Nữ sinh 16 tuổi hít 15 quả bóng cười, bác sĩ cảnh báo hậu quả rất nghiêm trọng
Nữ sinh 16 tuổi, quê tại Vĩnh Phúc sau 3 ngày liên tục sử dụng bóng cười đã phải nhập viện vì tê bì tứ chi, chuột rút và giảm cảm giác chân tay.
Bệnh nhân được người nhà đưa vào Khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đầu tháng 8, sau khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, không thể vận động hai chân và phải di chuyển bằng xe lăn.
Theo lời kể của gia đình, nữ sinh đã sử dụng tổng cộng 15 quả bóng cười chỉ trong 3 ngày, khiến cơ thể bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bất thường như tê bì tứ chi, chuột rút, giảm cảm giác chân tay và cuối cùng là liệt mềm chân.
Khi nhập viện, bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị tổn thương thần kinh ngoại vi giai đoạn bán cấp do lạm dụng bóng cười và được điều trị tích cực bằng các loại thuốc tăng dẫn truyền thần kinh và vitamin B12 liều cao.
Sau 10 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có những chuyển biến tích cực, có thể đi lại và vận động nhẹ, hai chân vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Hiện bệnh nhân đã được xuất viện, nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị ngoại trú và tái khám định kỳ để theo dõi sự phục hồi.
Ngộ độc khí Nitơ Oxit (N2O) do lạm dụng bóng cười có thể dẫn đến những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt là tổn thương thần kinh kéo dài. Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết: "Lạm dụng khí N2O trong thời gian dài sẽ gây bất hoạt vitamin B12, dẫn đến thoái hóa thần kinh bán cấp. Những tổn thương này có thể kéo dài và rất khó phục hồi, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời".
Bác sĩ Thủy khuyến cáo: "Người bệnh sau khi được điều trị cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời duy trì lối sống lành mạnh, tránh xa các chất kích thích gây hại và thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học để phục hồi sức khỏe nhanh chóng".
Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ông đã nhiều lần cảnh báo về tác hại của việc sử dụng bóng cười.
"Bóng cười chứa khí N2O, một loại chất có thể gây nghiện và có tác dụng gây hưng phấn tức thời. Tuy nhiên, hậu quả của việc sử dụng bóng cười là rất nghiêm trọng, đặc biệt là với hệ thống thần kinh trung ương và tim mạch", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng "bóng cười" cho vui, cho rằng vô hại vì hết cười lại bình thường. Tuy nhiên, người dùng sẽ có xu hướng tăng liều dần và nguy cơ ngộ độc rất nguy hiểm. Trong trường hợp cười quá mức, liên tục do hít "bóng cười" có thể gây ngạt do thiếu ôxy. Nếu trên cơ địa người sử dụng có bệnh hô hấp sẽ rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp.
"Việc sử dụng N2O kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong", bác sĩ Nguyên cảnh báo.
Việc lạm dụng bóng cười, đặc biệt trong giới trẻ, đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng cần được xã hội quan tâm. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, mặc dù bóng cười có thể mang lại cảm giác vui vẻ (ảo giác) ngắn hạn, nhưng hậu quả lâu dài là rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn để lại những di chứng tâm lý nặng nề cho người sử dụng.
Trường hợp của nữ sinh 16 tuổi này không phải là cá biệt, trước đó các cơ sở y tế cũng từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều bạn trẻ trong tình trạng nguy kịch do lạm dụng bóng cười.
Tác hại của bóng cười không chỉ dừng lại ở việc gây tổn thương thần kinh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và các cơ quan khác trong cơ thể. Bóng cười là một dạng chất kích thích có thể gây nghiện, và người sử dụng có xu hướng tăng liều lượng để đạt được cảm giác hưng phấn, dẫn đến những hậu quả khó lường.
Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của bóng cười là rất cần thiết để ngăn chặn tình trạng lạm dụng và bảo vệ sức khỏe của giới trẻ. Chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục, và các tổ chức xã hội cần phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền và giám sát để ngăn chặn các hành vi sử dụng bóng cười trái phép.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất