Bạo lực học đường vẫn liên tiếp xảy ra, Bộ Giáo dục sẽ làm gì?
Bạo lực học đường ngày càng diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm gì để giải quyết thật sự hiệu quả vấn nạn này?
Bạo lực học đường là vấn đề nan giải và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tâm thần của trẻ em, tăng các nguy cơ rối loạn, lo âu, trầm cảm và làm giảm sự tự tin của học sinh vào bản thân. Các tác động không chỉ nhất thời mà còn lâu dài, tiềm ẩn mối nguy về các rối loạn nghiêm trọng hơn như trầm cảm, tự hoại hay tự tử. Gần như trong mọi nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của học sinh trên thế giới đều đề cập đến các trải nghiệm bạo lực, bắt nạt học đường.
Ngày nay với Internet và mạng xã hội, có lẽ hiện tượng này được nhìn nhận và ghi lại nhiều hơn, giống như một tảng băng chìm dần được nổi lên trên mặt nước. Đây cũng là một trong những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục trong thời gian qua và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng trả lời chất vấn tại Quốc hội vào ngày 7/11/2023.
Nhiều vụ bạo lực học đường có tính chất nghiêm trọng
Mấy ngày qua, dư luận bàng hoàng khi xuất hiện một đoạn clip dài gần 4 phút ghi lại cảnh xảy ra tại tỉnh Bạc Liêu, một bé gái bị nhóm khoảng 4-5 học sinh nữ thay phiên nhau đánh, tát vào mặt, đầu và dùng những lời lẽ thô tục, trong khi đó nạn nhân chỉ biết đứng yên chịu trận. Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến vụ việc được xác định là xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ giữa các nữ sinh.
Nhiều người rất bức xúc, phẫn nộ trước hành động của nhóm học sinh đánh bạn; mong muốn nhà trường, cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm để lấy lại công bằng cho bé gái bị đánh, tạo tính răn đe, chấm dứt vấn nạn bạo lực trong học đường.
Cuối tháng 4/2024, vụ việc một nữ sinh lớp 6 bị đánh hội đồng dã man trên địa bàn đang gây xôn xao dư luận. Theo lời tường trình một trong những học sinh dùng điện thoại quay clip đánh nhau, nguyên nhân chính dẫn đến đánh nhau là do nạn nhân đã nói xấu 3 bạn học sinh nữ ở lớp khác. Ngoài ra, có nhiều học sinh khác chứng kiến, dùng điện thoại để quay clip.
Trước đó, Chị Trần Thị Nở (TP. Đà Nẵng) - phụ huynh của em đã gửi đơn trình báo gửi UBND xã Hòa Sơn, Công an xã Hòa Sơn, Ban giám hiệu Trường THCS Trần Quang Khải đề nghị điều tra, xử lý vụ con gái chị bị đánh hội đồng, thương tích nặng.
Trong đoạn clip dài hơn 1 phút do phụ huynh này cung cấp, nữ sinh lớp 6 bị một bạn nữ nắm tóc kéo lê giữa nền bê tông và liên tục đạp mạnh vào người. Bị đánh tới tấp, nữ sinh chỉ biết chịu trận, không dám chống cự. Một bạn nữ khác đến, cố tình lột áo của em nhưng không được. Sau đó, nhóm này đi khỏi hiện trường, bỏ mặc nạn nhân ngồi giữa đường. Sau sự việc, nạn nhân về nhà nhưng sợ hãi, không dám báo với gia đình vì bị hăm dọa.
Đến sáng 18/4 thấy con ho ra máu, đau bụng, buồn nôn, nói sảng, đầu bị sưng nên chị Nở đưa con đến bệnh viện. Chiều 19/4, nữ sinh được Bệnh viện Đà Nẵng cho xuất viện để tiếp tục theo dõi tại nhà với kết luận chẩn đoán "chấn động não".
Trước đó, năm 2023, ngành giáo dục chứng kiến nhiều vụ bạo lực học đường có hệ lụy nghiêm trọng, kéo dài. Tháng 4/2023 tại thành phố Vinh, Nghệ An, N.T.Y.N. - học sinh lớp 10A15, Trường THPT Chuyên Đại học Vinh - đã tự tử tại nhà riêng. Gia đình cho biết em bị bạn học cô lập, đả kích một thời gian dài.
Theo tường thuật của các bên liên quan, N. chơi thân với một nhóm bạn ở lớp nhưng đến thời điểm trước ngày 20/11/2022, N. và nhóm bạn ngừng chơi. Sự việc khiến N. bị tâm lý, thường xuyên tâm sự chán nản với người thân, sợ đi học, sợ đến trường. N. liên tục xin nghỉ học vì lý do sức khỏe. Cuối học kỳ I, N. nhắn tin cho cô giáo chủ nhiệm hỏi về mẫu đơn xin chuyển lớp, cô giáo nói không có, song không tìm hiểu lý do vì sao. 3 tháng sau đó, N. tự tử.
Tháng 8/2023, một phụ huynh tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, lên mạng kêu cứu khi con trai 15 tuổi bị bạo lực học đường thời gian dài dẫn đến trầm cảm, bỏ nhà ra đi.
Người mẹ này đăng kèm bản chụp trang nhật ký của con, trong đó con chị kể lại chuyện bị làm nhục, hành hạ thân thể mỗi ngày bởi 4 bạn cùng lớp từ năm lớp 8: Bị chọc đinh bẩn vào miệng, búng tai, "tác động vật lý" hằng ngày, úp băng vệ sinh lên mặt… Cháu nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử.
Tháng 11/2023, mạng xã hội lan truyền clip một em học sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng tại trường học. Trong clip, nạn nhân bị đánh ngồi bệt dưới đất, hàng chục học sinh khác đứng vây quanh xem, quay clip và bình luận thô tục. Một học sinh khác cầm điện thoại dí sát mặt nạn nhân để quay clip. Ra tay hung hãn nhất là một nữ sinh áo trắng, em này liên tục đạp vào đầu, cổ, thậm chí nhảy lên lưng nạn nhân để giẫm đạp. Nữ sinh bị đánh chỉ biết ôm mặt khóc.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín đã trực tiếp làm việc với nhà trường, phê bình, chấn chỉnh ban giám hiệu nhà trường vì đã không báo cáo ngay vụ việc để có hướng chỉ đạo giải quyết sớm.
Thực tế, có thể thấy bạo lực học đường đã đi ngược lại tôn chỉ, mục đích đào tạo của xã hội, thực trạng này cần phải được giải quyết sớm để từ đó, với học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Khi đến trường, các em không chỉ được học kiến thức mà còn được trải nghiệm môi trường trong lành của tình yêu thương cùng các giá trị nhân văn khác, giúp các em có được tâm thế thuận lợi, tinh thần hướng thiện – những thứ rất quý giá để định hướng tương lai của chính các em.
Hoàn thiện, bổ sung hành lang pháp lý để học sinh có môi trường học tập, vui chơi lành mạnh
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Luật sư Ngô Thế Hiệp - Giám đốc điều hành JWLEGAL cho biết, hành vi bạo lực học đường tùy thuộc cấp độ vi phạm, tính nguy hiểm của hành vi, hậu quả, quy định của pháp luật có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Theo Luật sư Ngô Thế Hiệp, hiện nay có nhiều vụ việc, vụ án liên quan liên quan đến bạo lực học đường xảy ra, gắn với đối tượng vi phạm có thể là chính cá nhân trong độ tuổi học đường, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cụ thể về độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hành vi bạo lực học đường gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của người bị hại.
“Với các quy định trên, các bậc phụ huynh và các cơ sở giáo dục cần tích cực quản lý, theo dõi; phối hợp trong phổ biến pháp luật, hậu quả pháp lý gắn với các hành vi vi phạm để các học sinh, các con và chính các chủ thể (tổ chức/các nhân) khác hạn chế tối đa hành vi bạo lực học đường”, ông Hiệp nói.
Luật sư Ngô Thế Hiệp đưa ra lời khuyên, nếu phát hiện trẻ em là nạn nhân của một vụ bạo lực học đường, cha mẹ hoặc những người có liên quan cần kịp thời tìm kiếm sự hỗ trợ bằng cách báo cho giáo viên chủ nhiệm/nhà trường để phòng ngừa hành vi, hậu quả tiếp theo; đồng thời có biện pháp hạn chế nhanh chóng, tức thời các nguy cơ gắn với bạo lực học đường.
Ngoài ra, gắn với tính chất sự vụ, kịp thời báo cho cơ quan Công an tại địa phương (cấp xã/huyện, tỉnh) để được hướng dẫn, hỗ trợ hoặc liên hệ đường dây nóng bảo vệ trẻ em: Tổng đài 111. Trong quá trình xử lý hoặc sau khi giải quyết, liên quan đến nội dung vụ việc cha mẹ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý từ các chuyên gia.
Theo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định rõ: Trẻ em cần được xã hội bảo vệ sức khỏe, tính mạng, thân thể, danh dự, nhân phẩm, gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho trẻ em; Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó Luật sư Ngô Thế Hiệp cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề bạo lực học đường cần phải hoàn thiện, bổ sung một số giải pháp, hành lang pháp lý để học sinh có môi trường học tập, vui chơi lành mạnh với 5 nhóm giải pháp:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về hậu quả nghiêm trọng của bạo lực học đường đặc biệt là đến các em học sinh thông qua tăng cường phổ biến pháp luật để ngay từ trong nhà trường các học sinh đã có sự hiểu biết gắn với hậu quả vi phạm. Nội dung phổ biến đa dạng, thu hút được sự quan tâm của học sinh và người phổ biến pháp luật cần có kỹ năng, chuyên môn và nhiều kiến thức thực tiễn.
Thứ hai, các văn bản quy phạm pháp luật cần tăng tính chế tài cho các hành vi bạo lực học đường, xây dựng chế tài cụ thể ngay trong Nội quy, quy chế học đường gắn với các hậu quả xã hội. Ngoài ra, không chỉ những văn bản trực tiếp liên quan đến giáo dục mà ngay cả những văn bản liên quan khác như Luật an ninh mạng hay các quy định về mạng xã hội, không gian mạng cũng là phương tiện lan tỏa hành vi. Trường hợp không được quản lý, giám sát sẽ là thúc đẩy hành vi bạo lực học đường.
Thứ ba, cần phải triển khai tốt hơn nữa đề án xây dựng văn hóa học đường, môi trường giáo dục thân thiện để học sinh tin tưởng chia sẻ những khó khăn vướng mắc.
Thứ tư, nhà trường cần tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định pháp luật tại cơ sở đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của từng học sinh trong hạn chế tối đa bạo lực học đường.
Thứ năm, mỗi gia đình, từng phụ huynh cần là “cánh cửa” phối hợp, giám sát, nắm bắt tâm tư của học sinh (đối tượng gây ra nhiều vụ bạo lực học đường), hạn chế các tác nhân từ gia đình (bố mẹ tù tội, khó khăn kinh tế, bố mẹ ly hôn…..) dẫn tới tiêu cực từ suy nghĩ, hành động. Đồng thời, gia đình, nhà trường bảo đảm quyền được học hành của trẻ em tối đa nhất rộng khắp cả nước.
Nâng cao nhận thức của người dân về sự nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực học đường
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, tính cách hung hăng, kích động của học sinh chịu ảnh hưởng từ nhiều lý do, từ cả gia đình, xã hội, lẫn không gian mạng, các phương tiện truyền thông. Sự cố gắng, nỗ lực của ngành giáo dục sẽ chỉ có hiệu quả nếu chúng ta hình thành được một môi trường lành mạnh, hướng đến phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học theo đúng tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Muốn có được môi trường lành mạnh ấy thì tinh thần này phải được quán triệt, thấm nhuần trong từng gia đình, tổ chức đoàn thể, xã hội, trong mỗi nhà trường, trên cả các phương tiện truyền thông.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để giải quyết vấn đề bạo lực học đường tận gốc rễ, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội với sự nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực học đường. Bạo lực học đường gây ra những hệ lụy vô cùng lớn đối với không chỉ mỗi em học sinh, nhà trường mà với cả toàn xã hội. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay của toàn xã hội, chứ không là công việc của riêng ngành giáo dục. Khi có nhận thức đúng và đầy đủ mới có những hành động cụ thể, thiết thực để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường.
Ngoài ra, cần ban hành và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để tăng tính chế tài cho các hành vi bạo lực học đường. Giờ đây, không gian mạng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu lan tràn, tiếp tay cho các hành vi bạo lực học đường, xử lý được những vấn đề trên không gian mạng cũng giúp cho nạn bạo lực học đường được giải quyết tốt hơn.
Bên cạnh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cũng cần phải thực hiện cùng với việc xử phạt làm gương, vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính răn đe cho các hành vi bạo lực học đường. Đồng thời, tích cực xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường cũng là một giải pháp mang tính bền vững.
Một môi trường trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện, với bộ quy tắc ứng xử bảo đảm các giá trị cốt lõi: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ với mọi người hay phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi học sinh, cùng với việc tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể thao, hoạt động xã hội để hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh là những giải pháp quan trọng khác giúp giảm nỗi lo, giải quyết được gốc rễ bạo lực học đường.
Tại phiên chất vấn chiều 7/11/2023, đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng (tỉnh Quảng Nam) cho biết, trong Báo cáo số 508 ngày 03/10/2023 của Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội đánh giá việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tại trang 54 có tự đánh giá tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp. Vậy theo Bộ trưởng, có những nguyên nhân nào gây ra tình trạng này và hướng khắc phục thật căn cơ của Bộ trong thời gian tới như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, tính đến ngày 5/11, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 2.016 học sinh, trong số đó có 854 học sinh nữ. Có thể nói, diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp.
Theo Bộ trưởng, bình quân khoảng 50 cơ sở giáo dục thì có xảy ra một vụ bạo lực học đường. Đáng ngại, số học sinh nữ tham gia nhiều hơn, cũng là nguyên nhân khiến ngành giáo dục quan tâm, lo lắng và tìm mọi cách để xử lý vấn đề này.
Bộ trưởng cho biết, có nguyên nhân từ phía ngành giáo dục, khi việc xác nhận và xử lý những cái tình huống bạo lực vẫn đang giao cho giáo viên kiêm nhiệm. Tại các trường, việc tư vấn tâm lý hay xử lý đều giao cho giáo viên. Tuy nhiên, khi phát hiện bạo lực học đường, vẫn còn lúng túng về thực hiện các kỹ năng xử lý. Nguyên nhân khác, dịch bệnh kéo dài, học sinh học online lâu đã ảnh hưởng đến tâm lý. Bên cạnh đó, những vấn đề về tâm lý, lứa tuổi, tâm sinh lý tuổi đang trưởng thành cũng là yếu tố ảnh hưởng; Những ảnh hưởng của mạng xã hội, phim ảnh, đặc biệt là những bộ phim bạo lực được giới trẻ quan tâm, cũng là nguyên nhân. “Tôi mong các ngành có liên quan hỗ trợ, cùng với ngành giáo dục giải quyết những vấn đề này”.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất