06:05 11/11/2022

Bảo vệ để trẻ em được sống trong môi trường an toàn

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hoài Linh

Sáng 10/11, “Cuộc đối thoại bàn tròn giữa đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ làm công tác trẻ em về việc tăng cường hành động nhằm chấm dứt bạo lực đối với trẻ em tại Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội. 

Cuộc đối thoại có sự hiện diện của Tiến sĩ Najat Maalla M’jid - đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Bạo lực trẻ em (BLTE), bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và đại diện của các tổ chức phi chính phủ (NGO) làm công tác trẻ em. 

Toạ đàm Bảo vệ trẻ em
Các khách mời tham dự cuộc đối thoại (Ảnh: Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam).

Phát biểu tại cuộc đối thoại, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: “Bảo vệ để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong tương lai là một hành trình còn nhiều khó khăn thách thức.

Hành trình này đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm chung tay góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội, thực hiện thành công những mục tiêu bảo vệ trẻ em của đất nước và cam kết của Chính phủ trong thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững”.

đối thoại 3
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Ảnh: Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam).

Theo bà Hòa, công tác bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại, bạo lực còn những khó khăn, thách thức nhất định.

“Một số quy định của pháp luật chưa đầy đủ. Nhận thức, kiến thức, kỹ năng của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn nhiều hạn chế. Tình trạng trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ em trong gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối.

Với quan niệm "yêu cho roi cho vọt", thờ ơ, thiếu hiểu biết về pháp luật, coi đó là việc riêng của gia đình vẫn tồn tại ở một số gia đình có con bị bạo lực, xâm hại bởi người thân thường e ngại, muốn giữ im lặng để bảo vệ danh dự gia đình và tương lai của trẻ.

Do vậy, đây là cơ hội để chia sẻ về các thách thức, mô hình đã triển khai và vai trò của các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ quốc tế hướng tới cùng hành động nhằm chấm dứt bạo lực đối với trẻ em tại Việt Nam”, bà Hòa nói thêm. 

Cuộc đối thoại được tổ chức với mục tiêu nhằm chia sẻ góc nhìn về những thách thức còn tồn tại và thách thức mới trong công tác bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại, bóc lột, bạo lực, trong đó có những thực hành có hại. 

Ngoài ra, mục đích mà cuộc đối thoại hướng tới đó là chia sẻ kinh nghiệm và xác định các phương hướng hành động để tăng cường bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, bao gồm giải quyết những thực hành có hại và chuẩn mực xã hội cho phép hành vi BLTE diễn ra, đặc biệt với sự vào cuộc của các NGO. 

Từ đó, thảo luận đưa ra những giải pháp, phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức NGO trong việc tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em của Việt Nam và giám sát tiến độ thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến BLTE trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận