11:56 12/09/2024

Bé gái 14 tuổi bị dị tật màng trinh hiếm gặp

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An

Bé gái 14 tuổi ở Hà Nội xuất hiện tình trạng đau bụng âm ỉ vùng hạ vị và đau vùng thắt lưng. Sau thăm khám bất ngờ phát hiện tình trạng bế kinh do màng trinh không có lỗ mở vào âm đạo.

Bé gái N.M.T (14 tuổi, Hà Nội) xuất hiện tình trạng đau bụng vùng hạ vị. Cơn đau được mô tả đau bụng âm ỉ liên tục và đau vùng thắt lưng. Tình trạng đau không thuyên giảm, gia đình đưa bé đến Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Thanh Xuân kiểm tra.

Qua hỏi bệnh được biết cháu T. chưa có kinh nguyệt, thăm khám phụ khoa phát hiện màng trinh không thủng.

Đặc biệt, kết quả siêu âm cho thấy trong buồng tử cung có dịch dày 11mm, niêm mạc dày 9mm. Vị trí âm đạo có dịch vẩn âm không đồng nhất, thông với dịch trong buồng tử cung kích thước 74x76x157mm.

BE14TUOI
Kết quả siêu âm cho thấy trong buồng tử cung có dịch dày 11mm, niêm mạc dày 9mm

Bác sĩ chẩn đoán xác định tình trạng của bệnh nhân là bế kinh do màng trinh không thủng, cụ thể trẻ có kinh nguyệt nhưng không thoát ra ngoài được gây các cơn đau tại vùng hạ vị. Cháu T. được tư vấn thực hiện phẫu thuật rạch màng trinh để làm thoát máu kinh.

BS Nguyễn Hải Duyên - Chuyên khoa Nhi (Sản), Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Thanh Xuân - bác sĩ trực tiếp thăm khám trường hợp của cháu T. cho biết, bế kinh do màng trinh không thủng là tình trạng ứ máu kinh trong tử cung - âm đạo do màng trinh không có lỗ thủng làm máu kinh không thoát ra ngoài và ứ lại trong buồng tử cung, âm đạo, có thể tràn qua hai bên vòi trứng vào ổ bụng. Đây là dị tật hiếm gặp, với tỷ lệ mắc là 1/1.000.

Theo BS Nguyễn Hải Duyên, tình trạng này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm như ứ dịch máu vòi trứng hai bên, vỡ vòi trứng, viêm nhiễm tử cung và vòi trứng do sự ứ đọng máu kinh tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì hay còn gọi là tuổi vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thiếu nhi sang tuổi trưởng thành. Đây là giai đoạn mà mỗi bạn trẻ đều có sự thay đổi mạnh mẽ về tâm lý, sinh lý cũng như thể chất. Việc chăm sóc, giáo dục sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì cho trẻ, đặc biệt là trẻ nữ đóng vai trò quan trọng.

Đối với trẻ nữ, tuổi dậy thì được đánh dấu bằng kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường, biểu hiện là chảy máu ra ngoài âm đạo do bong niêm mạc tử cung. Kinh nguyệt có tính chất định kỳ hàng tháng, là kết quả của sự thay đổi nội tiết buồng trứng trong cơ thể. Với vòng kinh bình thường khoảng 22-35 ngày, trung bình là 28-30 ngày, thời gian hành kinh từ 3-7 ngày.

Theo đó, bác sĩ Duyên đưa ra khuyến cáo, các gia đình có bé gái đang ở độ tuổi dậy thì phải chú ý đặc biệt đến chu kỳ kinh nguyệt, xem có đều đặn hay có điều gì bất thường xảy ra không.

Đặc biệt, khi đến tuổi dậy thì mà không có kinh nguyệt các bậc phụ huynh cần đưa con đi khám sản khoa để có thể phát hiện 1 trong 2 dị tật sau để điều trị:

Dị tật bẩm sinh không có âm đạo và tử cung: Bệnh nhân đến tuổi dậy thì phát triển hoàn toàn bình thường nhưng không có kinh nguyệt. Sau khi phẫu thuật tạo hình âm đạo, bệnh nhân vẫn có thể có thiên chức làm mẹ và làm vợ hoàn toàn bình thường;

Dị tật màng trinh không thủng hoặc hẹp/dính phần đầu của âm đạo: Bệnh nhân có kinh nguyệt nhưng không thoát ra ngoài được gây các cơn đau dữ dội từng cơn tại vùng hạ vị. Bác sĩ sẽ cần trích rạch màng trinh hoặc có thể phải tạo hình phần đầu âm đạo.

Bác sĩ Duyên cho biết, nếu nhận thấy trẻ xuất hiện các biểu hiện bất thường, gia đình nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.​

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận