WHO: Tiếp thị sữa công thức ở Việt Nam ‘thường sai lệch khoa học’
Nhiều chiến lược tiếp thị sữa công thức ở Việt Nam "thường sai lệch khoa học", bao gồm những tuyên bố không có đủ căn cứ khoa học như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, cân nặng hoặc sự phát triển trí não của trẻ
Tại sự kiện "Cùng hành động để hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc", do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam và WHO tổ chức ngày 7/8, đã công bố báo cáo kết quả nghiên cứu đa quốc gia về Tiếp thị sữa công thức ảnh hưởng đến quyết định nuôi dưỡng trẻ.
Nghiên cứu này diễn ra từ tháng 8/2019 đến tháng 4/2021, trên 8 quốc gia đại diện cho các châu lục và vùng lãnh thổ khác nhau như Anh, Trung Quốc, Nam Phi, Nigeria, Bangladesh, Việt Nam...
Nghiên cứu này cho rằng, sữa ở Việt Nam được tiếp thị qua nhiều kênh và nhiều cách, phổ biến và tràn lan.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, việc tiếp thị này có ảnh hưởng lớn đến thái độ của bà mẹ, người tiếp xúc. Theo số liệu trong báo cáo, có tới 82% bà mẹ biết về sữa công thức giai đoạn 2 và 96% trong đó cho rằng, sữa công thức là cần thiết. Đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà của nhiều quốc gia trong khu vực.
Trong báo cáo toàn cầu mới đây của WHO tiết lộ, nhiều chiến lược tiếp thị sữa công thức sai lệch ở Việt Nam, trong đó thường bao gồm những tuyên bố không có đủ căn cứ khoa học như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, cân nặng hoặc sự phát triển trí não của trẻ. Điều này khiến việc nuôi con bằng sữa mẹ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Đáng lo ngại hơn, thông qua những hội nghị, hội thảo, nhiều đơn vị đã sử dụng hình ảnh tuyên bố sai lệch khoa học cho rằng sữa công thức gần bằng hoặc tốt hơn sữa mẹ, bao gồm dưỡng chất HMO và DHA.
TS. Juliawati Untoro - Trưởng nhóm dinh dưỡng WHO, khu vực Tây Thái Bình Dương, cho hay: Nhiều chiến lược tiếp thị sữa công thức ở Việt Nam "thường sai lệch khoa học", bao gồm những tuyên bố không có đủ căn cứ khoa học như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, cân nặng hoặc sự phát triển trí não của trẻ. Những tuyên bố tiếp thị này làm trầm trọng thêm những thách thức mà các cha mẹ phải đối mặt, bằng cách làm gia tăng sự lo lắng về việc cho con bú và chăm sóc trẻ sơ sinh.
Theo TS. Juliawati Untoro, cũng theo nghiên cứu này, cán bộ chuyên môn y tế là đối tượng mục tiêu trong chiến lược tiếp thị của các công ty sữa công thức. Lý do là bởi, các cán bộ y tế có thể tiếp cận cá nhân, có vai trò đáng tin cậy và là các kênh giáo dục chính về thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh.
Thậm chí, các hãng sữa sử dụng cán bộ y tế để tạo sự tin tưởng, uy tín khi tiếp thị, sẵn tràng trả hoa hồng, tổ chức hội nghị, đào tạo, tài trợ cho nghiên cứu, hàng hóa, quà tặng và chi trả các chuyến đi quảng bá sản phẩm.
Theo khảo sát, các cán bộ y tế ở Việt Nam, Morocco và Nigeria (khối y tế công và tư nhân) có sự liên hệ với công ty sữa công thức, họ nhận được các ưu đãi như hoa hồng, tài trợ cho nghiên cứu, hàng hóa, quà tặng…
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/NĐCP-2014 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3/2015, là cơ sở pháp lý cho việc cấm quảng cáo, giới thiệu, gợi ý bán bình sữa và sữa công thức cho trẻ nhỏ dưới 24 tháng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc hãng sữa chi mạnh tay cho quảng cáo tiếp thị trá hình. Còn tình trạng nhân viên y tế cung cấp cho hãng sữa thông tin của các mẹ bầu và nuôi con nhỏ, bởi vậy các hãng sữa vẫn đang dễ dàng gửi đi thông điệp quảng cáo và chương trình tiếp thị đến tận tay người tiêu dùng...
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, cơ quan chức năng cần có những chế tài đủ mạnh để tạo sự chuyển biến thực sự, thậm chí ngăn chặn triệt để tình trạng này. Bên cạnh đó, tự chính bản thân mỗi người mẹ cần ý thức được sự quý giá của nguồn sữa, không có gì thay thế được sữa mẹ, trừ trường hợp người mẹ bị ốm hoặc trong trường hợp cần thiết phải cách ly để đảm bảo an toàn cho con thì mới bổ sung nguồn dinh dưỡng khác.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất