Bảo vệ các quyền cơ bản của nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. HCM vừa báo cáo kết quả kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn TP. HCM năm 2022.
Theo báo cáo, hiện nay trên địa bàn TP có 1.849.777 trẻ em, trong đó có 11.168 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 17.224 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng; 2.513 trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 60 cơ sở bảo trợ xã hội; hơn 2.200 trẻ em mồ côi do Covid-19.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát về công tác bảo vệ trẻ em của một số cơ quan Nhà nước và các cấp chính quyền chưa thường xuyên; sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể quần chúng, nhất là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong hoạt động giám sát, phản biện chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa liên tục và quyết liệt; chưa kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền về các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhóm trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.
Đồng thời, việc thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền và của người dân ở nhiều địa phương chưa nghiêm; hình thức xử lý vi phạm đối với người thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ và những người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em chưa kịp thời và chưa có tác dụng giáo dục, răn đe, dẫn đến biểu hiện coi thường pháp luật trong công tác bảo vệ trẻ em.
Về phía gia đình, còn nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thay thế và chính bản thân trẻ em còn thiếu kiến thức pháp luật cơ bản về quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ của trẻ em, dẫn đến tình trạng bố mẹ sao nhãng, bỏ mặc con cái.
Đồng thời, các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc bố mẹ ly hôn, ly thân, bố mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật đang là nguyên nhân này sinh các hành vi bạo lực, xâm hại, nhất là xâm hại tình dục đối với trẻ em...
Bên cạnh đó, không ít gia đình do bố mẹ, người lớn sống thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm với con cái cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình.
Mặt khác, đa số những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và gia đình các em này đều có tâm lý mặc cảm, tự ti, lo sợ bị trả thù nên không dám tố cáo kẻ gây hại và che dấu hoàn cảnh bị tổn thương của trẻ em, dẫn đến tình trạng bỏ sót tội phạm và nạn nhân chậm được chăm sóc, hỗ trợ.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP kiến nghị T.Ư xem xét cơ chế đặc thù cho TP trong việc bố trí đội ngũ cán bộ không chuyên trách phường, xã, thị trấn phụ trách công tác trẻ em tại địa phương cho phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới.
Việc phân bổ kinh phí hàng năm liên quan đến triển khai các dự án và mô hình quan đến Chương trình bảo vệ trẻ em, kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã liên hội lưu ý đến tính đặc thù của những TP lớn như TP. HCM.
Tuy có điều kiện kinh tế phát triển hơn ở những địa phương khác nhưng cũng vì thế TP đã đón nhận một lượng không nhỏ trẻ em từ tỉnh thành khác đến cũng như phát sinh hàng loạt những vấn đề có liên quan đến trẻ em nên việc nhận được sự quan tâm, đầu tư của Trung ương sẽ góp phần tạo động lực và điều kiện tốt hơn giúp thành phố giải quyết hiệu quả hơn nữa những vấn đề có liên quan đến trẻ em.
Đề xuất, Ủy ban Trẻ em TP có chương trình phối hợp với các Sở, ban, ngành, hội đoàn thể TP tổ chức hội thảo tập huấn chuyên đề về trẻ em cho Ủy viên Ủy ban Trẻ em, lãnh đạo các ngành, các cấp để tăng cường việc giám sát, triển khai thực thi Luật Trẻ em của từng ngành, từng cấp đảm bảo công tác trẻ em và công tác phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em thực thi có hiệu quả.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất