử dụng...

Tụ cầu vàng khi xâm nhập cơ thể sẽ phát triển và sản xuất ra nhiều nội độc tố, có thể gây các triệu chứng của bệnh đường ruột. Biến chứng nặng có thể gây ngộ độc cấp như tiêu chảy, choáng, nôn và sốt.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, bản chất của sữa chua là vô hại. Nguyên nhân dẫn đến việc ăn sữa chua bị ngộ độc có thể là trong quá trình chế biến, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm không được đảm bảo (nguồn nước, cách ủ lên men,…) dẫn đến việc sữa chua bị nhiễm độc.

PGS Thịnh phân tích, đặc trưng của sữa chua là lên men, thông thường nhiệt độ bảo quản thường từ 4-8 độ C mới an toàn. Điều kiện khí hậu của nước ta khá nóng, nếu để sữa chua ở nhiệt độ cao rất dễ bị hư, sẽ bị lên mùi, biến đổi màu.

"Sử dụng sữa chua không đảm bảo chất lượng sẽ gây ra các triệu chứng rối loạn đường tiêu hoá như nôn ói, tiêu chảy, một số trường hợp nặng có thể đưa đến ngộ độc thực phẩm", PGS Thịnh cho biết.

sua-chua
Sữa chua tự làm tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe nếu không được chế biến và bảo quản đúng cách (Ảnh minh hoạ).

Vì vậy, người tiêu dùng khi sử dụng sữa chua, có thể quan sát bằng cảm quan, nếu sản phẩm mịn đều và không chuyển đổi màu, không có mùi, không có gì bất thường thì mới dùng để tránh những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Bên cạnh đó, thời tiết đã bắt đầu vào hè, một số nơi tại khu vực phía Bắc nhiệt độ lên tới 35-36 độ C. Để bảo vệ sức khỏe chúng ta cũng cần quan tâm đến cách bảo quản thức ăn để phòng tránh ngộ độc thực phẩm.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận