09:20 05/06/2023

Bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng, cần làm gì để trẻ mau khỏi bệnh?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam M. Phương

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng, đặc biệt là ca bệnh nặng. Phụ huynh nên có những lưu ý để có phương pháp chăm sóc trẻ đúng cách nếu không may nhiễm bệnh.

Những ngày qua, tại TPHCM, số ca nhập viện khám và điều trị vì bệnh tay chân miệng ở các bệnh viện nhi có xu hướng tăng. Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết những ngày qua, tại bệnh viện, mỗi ngày tiếp nhận từ 20-30 ca bệnh nhi đến khám vì tay chân miệng, trong đó có khoảng 5-7 ca phải nhập viện điều trị.

89
Một bé mắc tay chân miệng nguy kịch, phải thở máy tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố vào ngày 1/6 (Ảnh: Tuổi trẻ).

Đáng chú ý, mới đây, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi 5 tuổi, qua quá trình sàng lọc, chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ nhận định bệnh nhi mắc tay chân miệng độ nặng. Dù đã nỗ lực điều trị nhưng đêm qua (31/5), bệnh nhi đã tử vong.

Bác sĩ CKII Dư Tuấn Quy, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ với Tuổi trẻ, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm. Đỉnh dịch của bệnh thường rơi vào tháng 4 đến 6 và tháng 8 đến 12 hằng năm. Dự báo bệnh có khả năng tăng cao khi thời tiết đang nắng nóng như hiện nay, khi người dân dần quên đi thói quen rửa tay, khử khuẩn, đeo khẩu trang so với trước.

Để giúp trẻ mắc tay chân miệng mau hồi phục, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM với Vnexpress, lựa chọn thực phẩm hợp lý cùng chế độ dinh dưỡng đúng cách sẽ giúp trẻ nâng cao sức đề kháng và nhanh hồi phục.

ww
Cha mẹ cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này.

Bố mẹ cần cho con ăn đa dạng nhóm thực phẩm gồm: Chất đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất có thể bù lại nguồn năng lượng và các chất dinh dưỡng bị mất. Cho trẻ bổ sung thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao từ thịt, cá chép, cá quả, cá trích... Trứng, sữa và hải sản cũng giúp cung cấp nguồn kẽm và sắt cho trẻ.

Thứ hai, cần cho trẻ ăn hoa quả, bổ sung rau củ có màu vàng, đỏ như đu đủ, dưa hấu, cà rốt, cà chua... và các loại rau xanh sẫm như rau ngót, cải bó xôi, súp lơ... Những thực phẩm này chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho trẻ, đặc biệt là bổ sung vitamin A, C... giúp tăng cường hệ miễn dịch, vết sang thương trên da nhanh lành.

Phụ huynh cũng cần lưu ý tuy vitamin C có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch, chống dị ứng nhưng bố mẹ không nên cho trẻ ăn loại trái cây có vị chua như chanh, cam... vì có thể làm trẻ có cảm giác bị rát miệng khi ăn. Thay vào đó, bé có thể bổ sung loại trái cây có vị ngọt nhẹ khác như dưa hấu.

Về chế biến thức ăn, phụ huynh nên cắt thái hoặc xay nhỏ cho trẻ dễ ăn, đặc biệt đồ ăn nên ở dạng lỏng mềm để trẻ dễ nuốt. Món ăn cần được thay đổi và chia làm nhiều bữa nhỏ giúp bé ăn ngon miệng. Tất cả dụng cụ chế biến phải sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh khi làm thức ăn cho trẻ.

Bé cần uống đủ nước, nhất là giai đoạn bé bị sốt hoặc nôn. Bố mẹ có thể bổ sung nước trái cây và sinh tố cho bé. Khi bé có triệu chứng sốt cao, tiêu chảy nên cho trẻ uống oresol để bù nước và điện giải.

Tay chân miệng là bệnh lây nhiễm từ người sang người, vì vậy để chăm sóc bé tốt nhất và hạn chế tối đa tình trạng lây lan, phụ huynh nên cách ly trẻ bị bệnh. Người lớn khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng phải đeo khẩu trang cho bản thân và trẻ. Sau khi chăm sóc xong thì phải rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

Quần áo của trẻ cần giặt riêng. Nếu được, nên luộc bằng nước sôi trước khi giặt bằng xà phòng và nước sạch. Những đồ vật dùng chung như đồ chơi, bình sữa, ly, chén của trẻ bị tay chân miệng phải dùng riêng với những trẻ khác. Đồng thời phải được làm sạch bằng xà phòng và nước sạch. Ngoài ra, phụ huynh chú ý vệ sinh, tắm rửa cho trẻ bị tay chân miệng mỗi ngày.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận