08:57 28/12/2022

Từ vụ cô gái bức xúc bị trẻ đổ nước vào laptop tại quán cà phê: Phụ huynh nên làm gì khi con mắc lỗi?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Ngọc Ánh

Gần đây, câu chuyện về ứng xử của con trẻ và phụ huynh ở nơi công cộng được công chúng rất quan tâm. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu quan điểm mang tính chất tham khảo "Sai lầm phụ huynh mắc phải khi xử lý trẻ cư xử không đúng mực trước mặt mọi người".

Mới đây, một cô gái đăng đàn tố phụ huynh phủi bỏ trách nhiệm khi con làm đổ nước vào chiếc Macbook của cô tại một quán cà phê ở Hà Nội. Câu chuyện hiện vẫn đang gây tranh cãi khắp các trang mạng.

Trước đó ít ngày, một quán cà phê tại thành phố Đà Nẵng cũng nhận nhiều sự quan tâm của dư luận khi đăng thông báo không tiếp nhận khách hàng dưới 12 tuổi.

“Vì quán không có không gian riêng dành cho trẻ em vui chơi. Vì quán sợ tiếng ré, tiếng khóc của trẻ làm ảnh hưởng đến những vị khách đến thư giãn và trò chuyện. Vì quán không có kĩ năng dỗ dành trẻ, giữ trẻ giúp các ba mẹ. Nên kể từ hôm nay quán xin phép từ chối khách dẫn theo trẻ em dưới 12 tuổi ạ. Xin cảm ơn!", quán thông báo.

Từ những sự việc này có rất nhiều câu chuyện đáng bàn...

cà phê
Quán cà phê ở Đà Nẵng từ chối phục vụ trẻ em dưới 12 tuổi (Ảnh: D.H.C Coffee).

Ở góc độ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu thông tin mang tính chất tham khảo của tác giả Nina Garcia: "Sai lầm phụ huynh mắc phải khi xử lý trẻ cư xử không đúng mực trước mặt mọi người" được đăng trên trang thông tin nổi tiếng về nuôi dạy con Sleepingshouldbeeasy.

***

Bạn có biết phải làm gì khi con cư xử không đúng mực trước mặt người khác không? Dưới đây là những sai lầm mà bạn thậm chí có thể không biết mình đang mắc phải. Xin kể lại một câu chuyện tôi từng chứng kiến.

Một người phụ nữ, cậu bé, tôi và tất cả mọi người đều ước mình đang ở một chỗ khác để không bị cuốn vào khoảnh khắc đáng quên này.

“Không. Quay lại đây. Con cần phải xin lỗi người phụ nữ này một cách nghiêm túc”, đó là yêu cầu một người cha nói với cậu con trai khoảng 7 tuổi.

Trước đó, cậu bé 7 tuổi va vào một người phụ nữ khác và tiếp tục đi, không biết rằng, mình đã vô tình va phải cô ấy. Trong khi đó, người cha không vui lắm về điều đó.

Anh ấy đã yêu cầu con trai mình xin lỗi người phụ nữ, nhưng anh ấy không hài lòng với kiểu lầm bầm “Cháu xin lỗi” của con trai mình, anh ấy muốn lời xin lỗi được nói to và rõ ràng.

Trong khi đó, người phụ nữ liên tục trấn an người cha “Không sao đâu”. Cô ấy có lẽ đang cố gắng tiếp tục công việc mua sắm của mình thay vì tham gia một bài học về cách nuôi dạy con cái.

Người cha cứ khăng khăng cho đến khi nghe được điều khiến ông cảm thấy là một lời xin lỗi đủ tốt từ con trai mình.

Tôi hiểu mục tiêu của người cha, ông ấy muốn đảm bảo con trai mình nên xin lỗi khi làm sai. Rèn luyện tính kỷ luật rất quan trọng trong việc nuôi dạy con cái.

Tôi cũng sẽ khuyến khích con mình xin lỗi trong tình huống như vậy. Nhưng khi con trai ông không làm như vậy, ông ấy đã biến điều lẽ ra chỉ là một rủi ro đơn giản thành một “bài học” đáng xấu hổ cho con trai mình.

Những đứa trẻ của chúng ta có thể cư xử không đúng mực, phạm sai lầm và từ chối xin lỗi trước mặt người lạ và những người mà chúng biết. Và khi trẻ làm thì các bậc cha mẹ, xin vui lòng:

Đừng kỷ luật con bạn trước mặt người khác.

Đây là 3 lý do tại sao:

1. Kỷ luật trẻ nên là một cuộc trò chuyện riêng tư

Tôi có thể hiểu tại sao các bậc cha mẹ muốn kỷ luật con cái ngay lập tức, ngay cả trước mặt người lạ. Các bậc phụ huynh cảm thấy xấu hổ về hành vi của họ và muốn đảm bảo rằng, những người khác biết họ không dung thứ cho hành vi đó.

Phụ huynh muốn tận dụng cơ hội để dạy dỗ trẻ trước khi chúng quên. Có lẽ cha mẹ đã quen với việc giải quyết vấn đề đó ngay tại nhà mà quên rằng ở nơi công cộng cũng có rất nhiều người.

Hoặc có thể cha mẹ không muốn người khác nghĩ là không biết dạy con.

Vấn đề là dạy dỗ trẻ trước mặt đông người sẽ khiến chúng xấu hổ, có thể trẻ đã làm điều gì đó không tốt vì không biết hoặc quên rằng, việc đó không nên làm. Và cuối cùng thì trẻ bị xử phạt trước mặt tất cả mọi người.

Một lời xin lỗi là cần thiết trong những hoàn cảnh này hoặc cha mẹ có thể thay mặt con mình xin lỗi nếu trẻ nhất quyết không chịu nói. Nhưng việc mắng và dạy trẻ thì nên thực hiện khi cha mẹ ở cùng con trong một không gian riêng tư.

2. Con bạn sẽ không học được bài học nào

Có lẽ bạn nên kiên nhẫn một chút vì những tình huống này đôi khi sẽ trở thành cơ hội để dạy dỗ con bạn. Nếu phải đối diện với đám đông trong khi trẻ đang mắc lỗi sẽ khiến khả năng trẻ nhận ra bài học sau đó là rất ít.

Trẻ thường quan tâm đến thể diện của mình hoặc cố tình gạt đi điều xấu xí vừa qua, sẽ khiến trẻ bỏ lỡ cơ hội rút kinh nghiệm trong những lần tới.

Thay vào đó, hãy đợi khi chỉ có cha mẹ và con trẻ để dễ dàng chia sẻ những bài học cho trẻ tiếp thu.

3. Thật khó xử khi lỗi sai của mình bị nhiều người khác chứng kiến

Kỷ luật con trước đông người khiến mọi người xung quanh cũng khó xử. Họ tự hỏi rằng có nên ở lại không, có nên nhìn đi chỗ khác và giả vờ như không nghe thấy gì không?

Như câu chuyện ở đầu bài viết, không chỉ cậu bé ở cửa hàng cảm thấy khó chịu mà cả người phụ nữ và tôi cũng vậy. Vâng, ý định sửa chữa hành vi của trẻ và xin lỗi người khác là điều dễ hiểu. Nhưng việc bắt trẻ làm đi làm lại như vậy khiến mọi người càng khó xử hơn.

Các giải pháp thay thế:

Cho dù va vào ai đó hay tỏ ra thô lỗ, bạn cũng nên sửa chữa hành vi của con mình. Nhưng không phải ngay lúc đó và ở đó, và không phải trước mặt tất cả mọi người. Vậy bạn nên làm gì thay vì kỷ luật con trước mặt người khác?

1. Khuyến khích nói lời xin lỗi

Hãy khuyến khích trẻ nói lời xin lỗi. Cho dù trẻ va phải ai đó hay giật đồ chơi của trẻ khác, hãy khuyến khích chúng nói lời xin lỗi một cách cởi mở nhưng đừng theo kiểu ép buộc.

Một lời xin lỗi bắt buộc không gửi đi thông điệp mà cha mẹ đang cố thể hiện. Thay vào đó, trẻ cảm thấy oán giận và bất công đối với cha mẹ và những người khác.

2. Thay mặt con bạn xin lỗi và tiếp tục

Như một vấn đề xã giao, hãy thay mặt trẻ xin lỗi nếu con từ chối làm điều đó một mình. Người khác sẽ cảm thấy được ghi nhận, đồng thời cha mẹ cũng đang làm mẫu cho con cách xin lỗi trong những trường hợp đó.

3. Nói riêng về những gì đã xảy ra

Cha mẹ không được để trẻ thoát tội bằng cách bỏ qua lời xin lỗi, trẻ sẽ không học được gì từ những lỗi lầm mà chúng gây ra. Cách giáo dục mang tính ép buộc sẽ khiến trẻ càng chống đối hơn.

Vì vậy nên chờ cho đến khi về nhà, thậm chí là để câu chuyện sang hôm sau nếu cha mẹ chưa bình tĩnh, sau đó mới nói về những gì đã xảy ra trong hôm qua. 

Ví dụ, cha mẹ thể hiện sự vui vẻ khi chơi cùng con, trong lúc đó tranh thủ giải thích việc làm hôm qua của con là sai và việc xin lỗi là phép lịch sự tối thiểu dù cố ý hay vô tình. Trẻ sẽ dễ dàng lắng nghe hơn và hiểu ra đây là cuộc trò chuyện như hai người bạn chứ không hề mang tính bắt buộc.

Theo Sleepingshouldbeeasy

Chuyên mục Tôi nói trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận