7 nguyên tắc cân bằng dinh dưỡng cho trẻ ngày Tết
Tết là thời điểm bé có thể thỏa thích được ăn nhiều món ngon, lạ miệng, đặc biệt là bánh kẹo. Tuy vậy, cha mẹ không nên lơ là đến chuyện ăn uống của trẻ, cũng như đừng để trẻ ăn vô tội vạ, ăn theo sở thích, để rồi ăn quá nhiều những món không cân bằng dinh dưỡng cho trẻ.
Những ngày Tết luôn thu hút trẻ với rất nhiều món ngon, đặc biệt là với các loại bánh, mứt, kẹo, đồ ngọt hấp dẫn về hình thức cũng như màu sắc. Thật khó cưỡng với những món ăn thu hút được mời nhiệt tình bởi người lớn.
Tuy những ngày Tết, bố mẹ thường rất bận rộn với nhiều kế hoạch, nhưng hãy dành thời gian cho con, đặc biệt là không nên lơ là đến chuyện ăn uống của trẻ, cũng như đừng để trẻ ăn vô tội vạ, ăn theo sở thích, vì với chế độ ăn uống bất thường đó, trẻ có thể mắc các bệnh về tiểu đường, sâu răng, táo bón, ngộ độc…
Hãy ghi nhớ ngay 7 nguyên tắc cân bằng dinh dưỡng cho trẻ ngày Tết dưới đây, để giúp con yêu có một năm mới vui khỏe.
1. Hạn chế bánh kẹo
Bánh kẹo là thực phẩm không thể thiếu trong ngày Tết, và chúng cũng là thực phẩm “quyến rũ” nhất đối với bất kỳ đứa trẻ nào. Tuy nhiên, trẻ ăn nhiều kẹo sẽ gây ra tình trạng sâu răng, tăng lượng đường trong máu, rối loạn tiêu hóa…, hơn nữa đường còn là chất gây hấp thu các chất dinh dưỡng khác nếu ăn quá nhiều, do đó mẹ cần hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo.
Với trẻ dưới 3 tuổi, mẹ nên để bánh kẹo tránh xa tầm tay của trẻ, chỉ khi nào có khách hoặc cần dùng mẹ mới mang ra. Bên cạnh đó, đừng quên cho trẻ uống nước lọc hoặc vệ sinh răng miệng sau khi ăn kẹo để tránh tình trạng sâu răng.
Với các bé lớn hơn, cha mẹ không thể cấm tuyệt đối được việc trẻ ăn bánh mứt kẹo trong ngày Tết. Do vậy, mẹ nên đặt cho con một mốc hay một giới hạn đồ ăn vặt cho trẻ. Nếu đã ăn hết số bánh kẹo quy định của hôm nay thì hôm sau mới được ăn tiếp để trẻ vui vẻ và hợp tác hơn.
2. Tăng lượng rau xanh
Rau xanh là thực phẩm ít được mẹ sử dụng và quan tâm trong ngày Tết, vì vào ngày này, cả nhà chủ yếu dự trữ thịt, cá, giò chả là chính. Thiếu rau xanh là nguyên nhân khiến trẻ cũng như các thành viên trong gia đình dễ bị táo bón, ợ nóng, khó tiêu.
Mẹ nên lên kế hoạch tích trữ rau xanh trong mùa tết để cân bằng lượng đạm và chất béo nạp trong thực đơn ngày Tết. Ngoài ra, rau xanh và trái cây cũng chứa lượng chất xơ và vitamin cao giúp kích thích tiêu hóa và hạn chế chứng đầy bụng ở trẻ.
Một số loại củ mẹ có thể để lâu như khoai tây, cà rốt, củ cải, su hào… hoặc các loại rau ăn lá mẹ làm sạch, để khô nước sau đó để vào tủ lạnh như rau cải, rau muống, cải thảo…
3. Cân đối khẩu phần ăn
Bữa ăn của trẻ trong ngày Tết vẫn cần đủ 4 nhóm chất (đạm, béo, đường bột, vitamin và khoáng chất). Mẹ có thể bổ sung thêm các món ăn nhanh mà vẫn đủ chất cho bé như cơm mềm, cháo, mì, nui, hủ tiếu nấu với thịt, cá, trứng hoặc đậu phụ, rau củ...
Khi đi tàu xe hoặc đi đường dài, nên chuẩn bị cho bé một vài món ăn như sandwich, phô mai, chuối, sữa,... để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.
4. Tráng miệng bằng sữa chua/trái cây
Ngoài bữa chính đầy đủ thịt cá, rau củ mẹ cũng đừng quên cho trẻ tráng miệng với trái cây hoặc sữa chua. Sữa chua được coi là thực phẩm tốt nhất cho hệ tiêu hóa, chứa hàm lượng canxi cao, không gây nóng và có hương vị rất dễ chịu như nha đam, dâu.
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên bổ sung cho trẻ các loại trái cây hoặc nước ép sinh tố từ trái cây như dưa hấu, chuối, dưa chuột, cà chua… để cung cấp đầy đủ vitamin và chất xơ cho trẻ.
5. Uống nhiều nước lọc
Bé chắc chắn sẽ thích các loại nước ngọt với đủ hương vị dâu, chanh, táo… hơn là nước lọc. Tuy nhiên, những loại nước ngọt này sẽ khiến trẻ bị đầy bụng, khó tiêu dẫn đến việc chán ăn ở trẻ.
Mẹ nên hạn chế tối đa việc uống nước ngọt ở trẻ, chỉ nên cho trẻ uống một vài ngụm nhỏ và khuyến khích trẻ uống nước lọc, nước canh. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho trẻ uống các loại sữa tươi, sữa công thức vào ngày Tết để bổ sung đều đặn dưỡng chất cho trẻ.
6. Ăn đúng giờ, đủ bữa
Tết là giai đoạn mọi người nghỉ ngơi thoải mái do đó một số quy tắc ăn uống thường ngày cũng dễ bị phá vỡ. Trong đó, việc bỏ bữa, ăn dồn bữa là tình trạng thường gặp.
PGS.TS.BS Cao Thị Thu Hương, bác sĩ dinh dưỡng, Hệ thống Phòng khám Y học Vận động Nutrihome cảnh báo, điều này hoàn toàn không nên vì nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bỏ bữa có thể dẫn đến đau dạ dày, giảm lượng đường trong máu, ảnh hưởng quá trình trao đổi chất…; còn ăn dồn bữa làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, khó tiêu, tăng cân nhanh.
Nhiều cha mẹ bận rộn ngày Tết nên không để ý nhiều đến chuyện ăn uống đúng giờ, đủ bữa của con. Tuy nhiên, giờ ăn bị đảo lộn cũng sẽ khiến cho bé dễ bị rối loạn tiêu hóa, chán ăn, biếng ăn. Vì vậy, trong những ngày này, cha mẹ vẫn nên cố gắng duy trì thời gian biểu 3 bữa càng giống ngày thường càng tốt.
7. Bảo quản thức ăn đúng cách
Thói quen tích trữ thực phẩm nhiều vào ngày Tết là thói quen từ xưa của ông bà ta khi cuộc sống thiếu thốn, khó khăn. Ngoài ra, việc chuẩn bị dư dả các món ăn dinh dưỡng ngày Tết còn mang ý nghĩa cầu mong một năm mới sung túc, đủ đầy.
Tuy nhiên, tích trữ và bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể khiến thức ăn bị ôi thiu, hư hỏng, khi ăn vào dễ gây bệnh. Hơn nữa, thực phẩm tích trữ lâu dễ bị mất chất, mùi vị bị biến đổi so với thực phẩm tươi mới.
Trẻ có nguy cơ tiêu chảy cao nếu dùng phải thức ăn nhiễm khuẩn. Vì vậy, ngày Tết, tốt nhất cha mẹ chỉ nên cho trẻ ăn đồ tươi mới nhằm đảm bảo vệ sinh, mua sắm vừa đủ, tránh để thừa quá lâu trong tủ lạnh gây hỏng.
Tổng hợp
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất