13:44 19/10/2022

Xây dựng kỷ luật bàn ăn giúp trẻ ăn uống lành mạnh

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Đào Bảo

Xây dựng kỷ luật bàn ăn cho trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen ăn uống và đảm bảo bữa ăn chất lượng, đầy đủ chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Trong quá trình thực hiện, cần xây dựng kỷ luật bàn ăn một cách hợp lý và biết khi nào cần kỷ luật để tình cảm giữa trẻ và mẹ không đi xuống.

Hiện nay, trong hầu hết các gia đình có trẻ nhỏ, các mẹ bỉm luôn gặp phải trường hợp như: con không chịu ăn, con chỉ ăn rau không ăn thịt và ngược lại, con vừa ăn, vừa chơi, đòi xem tivi, ipad, đòi bế rong hay con khóc lóc, nhảy nhót, leo trèo ra khỏi ghế ăn. Các trường hợp này về lâu dài, lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo thành thói quen trong các bữa ăn của trẻ và để lại hậu quả không tốt cho quá trình phát triển của trẻ.

Để khắc phục tình trạng này cha mẹ cần xây dựng kỷ luật bàn ăn cho trẻ bằng việc thực hiện có trình tự trước – sau bữa ăn nhất quán thì trẻ sẽ biết điều gì đang xảy ra và hiểu được “nếu trẻ không hợp tác thì điều gì sẽ đến với mình”.

1
Xây dựng kỉ luật trên bàn ăn giúp trẻ tránh tình trạng biếng ăn, không hợp tác trong bữa ăn.

Không cho trẻ ăn đồ ngọt, kẹo bánh trước bữa ăn

Các mẹ bỉm cần biết bánh kẹo – thực phẩm nhiều đường tinh luyện là kẻ thủ của dinh dưỡng cho dù nó có ngọt ngào đến đâu.

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, hiện nay người Việt đang có thói quen ăn uống nhiều đường và trẻ em là đối tượng sử dụng rất nhiều nước ngọt. Khi uống một lon nước ngọt, các trẻ đã dùng tới 36-63g đường, trong khi mỗi người chỉ nên sử dụng 20g đường mỗi ngày. Thêm vào đó, bánh kẹo luôn là thực phẩm cám dỗ trẻ, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng và rối loạn chuyển hóa.

Theo nhiều nghiên cứu, tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt sẽ làm tăng lượng đường trong máu, ức chế sự thèm ăn và gây biếng ăn ở trẻ em. Vậy nên tuyệt đối không dùng bánh kẹo làm phần thưởng cho trẻ trước bữa ăn.

Đối với các loại bánh kẹo, đồ ngọt chỉ nên cho trẻ sử dụng một mẩu nhỏ để tráng miệng hoặc hoa quả sẽ giúp cho trẻ có sự vui vẻ ở cuối bữa ăn và cũng chỉ cần thế là đủ.

Chỉ bốn bữa trong ngày là đủ

Vì trẻ đang trong quá trình phát triển cần xây dựng chế dộ dinh dưỡng cho trẻ một cách hợp lí, vừa đủ. Trong một ngày, hoạt động ăn uống của trẻ chỉ cần bốn bữa là đủ.

Khởi động một ngày mới đối với trẻ không cần phải chuẩn bị bữa ăn quá cầu kì mà đơn giản chỉ cần một ly sữa là đủ cho trẻ vào buổi sáng.

Với trẻ em, bữa trưa sẽ là bữa chính giúp trẻ có đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cho hoạt động cả ngày. Bữa trưa của trẻ thường bắt đầu từ 11 giờ đến 12 giờ. Cha mẹ nên chú ý giữa các bữa ăn nhớ cho trẻ uống nước để đảm bảo bổ sung đủ nước cho trẻ trong một ngày.

Sau giấc ngủ buổi chiều nên cho trẻ uống sữa làm bữa phụ để xua tan cơn đói của trẻ mỗi khi ngủ dậy.

Bữa tối nên cho trẻ ăn từ 18 giờ đến 19 giờ và uống kèm sữa để hệ thống tiêu hóa của trẻ hoạt động trước khi vào giấc ngủ.

Gợi ý trình tự ăn uống trong bữa ăn của trẻ

Trước bữa ăn, cần thông báo bữa ăn sắp tới cho trẻ biết và cùng trẻ dọn dẹp đồ chơi trước bữa ăn để đảm khi trẻ ăn không có đồ chơi vương vãi ra sàn làm trẻ mất sự tập trung trong lúc ăn. Ngoài ra, việc vừa ăn vừa chơi của trẻ đôi khi còn rất nguy hiểm. Sau khi dọn đồ chơi, trẻ cần được rửa tay bằng xà phòng trước khi bắt đầu bữa ăn. Đây là những bước đệm chuẩn bị tâm lí cho trẻ báo trước rằng giờ ăn sắp đến và cũng là một thói quen văn minh, điều con sẽ được học ở trường mẫu giáo.

2
Trẻ cần phải được rửa tay trước bữa ăn để loại bỏ sạch vi khuẩn

Trong bữa ăn, để tránh việc trẻ nhảy nhót, leo trèo, đập phá thì tạo ra giới hạn cho trẻ, và cụ thể là chiếc ghế ăn. Khi trẻ ngồi vào ghế ăn, cha mẹ nhớ cài dây an toàn và nếu trong bữa ăn trẻ không còn hợp tác, có các hành động trèo ra khỏi ghế thì nên chấm dứt bữa ăn cho trẻ.

Việc cho trẻ xem, tiếp xúc với các thiết bị như tivi, ipad, điện thoại sẽ tạo thành thói quen cho trẻ và trẻ sẽ không biết mình ăn gì trong bữa ăn. Vậy nên các mẹ nhớ không nên cho trẻ tiếp xúc với thiết kĩ thuật, công nghệ trong bữa ăn, để chúng không trở thành người tiêu khiển trẻ khi ăn.

3
Các thiết bị công nghệ có thể trở thành người tiêu khiển trẻ trong bữa ăn

Khi bắt đầu bữa ăn, cha mẹ nên mời trẻ và chúc trẻ ngon miệng. Hãy cho trẻ ăn với rau củ hoặc súp rau đầu tiên. Cha mẹ nên nhớ “rau đi trước cơm thịt tiếp bước theo sau”. Sau đó sẽ là các món chính cho trẻ như cơm/mỳ, thịt, cá và rau xanh. Kết thúc bữa ăn cha mẹ hãy cho trẻ tráng miệng bằng sữa chua hay hoa quả, hỏi con xem có muốn ăn nữa không và đừng quên dành những lời khen cho trẻ.

Tuyệt đối không ép trẻ ăn

Trẻ đang trong quá trình phát triển, chưa đủ nhận thức nên việc cha mẹ ép trẻ ăn sẽ gây nên những hậu quả khó lường. Việc cha mẹ ép ăn sẽ làm cho trẻ sợ ăn, có thái độ tiêu cực với dinh dưỡng và việc ăn, việc vốn dĩ là một trong tứ khoái của con người.

Ép ăn sẽ gây ức chế hệ tiêu hóa và cả tinh thần của trẻ. Ép ăn sẽ tạo ra ăn lệch, béo phì và nhiều tiềm ẩn bệnh lý sau này.

Khi trẻ không còn muốn ăn, cha mẹ nên hỏi thăm con và dừng bữa ăn của trẻ lại. Hãy để cho trẻ ăn “được” là ăn chứ không phải “bị” ăn trong bữa ăn của trẻ.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận