14:43 16/09/2023

Vụ cháy chung cư mini: Bé 10 tuổi thoát nạn nhờ kỹ năng học tại trường

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Quốc Anh (t/h)

Bé Nguyễn Ngô Hiền Minh (10 tuổi) là một trong những người may mắn thoát nạn trong vụ cháy chung cư mini, nhờ ghi nhớ những kỹ năng thoát hiểm được thầy cô dạy trên nhà trường.

Vụ cháy chung cư mini ở số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã cướp đi sinh mạng của 56 người, làm bị thương 42 người, trong đó có 16 trẻ tử vong và 9 trẻ bị thương.

Gia đình anh Thắng có 4 thành viên, vợ chồng và 2 người con – người con đầu học lớp 5, người con thứ hai học lớp 3, Trường Tiểu học Khương Đình. Đây là một trong số ít những hộ gia đình sinh sống tại chung cư mini cả nhà đều thoát nạn an toàn.

tp-chay-chung-cu-mini-3-4931
Anh Nguyễn Văn Thắng và con trai Nguyễn Ngô Hiền Minh, người thoát khỏi vụ cháy chung cư phố Khương Hạ an toàn. ảnh: Tiền phong

Theo Tiền phong, căn phòng của gia đình anh Thắng ở N05, vào thời điểm xảy ra vụ cháy (khoảng hơn 23h, ngày 12/9/2023), con đầu của anh Thắng là cháu Nguyễn Ngô Hiền Minh (10 tuổi) đang ở nhà. Nghe tiếng hô hoán của mọi người, cháu đã nhanh nhẹn chạy ra ngoài, vừa chạy vừa tri hô “Cháy, cháy, cháy!”. Cháu Minh chạy về phía cửa hàng của gia đình ở ngõ 509 Vũ Tông Phan (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) - cách địa điểm xảy ra hỏa hoạn hơn 200m.

Thời gian đó, vợ chồng anh Thắng cùng cháu thứ hai đang ở cửa hàng. “Vợ chồng tôi tức tốc về nhà ngay. Đến nơi thấy khói bốc lên nghi ngút, tầng để xe lửa bén nhanh sang các xe máy. Những hộ ở bên trong không kịp thoát ra, họ kêu cứu thống thiết và dùng đèn flash điện thoại cầu cứu”, anh Thắng nhớ lại.

Anh Thắng cho biết, tới khi bình tâm hỏi lại người con lớn, cháu Minh chia sẻ đã áp dụng những kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ được cô giáo hướng dẫn trên nhà trường.

Vẫn còn nhớ như in về vụ việc tối hôm đó, cháu Minh cho biết, ngay sau khi nghe tiếng hô hoán của mọi người về việc khói bốc lên ở khu để xe. Cháu đã bình tĩnh quan sát, dập cầu dao, tắt máy tính, từ tầng 2 chạy xuống và thoát ra khỏi tòa nhà an toàn.

“Những kỹ năng thoát hiểm ấy, con được thầy cô dạy trên nhà trường. Con cảm thấy những kỹ năng này rất hữu ích, giúp bản thân có thể thoát được những tình huống nguy hiểm”, cháu Minh chia sẻ.

Một số kỹ năng thoát nạn cơ bản trong đám cháy

Chia sẻ trên Sức khỏe và Đời sống, Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, sự cố cháy nổ xuất phát từ nhiều nguyên nhân và có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi. Do đó, người dân và kể cả các em học sinh rất cần chú ý tới các kỹ năng cơ bản sau đây:

- Định hướng lối thoát hiểm, hành lang chạy ra ngoài, cần tập cho mình thói quen kiểm tra xung quanh khi đến một nơi mới.

- Nếu không chữa cháy được vì ngọn lửa quá lớn, hãy đóng cửa căn phòng bị cháy lại và thoát ra ngoài.

- Khi ngửi thấy mùi khói thì phải bò ra phía cửa, không nên chạy ngay khi vẫn chịu đựng được khói. Vì sao? Khói mang theo nhiệt độ, phải giữ gìn đôi mắt, lá phổi lâu chừng nào tốt chừng ấy, tránh bị bỏng.

- Lấy khăn mặt, mảnh vải, vạt áo quần… thấm nước, bịt vào mũi để che phủ đường hô hấp. Ngoài ra cũng có thể nín thở vài mươi giây khi khói độc tới, không la to vì sẽ bị ngạt khói ngay. Khi chạy khỏi phòng nếu trong phòng có chai nước thì nên nhớ mang theo tưới lên khẩu trang hoặc mảnh vải… nó sẽ giúp chống phỏng và hít thở dễ dàng hơn.

- Khi chạy ra ngoài, hãy men theo bờ tường để giữ được phương hướng trong hoảng loạn lửa và khói. Nếu thoát nạn không theo trình tự, tất cả mọi người cùng hoảng loạn và chạy thì dòng người náo loạn sẽ dẫm đạp lên nhau. Khi đến lối thoát và bước xuống cần nhớ là đi xuống chứ không phải bò xuống, tay vịn vào lan can, đừng xem nhẹ điều này vì dòng người sẽ đẩy ngã chúng ta.

- Di chuyển theo biển chỉ dẫn "Exit - Lối ra". Trên đường di chuyển thoát nạn hãy thông báo cho người xung quanh biết để cùng thoát nạn.

Nếu ở trên cao, chỉ được thoát xuống bằng thang bộ, tuyệt đối không sử dụng thang máy. Vì khi có cháy điện sẽ bị cắt, hơn nữa thang máy sẽ trở thành cột dẫn khói khổng lồ.

- Trên đường, hướng thoát nạn nếu phải mở bất cứ cánh cửa nào, hãy dùng tay để cảm nhận độ nóng của cánh cửa, nếu cánh cửa hoặc tay nắm quá nóng chứng tỏ phía đó lửa đang cháy, tuyệt đối không mở cửa.

Khi nhiệt độ cho phép mở cửa, hãy hé cửa, né mặt sang một bên đề phòng lửa tạt, từ từ và quan sát, đánh giá tình hình trong lúc tay bạn vẫn giữ cánh cửa.

- Khi lửa táp vào người, không được bỏ chạy bởi càng chạy lửa sẽ càng cháy mạnh. Hãy lăn đều trên mặt đất hoặc dùng vải, khăn, quần áo, giấy thấm nước ốp mạnh quanh người lửa sẽ tắt.

- Nếu đường thang bộ bị lửa khói bao phủ không thoát được. Mắc kẹt trên cao thì hãy ra ban công, cửa sổ và sử dụng khăn, vải giơ lên ra tín hiệu, chiếu đèn pin, đèn flash… gọi điện báo cho lực lượng chức năng, người thân biết vị trí bị mắc kẹt.

 

Các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cho trẻ nhỏ

Nhằm tăng cường phổ biến kiến thức và kỹ năng an toàn phòng cháy chữa cháy cho trẻ nhỏ khi ở nhà một mình, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo đến các gia đình một số lưu ý, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC cho trẻ nhỏ như sau:

Thứ nhất, hướng dẫn trẻ nhỏ biết về nguy hiểm và nghiêm cấm trẻ tiếp cận tự ý sử dụng các thiết bị sinh ra nguồn lửa, nguồn nhiệt phòng cháy, nổ.

Thứ hai, nhắc nhở trẻ nhỏ tắt các thiết bị điện không cần thiết vào buổi tối.

Thứ ba, đặt chìa khóa cửa chính tại một nơi quy định hoặc trong tầm tay của các em nhỏ khi đi ngủ để các em nhỏ có thể tìm được chìa khóa nhanh chóng và mở cửa trong trường hợp có hỏa hoạn.

Thứ tư, không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có chứa xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, thiết bị điện, nguồn sinh nhiệt.

Thứ năm, không giao cho trẻ nhỏ thực hiện việc đốt vàng mã. Hạn chế giao trẻ nhỏ thực hiện việc dùng bếp lửa để đun nấu đề phòng hỏa hoạn và bị bỏng.

Thứ sáu, không giao cho trẻ nhỏ sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy, các loại thiết bị sinh nhiệt khác, việc lơ là của trẻ có thể dẫn đến nguy cơ gây cháy lớn.

Thứ bảy, bố mẹ hoặc người lớn trước khi đi làm phải chủ động kiểm tra và tắt bình đun nước nóng lạnh, bếp điện đun nấu và các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng.

Thứ tám, chủ động tạo điều kiện cho trẻ nhỏ tham gia các lớp tập huấn rèn luyện kỹ năng sống, các lớp tập huấn, khóa đào tạo, hướng dẫn kỹ năng PCCC&CNCH do các đơn vị, cơ quan chức năng tổ chức.

Cuối cùng, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn khi có những thắc mắc cần giải đáp, ý kiến tư vấn, hướng dẫn về các vấn đề liên quan đến công tác PCCC và CNCH có thể liên lạc với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH địa phương.

 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận