10:43 02/08/2023

58% số ca nhờ hỗ trợ, can thiệp là trẻ em bị bạo lực

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Quốc Anh

Số liệu từ Cục Trẻ em – Bộ LĐTB&XH cho thấy, 6 tháng đầu năm, số lượng ca hỗ trợ, can thiệp cho nhóm trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực chiếm tỉ lệ cao nhất, với 313 ca, 352 trẻ em, chiếm 58% trong tổng số ca hỗ trợ, can thiệp của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Theo số liệu của Cục Trẻ em, 6 tháng đầu năm, Tổng đài 111 đã can thiệp 540 ca, trong đó có 313 ca trẻ em bị bạo lực, chiếm 58% (giảm 227 ca so với cùng kỳ 2022); 54 ca trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 10% (giảm 38 ca so với cùng kỳ năm 2022); 74 ca trẻ em bị bóc lột (giảm 33 ca so với cùng kỳ năm 2022); 9 ca trẻ em bị mua bán; 27 ca trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc, sao nhãng (tăng 07 ca so với cùng kỳ 2022); 22 ca vi phạm quyền trẻ em (tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2022); 16 ca tranh chấp quyền nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em (giảm  13 ca so với cùng kỳ năm 2022) và 25 ca về các vấn đề khác (trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em có ý định tự tử, khai sinh cho trẻ em...).

IMG_0211
6 tháng đầu năm, Tổng đài 111 đã can thiệp 540 ca, trong đó có 313 ca trẻ em bị bạo lực, chiếm 58%. Ảnh: Internet

Các vụ việc cần hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em xảy ra ở 57 tỉnh/thành phố trên cả nước. Trong đó TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 thành phố có số vụ việc trẻ em cần hỗ trợ, can thiệp cao nhất toàn quốc: TP.HCM 146 ca, chiếm 27% trong Tổng số ca hỗ trợ, ca thiệp cho trẻ em của Tổng đài trong 6 tháng đầu năm, giảm 50 ca so với cùng kỳ năm trước; Hà Nội 109 ca, chiếm 20,2%, giảm 53 ca so với cùng kỳ năm trước. Bình Định, Cao Bằng, Hà Giang, Kon Tum, Lai Châu, Thừa Thiên Huế là 6 tỉnh Tổng đài không tiếp nhận trường hợp nào cần hỗ trợ, can thiệp.

Nhiều trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình

Theo Cục Trẻ em, trong số những ca trẻ em nhờ hỗ trợ, can thiệp, đáng chú ý có những trường hợp trẻ em bị bạo lực với mức độ rất nghiêm trọng. Điển hình như trường hợp cháu trai sinh năm 2008 ở Thái Nguyên, bị người lạ đâm 2 nhát dao ở tim phải nhập viện cấp cứu.

Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực đối với trẻ em được nuôi dưỡng ở các cơ sở tôn giáo vẫn tiếp tục xảy ra, điển hình là trường hợp bé trai 6 tuổi bị bạo hành bởi sư cô ở Chùa Bồ Xá, tỉnh Hà Nam.

“Do vậy cần có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em tại các cơ sở tôn giáo”, Cục Trẻ em khẳng định.

Báo cáo của Cục Trẻ em cũng cho thấy, trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao nhất (68,2%[1] ), trong đó nhiều trẻ em bị bố hoặc mẹ bạo hành nhưng không phải do các em phạm lỗi mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc bố mẹ có mâu thuẫn, xích mích với nhau, hôn nhân gia đình đang trong thời kỳ đỗ vỡ, khiến tâm lý các thành viên căng thẳng, dễ gây ra các xung đột và trẻ em chính là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Về độ tuổi của trẻ em bị bạo lực: Trẻ em ở độ tuổi 11-14 tuổi bị bạo lực nhiều nhất, chiếm 35,8% (tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2022); trẻ em từ 7-10 tuổi chiếm 23,9% (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022); trẻ em từ 4-6 tuổi chiếm 12,2% (giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2022); trẻ em từ 0-3 tuổi chiếm 10,8% (giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2022); trẻ em từ 15 đến dưới 16 tuổi chiếm 9,1% (tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022) và người từ 16 đến dưới 18 tuổi chiếm 8,2% (tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022).

Hỗ trợ khẩn cấp về tâm lý và pháp lý cho trẻ bị xâm hại

Theo Cục Trẻ em, trong 6 tháng đầu năm, có 54 ca hỗ trợ, can thiệp cho 57  trẻ em bị xâm hại tình dục, giảm hơn so với năm 2022, tuy nhiên tính chất các vụ việc có phần nghiêm trọng. Cụ thể, có 32 trẻ em bị hiếp dâm, chiếm 56,1% (giảm 09 trẻ em so với cùng kỳ năm 2022), 16 trẻ em bị dâm ô, chiếm 28,1% (giảm 24 trẻ em so với cùng kỳ năm 2022); 7 trẻ em bị giao cấu, chiếm 12,3% (giảm 03 trẻ em so với cùng kỳ năm 2022); 2 trẻ em bị sử dụng vào mục đích mại dâm, chiếm 3,5% (tăng 01 trẻ em so với cùng kỳ năm 2022).

“Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục dẫn đến hậu quả mang thai và sinh con khiến các em dang dở việc học tập và tổn thương về thể chất cũng như tâm lý”, Cục Trẻ em cho biết. Điển hình như trường hợp bé gái sinh năm 2011 ở Phú Thọ, sinh con khi mới 11 tuổi và bé gái sinh năm 2010 ở Bắc Giang, sinh con khi chưa tròn 13 tuổi.

Ngoài ra, trẻ em bị xâm hại tình dục trong gia đình bởi người thân vẫn chiếm tỉ lệ cao, điển hình là trường hợp hai chị em gái 5 tuổi và 8 tuổi ở Hải Phòng và bé gái 8 tuổi ở Khánh Hòa bị chính bố đẻ xâm hại.

Tổng đài hỗ trợ khẩn cấp về tâm lý và pháp lý cho 10 trẻ em bị xâm hại tại các địa phương trên cả nước (Đồng Nai 2 trẻ, Ninh Thuận, Nam Định, Bắc Kạn, TPHCM, Vĩnh Long, Hải Dương, Long An, Quảng Ngãi mỗi tỉnh 1 trẻ). Tổng đài đã xây dựng quy trình thực hiện hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em trong tình trạng khẩn cấp của Tổng đài.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng vẫn là chủ đề quan tâm của nhiều bậc phụ huynh và trẻ em. 6 tháng đầu năm 2023, Tổng đài 111 tư vấn 168 cuộc gọi (chiếm 4% trong tổng số cuộc gọi tư vấn chuyên sâu) và can thiệp 07 trường hợp liên quan đến việc trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng (chiếm 1,3% trong tổng số ca can thiệp).

Ngoài ra, Tòa án nhân dân một số tỉnh/thành phố mời Tổng đài 111 tham dự trong phiên tòa xử lý tội phạm xâm hại trẻ em. Tiêu biểu như Tòa án nhân dân thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương mời cán bộ Tổng đài hỗ trợ tâm lý cho trẻ bị xâm hại tình dục tại phiên tòa sơ thẩm.

Tổng đài 111 và Cục Trẻ em phối hợp với SOS Việt Nam giải quyết các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em và vi phạm quyền trẻ em. Điển hình như vụ việc 2 trẻ em bị bạo lực ở làng trẻ em Việt Trì, Phú Thọ và 8 trẻ em bị xâm hại quyền riêng tư ở trường Hermann Gmeiner Gò Vấp, TPHCM.

Cán bộ địa phương gặp khó khăn khi giải quyết các trường hợp cụ thể liên quan đến chăm sóc thay thế cũng liên hệ nhờ Tổng đài 111 tư vấn. Điển hình như trường hợp cán bộ ở Nghệ An lúng túng khi người nhận chăm sóc thay thế muốn gửi trẻ vào trung tâm bảo trợ nhưng không muốn từ bỏ quyền chăm sóc thay thế.

Tổng đài 111 cũng hỗ trợ giải quyết bức xúc của người dân ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội trước tình trạng trẻ em ăn xin không giải quyết được dứt điểm trong nhiều năm nay. Ngoài ra người dân nhiều lần phản ánh tình trạng trẻ em ăn xin (trẻ nhỏ khoảng 5-6 tuổi bế theo trẻ em rất nhỏ) ở khu vực các công viên tại khu du lịch Sa Pa nhưng địa phương không có biện pháp giải quyết triệt để do phong tục tập quán của người dân địa phương.

Các em ở độ tuổi từ 10-16 tuổi thường gọi đến Tổng đài vào khung giờ từ 22-24h khi các thành viên trong gia đình đã đi ngủ để có thể dễ dàng chia sẻ, tâm sự, giải tỏa những áp lực, căng thẳng trong học tập và những tổn thương về tâm lý khi gặp khó khăn trong mối quan hệ ứng xử với các thành viên trong gia đình.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận