06:39 01/03/2024

Bùng nổ ý kiến trái chiều cấm tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS, chuyên gia nói gì?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cho hay, chỉ nên coi chứng chỉ IELTS là một tiêu chí cộng điểm khi tuyển thẳng vào lớp 10, vì nếu lạm dụng có thể bỏ lỡ nhiều học sinh tài năng.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn gửi tới các địa phương yêu cầu dừng việc tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ ngoại ngữ để đảm bảo công bằng giữa các thí sinh và khẳng định sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra tại một số địa phương, vấn đề này trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, thậm chí bùng nổ ý kiến trái chiều từ các bậc phụ huynh.

Không thể đánh đồng có chứng chỉ IELTS là có kiến thức rộng 

Đồng tình với cách giải quyết của Bộ GD&ĐT, anh Doãn Chí Bình (Hoàn Kiếm) đang có con học lớp 11 cho rằng, quy đổi 4.0 IELTS là ngưỡng rất thấp, tỷ lệ mẹo nhiều nên may mắn có được. Việc học IELTS đã bị biến tướng, sai mục đích và gây tốn kém nặng nề cho xã hội, nuôi béo các tổ chức nước ngoài. IELTS chỉ phù hợp với du học, tuyển sinh đại học, sau đại học, từ bao giờ lại áp dụng cho tuyển sinh cấp 3?

“Việc giỏi một ngôn ngữ để làm tiêu chí tuyển sinh chỉ là chạy theo phong trào và là sân chơi không công bằng”, vị phụ huynh này nhấn mạnh và cho biết thêm, một học sinh giỏi ngôn ngữ khác cũng giống như người nước ngoài giỏi tiếng Việt. Điều đó không thể hiện được là em đó giỏi các môn xã hội hay tự nhiên. 

“Những em gia đình khá giả thì thuận lợi hơn những em có hoàn cảnh khó khăn bởi được tiếp cận với ngoại ngữ từ nhỏ, gia đình có điều kiện học tập, đặc biệt có thể lấy chứng chỉ quốc tế với chi phí cao, còn những học sinh nghèo thì về năng lực, về tiềm năng, trí tuệ của học sinh đó không thua kém ai nhưng không có điều kiện học ngoại ngữ vô tình bị loại”, anh Bình nói.

Tán thành với quan điểm trên, chị Nguyễn Đặng Hải My (Đống Đa) có con học lớp 8 cho hay, tuyển thẳng thì không nên vì IELTS hay bất cứ một chứng chỉ ngoại ngữ nào đều không phản ánh được kiến thức của các môn học khác. Nếu các Sở GD&ĐT đưa chính sách này vào, các trường THCS chạy theo thành tích sẽ chỉ đầu tư dạy mỗi tiếng Anh, điều này vô cùng tai hại.

“Không thể giữ quan điểm chỉ những em học sinh tương đối thông minh, chăm chỉ mới có thể học giỏi IELTS và đồng nghĩa là giỏi những môn học khác, nếu vậy người ta cũng có thể nhận định rằng: chỉ cần học giỏi Toán là giỏi Khoa học - Tự nhiên, học giỏi Văn là giỏi Khoa học Xã hội hết”, chị My bày tỏ.

images2268948_IMG_1506
Nhiều phụ huynh ủng hộ việc Bộ GD&ĐT ngăn chặn việc lạm dụng chứng chỉ IELTS khi tuyển thẳng vào lớp 10. Ảnh minh họa: Báo Đồng Nai.

Ngoài ra, việc tuyển thẳng vào lớp 10 bằng IELTS quá tốn tiền của cha mẹ, không hợp tâm lý lứa tuổi và hiểu biết xã hội của các em, và vừa làm cho Tiếng Anh bị lệch do chạy theo Tiếng Anh dành cho học thuật quá sớm, bỏ hổng các phần khác. 

Tuy nhiên, chị My cho rằng, việc quy đổi sang điểm tiếng Anh và miễn thi môn tiếng Anh thì vẫn hợp lý, vì chỉ xét môn tiếng Anh nói riêng, các chứng chỉ quốc tế vẫn có phần toàn diện hơn (vì có đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết) và đề thi quốc tế cũng đáng tin cậy hơn.

Đề tốt nghiệp có hạn chế là không kiểm tra được đủ kỹ năng, có những câu hỏi giấy trắc nghiệm như âm nào phát âm khác các âm còn lại, đánh đúng nhưng chưa chắc đã biết cách phát âm, trong khi các chứng chỉ quốc tế phản ánh tương đối đầy đủ và chính xác hơn (theo quan điểm cá nhân của tôi) năng lực vận dụng ngoại ngữ của các cháu trong cả bốn kỹ năng.

Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh vẫn cho rằng việc dừng sử dụng chứng chỉ IELTS để tuyển thẳng là hội nhập với các nước phát triển trên thế giới.

Chị Cao Minh Khuê (Ba Đình) - phụ huynh có con theo học IELTS đến nay đã được 5 năm cho rằng, thay vì cấm ưu tiên tuyển thẳng thì Bộ GD&ĐT nên có giải pháp khuyến khích để các em học sinh ngày càng hăng say học tiếng Anh. Nếu lấy điểm IELTS làm tiêu chuẩn để tuyển chọn, học sinh sẽ ôn luyện tiếng Anh thật nhuần nhuyễn trong các kì thi. Với các học sinh không đủ điều kiện học để thi IELTS thì chọn hình thức tuyển thẳng khác. 

“Không thể cứ lo tạo sân chơi công bằng, mà làm chậm sự phát triển của xã hội. Thời đại 4.0 muốn Việt Nam vươn tầm sánh vai cường quốc thế giới thì vai trò của tiếng Anh là rất quan trọng. Vì vậy, nếu muốn người dân bắt buộc đầu tư cho thế hệ trẻ học tiếng Anh từ nhỏ thì một số địa phương ưu tiên chứng chỉ là đúng. Để đạt được chứng chỉ không những gia đình phải đầu tư tiền bạc mà chính học sinh đó phải rất chịu khó, dành nhiều thời gian, công sức để học. Nhiều gia đình có dư điều kiện nhưng các cháu không ham học thì cũng không thể có chứng chỉ này”, chị Khuê nói. 

Cùng chung quan điểm, chị Nguyễn Mai Khanh (Hà Đông) có con học lớp 9 cho rằng, học tiếng Anh là chìa khóa quan trọng bậc nhất để đọc, nghiên cứu các tài liệu trên thế giới, ưu tiên tuyển thẳng những thí sinh có chứng chỉ IELTS là bài toán đánh đổi hợp lý vì giỏi ngoại ngữ sẽ học thêm được nhiều kiến thức bởi phần lớn thông tin từ Internet là tiếng Anh. Đặc biệt, những học sinh có IELTS cơ hội cũng cạnh tranh hơn các bạn chỉ học tiếng Anh qua loa ở trường, bởi khi đi làm thì có IELTS cũng được đánh giá cao hơn. 

Ưu tiên chứng chỉ IELTS để tuyển thẳng vào lớp 10 sẽ dẫn đến sự phân biệt đối xử 

Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Thực tế ở Việt Nam, nếu sử dụng IELTS để tuyển thẳng có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử với những học sinh không có điều kiện tài chính để học và thi IELTS bởi chi phí không hề nhỏ. Ngoài ra, chứng chỉ IELTS không phản ánh đầy đủ năng lực học tập của học sinh mà chỉ là một khía cạnh. Bởi lẽ đó, IELTS nên chỉ dừng lại ở một tiêu chí cộng điểm khi tuyển thẳng vào cấp 3. 

“Tri thức, sự sáng tạo đổi mới sẽ giúp cá nhân phát triển bền vững và thành công. Nếu các em học sinh và gia đình chạy theo chứng chỉ IELTS để được tuyển thẳng trong các kì thi mà bỏ bê các môn học khác sẽ vô tình gây suy giảm năng lực chung của cá nhân các em. Vì vậy, không nên sử dụng chứng chỉ IELTS như một tiêu chí mang tính quyết định để tuyển thẳng vào lớp 10, lạm dụng IELTS có thể bỏ lỡ nhiều học sinh tài năng”, thầy Nam nhấn mạnh.

PGS-TS-Tran-Thanh-Nam-1694996656388
PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Đại biểu Nhân dân).

Cũng theo PGS.TS. Trần Thành Nam, ngày nay, với sự phát triển rất nhanh chóng của công nghệ và trí tuệ nhân tạo, ngoại ngữ sẽ ngày càng không còn là rào cản. Bất kể một cá nhân nào cũng cũng có thể giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ và nhận được sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ dịch trực tiếp theo thời gian thực.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục lưu ý rằng, trong những năm qua, việc quản lý chất lượng chứng chỉ IELTS gặp phải không ít vấn đề như làm thế nào để không tạo ra một thị trường mua bán chứng chỉ gây áp lực và tạo ra gánh nặng tài chính cho các gia đình; xu hướng sính ngoại, tôn sùng quá mức năng lực tiếng Anh mà không quan tâm đầu tư vào các nội dung học thuật thực chất…

“Thế giới trong tương lai sẽ có nhiều ngành nghề mới, tiếng Anh hay bất cứ một ngoại ngữ nào đều có thể trở thành ngôn ngữ làm việc. Vì vậy, việc học ngoại ngữ nên trở thành một sự tự nguyện của những người trẻ khi họ cảm thấy cần phục vụ cho công việc và giúp nâng cao giá trị của chính bản thân họ”, thầy Nam chia sẻ.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận